Vị thuốc thỏ ty tử được dùng chủ yếu trong dân gian. Tác dụng của nó là được dùng chữa: liệt dương, di tinh, thận yếu, đau lưng, mỏi gối,… Cùng tìm hiểu cụ thể hơn nhé!
Tên thường gọi: Thỏ ty tử
Tên gọi khác: Hạt cây tơ hồng, đậu ký sinh, miễn tử
Tên khoa học: Semem Cuscutae sinensis hoặcCuscuta hygrophilae Pears.
Họ: Bìm bìm (Convolvulaceae)
Tổng quan
Thỏ ty tử là gì?
Thỏ ty tử là hạt của cây tơ hồng, hay còn gọi là dây tơ hồng. Đây là một loại thực vật ký sinh bằng cách quấn trên các cây khác. Đặc điểm nhận dạng của dây tơ hồng như sau:
- Thân dạng sợi, có màu vàng hoặc đỏ nâu nhạt
- Không có lá mà lá hóa thành vảy
- Rễ mút bám lấy cây chủ để hút dinh dưỡng
- Ít khi thấy hoa. Hoa màu trắng nhạt, hình cầu, gần như không cuống, có chừng 10-20 hoa tụ lại với nhau
- Quả hình cầu dẹt ngang, đường kính khoảng 3mm, nứt từ dưới lên
- Mỗi quả có 2-4 hạt, hình trứng, đỉnh dẹt, dài chừng 2mm.
Ở miền bắc nước ta, dây tơ hồng thường gặp kí sinh trên cây cúc tần (Pluchea indica), họ Cúc (Asteraceae).
Bộ phận dùng của thỏ ty tử
Bộ phận dùng chính là hạt cây tơ hồng. Ở nước ta, người ta thường lấy cả cây phơi khô, còn dược liệu thỏ ty tử vẫn phải nhập từ Trung Quốc.
Thành phần hóa học
Trong hạt thỏ ty tử tìm thấy chất nhựa tên gọi là cuscutin. Ngoài ra còn có thành phần flavonoid.
Tác dụng, công dụng
Thỏ ty tử có tác dụng gì?
Theo y học hiện đại
Có rất ít tài liệu nghiên cứu về tác dụng dược lý của loại dược liệu này.
- Nghiên cứu của Dương Thị Ly Hương và cộng sự về tác dụng của thỏ ty tử trên chuột cống đực trưởng thành cho thấy dùng dược liệu này với liều 20g/kg cân nặng chuột có tác dụng tăng trọng lượng tinh hoàn, túi tinh, tuyến tiền liệt và tuyến cowper. Liều này cũng làm tăng nồng độ testosterone trong máu và tăng tỷ lệ ống sinh tinh có chứa tinh trùng trên tinh hoàn.
- Nghiên cứu của D N Qin và cộng sự để đánh giá tác động của các flavonoid chiết xuất từ hạt của các loài thuộc chi Cuscutae (trong đó có dây tơ hồng) cho thấy nó tiếp thêm sinh lực cho hệ thống sinh sản và chức năng nội tiết sinh sản ở chuột đực.
- Nghiên cứu của Yun Yang và cộng sự cho thấy hạt của các loài thuộc chi Cuscutae có tác dụng chống loãng xương.
Theo y học dân gian
Vị thuốc này được dùng chủ yếu trong dân gian.
Tác dụng của thỏ ty tử theo tài liệu cổ là bổ thận, ích tinh tủy, kiện tỳ, dưỡng can, mạnh gân cốt. Dược liệu này có vị ngọt và cay, tính ôn, quy kinh vào can và thận. Vị thuốc được dùng để chữa:
- Thận hư lạnh
- Liệt dương, di tinh
- Đau mỏi chân và lưng
- Tiêu lỏng, tiểu đêm, tiểu nhiều
Ngoài ra, thỏ ty tử chữa bệnh gì theo Đông y?
- Đau lưng
- Mỏi gối
- Di tinh
- Liệt dương
- Mờ mắt
- Sốt khát nước
- Dùng trong thời gian dài để làm đẹp nhan sắc.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của thỏ ty tử là bao nhiêu?
Ngày uống 8-16g.
Một số bài thuốc có thỏ ty tử
Thỏ ty tử được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
- Bài thuốc 1:
- Công dụng: Bổ thận – cố tinh
- Cách thực hiện: 8g thỏ ty tử, 8g khởi tử, 4g phúc bồn tử, 1g ngũ vị tử, 1g xa tiền tử đem tán nhỏ, trộn với mật ong để làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 4g hoàn.
- Bài thuốc 2:
- Công dụng: Chữa tiểu đêm, di tinh
- Cách thực hiện: 7g thỏ ty tử, 6g kim anh tử, 4g phúc bồn tử đem sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml. Lọc lấy nước chia thành 2-3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc 3:
- Công dụng: Trị tiêu chảy lâu ngày do Thận hư
- Cách thực hiện: Thỏ ty tử, Câu kỷ, Đảng sâm, Phục linh đều 12g, Sơn dược 16g, Hạt sen 12g. Tất cả đều tán bột, dùng gạo hồ làm hoàn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 12g.
Bài thuốc 4:
- Công dụng: Trị Tâm Thận bất túc, tinh thiếu, huyết khô, phiền nhiệt, người khô khát.
- Cách thực hiện: Thỏ ty tử (chưng rượu) 80g, Mạch môn (bỏ lõi) 80g.Tán bột, trộn mật làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 70 viên lúc đói với nước ấm, trước bữa ăn.
Lưu ý, thận trọng khi dùng
Khi dùng thỏ ty tử, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng thỏ ty tử một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên:
- Tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín trước khi dùng. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với loại dược liệu này.
- Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
- Ngoài hạt tơ hồng kể trên, Trung Quốc còn có một loại dây tơ hồng khác có tên gọi đại thỏ ty tử (Cuscuta japonica) cũng có cùng công dụng.
- Ở Việt Nam, thỏ ty tử dễ nhầm với hạt của một loại thực vật được gọi là dây tơ hồng xanh, có tên Cassytha filiformis L., họ Long não (Lauraceae). Loài này là dây leo; thân màu xanh lục quấn vào nhau; hoa màu trắng và nhỏ mọc thành cụm bông dài 1.5-5cm; quả hình cầu, to bằng hạt tiêu được đựng trong bao hoa mẫm, có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết, giải độc.
- Người dễ cường dương, bí tiểu không nên dùng thỏ ty tử.
- Phụ nữ có thai, băng huyết, táo bón, thận có hỏa, âm hư hỏa vượng: cấm dùng
- Thỏ ty tử kỵ thịt thỏ
Mức độ an toàn của thỏ ty tử
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng dược liệu này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với thỏ ty tử
Thỏ ty tử có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về vị thuốc thỏ ty tử để bạn biết công dụng và cách dùng đúng của loại dược liệu này nhé!
[embed-health-tool-bmi]Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.