Tình trạng răng có vết đen có thể chỉ là do quá trình lão hóa tự nhiên nhưng cũng có thể là triệu chứng bạn bị sâu răng, có quá nhiều cao răng hoặc gặp bệnh lý nào đó. Vậy nên, bạn cần đi khám sớm nếu thấy răng bị đốm đen để có cách khắc phục hợp lý.
Răng bị ố vàng là tình trạng khá thường gặp và không quá nghiêm trọng nếu bạn không có dấu hiệu nguy hiểm đi kèm. Tuy nhiên, răng có vết đen lại là trường hợp đáng chú ý vì đây có thể là triệu chứng cho thấy sức khỏe răng miệng đang có vấn đề. Vậy nguyên nhân nào khiến răng có vết đen, điều trị ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Bác sĩ Hoa!
9 nguyên nhân thường gặp khiến răng có vết đen
Có rất nhiều nguyên nhân khiến răng xuất hiện vết đen như hút thuốc lá, chăm sóc răng miệng kém hay do cao răng. Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe và phương pháp điều trị cũng có thể làm thay đổi màu răng.
1. Thói quen vệ sinh răng miệng kém
Nguyên nhân khiến răng có vết đen thường thấy là do thói quen vệ sinh răng miệng chưa tốt. Khi bạn không vệ sinh răng miệng kỹ, axit từ mảng bám và các loại thực phẩm có đường có thể tấn công lớp men bảo vệ răng và gây sâu răng. Điều này có thể khiến răng bị đốm đen hoặc nâu nếu không điều trị sớm.
2. Răng có đốm đen do thói quen hút thuốc lá
Thói quen sử dụng thuốc lá có thể ảnh hưởng rất lớn tới màu của răng.
3. Thiểu sản men răng
Tình trạng thiểu sản men răng là do quá trình phát triển của răng bị gián đoạn khiến men răng mỏng và yếu. Nếu gặp tình trạng này, bề mặt răng có thể xuất hiện các mảng đốm trắng hoặc nâu vàng. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng thiểu sản men răng bao gồm:
- Thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi
- Chấn thương khi sinh hoặc sinh non
- Bị viêm nhiễm do virus và vi khuẩn, chẳng hạn như mắc bệnh sởi hoặc thủy đậu
- Người mẹ mắc bệnh lý nào đó hoặc bị suy dinh dưỡng trong thai kỳ
- Tiếp xúc với chất độc hại và chất gây dị ứng
- Nhiễm fluor hoặc uống phải fluor
- Răng bị tổn thương.
4. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể khiến răng có vết đen, đặc biệt là thuốc kháng sinh tetracycline và các loại thuốc tương tự hoặc thuốc glibenclamid (Glynase). Ngoài ra, răng cũng có thể xỉn màu nếu dùng nước súc miệng chlorhexidine thời gian kéo dài. Thêm vào đó, việc dùng thực phẩm bổ sung khoáng chất sắt dạng lỏng cũng có thể khiến răng bị ố.
Bên cạnh đó, nếu từng được điều trị tình trạng sâu răng bằng silver diamine fluoride, màu răng của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Silver diamine fluoride là hoạt chất giúp điều trị sâu răng không xâm lấn để loại bỏ vi sinh vật và ngăn chặn sâu răng nhưng lại để lại vết ố đen ở chỗ răng bị sâu.
5. Răng có vết đen là do bị sâu
Sâu răng là tình trạng vi khuẩn tấn công men răng và tạo ra những lỗ nhỏ trên răng. Những lỗ này thường tối màu hoặc xuất hiện dưới dạng đốm đen trên răng.
6. Cao răng tích tụ nhiều
Cao răng là mảng bám cứng lại thành một lớp phủ trên răng và thường phát triển bên dưới đường viền nướu. Cao răng có thể có màu đen và nhìn giống đốm đen nhỏ trên răng gần đường viền nướu. Đôi khi cao răng tích tụ nhiều có thể khiến viền chân răng bị đen.
7. Nhiễm fluor
Nhiễm fluor là tình trạng trẻ em hấp thụ quá nhiều fluor trong những năm đầu phát triển răng. Nguyên nhân có thể do bé dùng thực phẩm bổ sung có chứa fluor, nuốt phải quá nhiều kem đánh răng hoặc uống nước có fluor. Tình trạng nhiễm fluor có thể khiến răng có vết trắng.
8. Răng trải qua một số thủ thuật nha khoa
Một số thủ thuật nha khoa như trám răng bằng amalgam và lắp mão răng, đặc biệt là những răng có chứa bạc sunfua có thể khiến răng có vết đen.
9. Lão hóa tự nhiên
Răng có thể bị sậm màu hoặc xuất hiện các vết đen hoặc nâu khi bạn lớn tuổi hơn. Điều này có thể do men răng mỏng đi và ngà răng lộ rõ dần ra theo thời gian. Do ngà răng thường có màu sẫm hơn nên khi lộ ra có thể khiến răng có vết đen hoặc nâu.
Răng có vết đen phải làm sao?
Vết đen trên răng có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe răng miệng có vấn đề nên bạn cần đi thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và cải thiện tình hình. Do đó, bạn nên đi khám để nha sĩ để kiểm tra thay vì áp dụng những cách làm trắng răng tại nhà. Nha sĩ sẽ kiểm tra răng để chẩn đoán nguyên nhân và xác định phương pháp điều trị phù hợp.
1. Răng có vết đen do cao răng
Nếu răng bị đốm đen do có cao răng, nha sĩ thường sẽ lấy cao răng để cải thiện tình trạng. Trong khi thực hiện, nha sĩ có thể cần dùng các dụng cụ sóng siêu âm sử dụng cơ chế rung để phá vỡ cao răng để có thể loại bỏ dễ dàng hơn.
2. Răng có vết đen do sâu răng
Trong trường hợp bạn bị sâu răng, nha sĩ sẽ cần phải loại bỏ phần răng bị sâu. Nếu vết sâu chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ của răng, nha sĩ có thể loại bỏ phần bị sâu và trám lại răng. Nếu vết sâu đã lan quá rộng, nha sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ phần sâu răng và lắp mão răng sứ lên trên thân răng. Tuy nhiên, nếu răng bị tổn thương quá nghiêm trọng và không thể phục hồi bằng cách trám hoặc lắp mão, nha sĩ có thể cần phải nhổ bỏ răng.
3. Do các nguyên nhân khác
Nếu nguyên nhân là do việc dùng một số loại thuốc, bạn có thể chia sẻ về tình trạng răng có vết đen để nhờ bác sĩ điều chỉnh thuốc nếu có thể. Tuy nhiên, bạn vẫn cần ưu tiên việc dùng thuốc để chữa trị bệnh lý trước khi cải thiện tình trạng răng.
Nếu vết đen trên răng là do hút thuốc hoặc các chất kích thích tương tự, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn cách hạn chế hoặc bỏ thuốc hoàn toàn.
Những đồ uống như cà phê, trà và rượu cũng có thể góp phần làm răng bị ố màu. Để tránh các loại đồ uống này ảnh hưởng đến răng, bạn cần duy trì thói quen đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng ống hút cũng như uống thêm nước lọc khi dùng cà phê và rượu.
Cách ngăn ngừa trường hợp răng có vết đen
Bạn có thể chủ động thực hiện các cách phòng ngừa răng xuất hiện vết đen thay vì lo lắng tìm cách chữa trị. Một số cách ngăn ngừa bạn có thể tham khảo là:
Vệ sinh răng miệng đúng cách
- Đánh răng hai lần một ngày với kem đánh răng có fluor
- Vệ sinh kẽ răng bằng chỉ nha khoa mỗi ngày
- Khám nha khoa định kỳ
Hạn chế những thực phẩm và đồ uống có thể ảnh hưởng tới răng như:
- Cà phê
- Nước ngọt
- Trà đen
- Rượu vang đỏ
- Các loại thực phẩm quá cứng
- Bỏ thuốc lá nếu bạn có thói quen này.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến răng có vết đen như sâu răng, cao răng, tác dụng phụ của thuốc hoặc do thuốc lá. Chỉ khi đi thăm khám để tìm hiểu và xác định đúng nguyên nhân, bạn mới có cách cải thiện tình hình và nâng cao sức khỏe răng miệng.
[embed-health-tool-bmi]Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.