12 đôi dây thần kinh sọ não: Vị trí, cấu tạo và chức năng

12 đôi dây thần kinh sọ não: Vị trí, cấu tạo và chức năng

Trong cấu tạo của hệ thần kinh có một tập hợp 12 đôi dây thần kinh xuất phát từ não, chi phối nhiều vận động, cảm giác và các chức năng thần kinh thực vật. Vậy 12 đôi dây thần kinh sọ não này gồm những gì và có chức năng ra sao?

Hệ thống thần kinh trong cơ thể được phân loại thành hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Các cơ quan của hệ thần kinh ngoại biên bao gồm các dây thần kinh và hạch thần kinh. Qua bài viết này, Bác sĩ Hoa sẽ cùng bạn tìm hiểu về 12 dây thần kinh sọ não để bảo vệ sức khoẻ hệ thần kinh tốt hơn nhé!

1. 12 dây thần kinh sọ não nằm ở vị trí nào?

Trong cơ quan của hệ thần kinh ngoại biên bao gồm 12 đôi dây thần kinh sọ; mỗi đôi dây thần kinh được phân tách ra để chi phối hai bên cơ thể. Ví dụ như đôi dây thần kinh khứu giác thì một dây nằm bên phải và dây còn lại ở não trái.

Hình ảnh vị trí 12 dây thần kinh sọ não
[Hình ảnh] Vị trí 12 đôi dây thần kinh sọ não. Nguồn: Simply Psychology

Tên của 12 đôi dây thần kinh sọ não là:

  • Dây thần kinh khứu giác (I).
  • Dây thần kinh thị giác (II).
  • Thần kinh vận nhãn (III).
  • Dây thần kinh ròng rọc (IV).
  • Dây thần kinh sinh ba (V).
  • Thần kinh vận nhãn ngoài (VI).
  • Dây thần kinh mặt (VII).
  • Dây thần kinh tiền đình – ốc tai (VIII).
  • Thần kinh thiệt hầu (IX).
  • Dây thần kinh lang thang (X).
  • Dây thần kinh phụ (XI).
  • Thần kinh hạ thiệt (XII).
Bạn có thể tìm hiểu nhiều hơn về cấu trúc và những đặc điểm đặc trưng của hệ thống dây thần kinh trong cơ thể qua bài viết: Hệ thống dây thần kinh: Mạng lưới bí ẩn trong cơ thể bạn của Bác sĩ Hoa nhé!

2. Cấu tạo của sợi dây thần kinh sọ não

Cấu tạo dây thần kinh
Cấu tạo từng sợi dây thần kinh trong 12 đôi dây thần kinh sọ não. Nguồn: Giải phẫu sinh lý và hệ thần kinh cấp cao của Tiến sĩ – Bác sĩ Bùi Quốc Thắng

Dây thần kinh là một bó sợi thần kinh được tìm thấy bên ngoài thần kinh trung ương.

Trong một dây thần kinh, các sợi trục của tế bào thần kinh được bao bọc trong lớp myelin; bên ngoài được phủ lớp mô liên kết mỏng để bảo vệ gọi là mô kẽ thần kinh; giúp tách biệt giữa các sợi thần kinh.

Các nhóm sợi thần kinh được liên kết lại thành bó và được bao bọc bởi mô liên kết thô hơn gọi là bao ngoài bó sợi thần kinh. Giữa các bó sợi thần kinh có mạch máu thần kinh cung cấp chất dinh dưỡng.

Cuối cùng, tất cả các bó sợi thần kinh được liên kết với nhau bởi một vỏ bọc dạng sợi cứng; để tạo thành cấu tạo của một dây thần kinh trong 12 đôi dây thần kinh sọ não.

3. Các chức năng của 12 đôi dây thần kinh sọ não

12 đôi dây thần kinh sọ của bạn đều đảm nhận những vai trò khác nhau; để kiểm soát cảm giác và những kỹ năng vận động của cơ thể. Cụ thể chức năng của từng đôi dây thần kinh này như sau:

3.1 Dây thần kinh khứu giác (I)

Đảm nhận nhiệm vụ liên quan đến các cảm nhận về mùi khi ngửi. Dây thần kinh khứu giác sẽ truyền tải những cảm nhận mùi từ khoang mũi đến trung tâm khứu giác ở vỏ não và các tế bào vùng viền.

3.2 Dây thần kinh thị giác (II)

Có chức năng thu nhận thông tin thị giác từ môi trường. Cụ thể những thông tin về hình ảnh, đồ vật, ánh sáng sẽ được truyền từ võng mạc mắt dọc theo dây thần kinh thị giác ở sau mắt về đến vỏ não.

3.3 Thần kinh vận nhãn (III)

Đây là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ có liên quan đến chức năng nhìn, cụ thể là vận động một số cơ vận động nhãn cầu để di chuyển nhãn cầu, giúp chúng tập trung vào vật thể.

Dây thần kinh vận nhãn cũng có vai trò trong phản ứng của đồng tử, giúp kiểm soát kích thước của đồng tử khi nó phản ứng với ánh sáng, làm co và giãn đồng tử trong các điều kiện ánh sáng khác nhau.

3.4 Dây thần kinh ròng rọc (IV)

Đây là đôi dây thần kinh chịu trách nhiệm chi phối cử động mắt hướng xuống dưới, ra ngoài và hướng vào trong.

3.5 Dây thần kinh sinh ba (V)

Đây là dây thần kinh lớn nhất trong số 12 đôi dây thần kinh sọ; được chia thành 3 nhánh: mắt, hàm trên và hàm dưới. Nó chịu trách nhiệm thu nhận cảm giác ở các vùng của mặt. Ngoài ra, thần kinh sinh ba còn chi phối vận động cho các cơ nhai, cắn, hoạt động trong khi ăn, uống.

3.6 Thần kinh vận nhãn ngoài (VI)

Đây cũng là một dây thần kinh có liên quan đến chức năng nhìn, chi phối các cử động hướng ra ngoài của nhãn cầu.

3.7 Dây thần kinh mặt (VII)

Dây thần kinh số VII là dây thần kinh chịu trách nhiệm chi phối vận động các cơ bám da mặt, và cảm giác bao gồm vị giác (ở 2/3 lưỡi trước). Cử động của các cơ bám da mặt thể hiện biểu cảm trên khuôn mặt (các cơ mặt trừ cơ nhai, cơ da cổ, cơ vùng cổ trước).

3.8 Dây thần kinh tiền đình – ốc tai (VIII)

Bao gồm hai phần tiền đình – ốc tai, giúp hỗ trợ chức năng nghe và giữ thăng bằng cho cơ thể.

3.9 Thần kinh thiệt hầu (IX)

Đây là dây thần kinh chi phối cử động nuốt, hoạt động của cơ ở vùng hầu và vùng họng.

3.10 Dây thần kinh phế vị (X)

Dây thần kinh phế vị hay còn gọi là dây thần kinh lang thang bởi nó chi phối nhiều chức năng và cũng là dây thần kinh dài nhất; chia thành nhiều nhánh nhất trong 12 đôi dây thần kinh sọ não.

Nó chịu trách nhiệm chi phối cảm giác và vận động cho nhiều hệ cơ quan như các bộ phận ở vòm họng, hầu họng, gốc lưỡi, tim và hệ tiêu hoá,…

2.11 Dây thần kinh phụ (XI)

Dây thần kinh phụ XI là một dây thần kinh vận động, chi phối các cơ vùng hầu họng, toàn bộ cơ ức đòn chũm và 1 phần cơ thang.

2.12 Thần kinh hạ thiệt (XII)

Có chức năng chi phối hầu hết các vận động của cơ lưỡi.

4. Những tổn thương thường gặp ở 12 đôi dây thần kinh sọ não

Vì hệ thống 12 đôi dây thần kinh sọ đảm nhận vai trò chi phối và điều hoà nhiều hoạt động quan trọng của đầu, mặt, cổ. Vì thế, bất kỳ tổn thương hay rối loạn nào ở những đôi dây thần kinh này đều có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe.

Chẳng hạn như tổn thương dây thần kinh thị giác có thể ảnh hưởng đến thị lực và thậm chí là gây mù loà trong những trường hợp nghiêm trọng; hoặc tổn thương dây thần kinh số VII (dây thần kinh mặt) có thể làm liệt một phần hoặc toàn bộ cơ mặt. 

Nhìn chung, tổn thương 12 đôi dây thần kinh sọ não có thể biểu hiện thành những triệu chứng điển hình như: 

  • Ngứa ran, tê bì.
  • Rối loạn mùi vị.
  • Rối loạn thị giác.
  • Đau, tê hoặc yếu cơ.
  • Mất cảm giác ở một phần khuôn mặt.

Một số tổn thương ở 1 trong 12 đôi dây thần kinh sọ có thể tự khỏi; nhưng số khác có thể kéo dài dai dẳng hoặc nguy hiểm hơn là đe dọa đến tính mạng. Bác sĩ cần kê thuốc và kết hợp một số liệu pháp vật lý trị liệu để giúp bệnh nhân phục hồi những tổn thương ở hệ thống dây thần kinh này. 

Tổn thương 12 đôi dây thần kinh sọ não
Tổn thương 12 đôi dây thần kinh sọ não

Tìm hiểu thêm: Khám thần kinh: Không nên chần chừ dù triệu chứng rất nhẹ!

5. Lời khuyên từ bác sĩ để chăm sóc 12 đôi dây thần kinh sọ

Dưới đây là một số lưu ý bạn cần biết để bảo vệ sức khỏe não bộ cũng như 12 đôi dây thần kinh sọ:

  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Duy trì huyết áp ổn định.
  • Thường xuyên tập thể dục, thể thao.
  • Kiểm soát cân nặng của cơ thể và duy trì cân nặng khỏe mạnh dựa trên chỉ số BMI. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc.
  • Kiểm soát những tình trạng bệnh có nguy cơ gây tổn thương thần kinh như tiểu đường, đột quỵ, chấn thương đầu,…

Qua những thông tin trên đây, Bác sĩ Hoa hi vọng bạn có thể hiểu rõ hơn về cấu trúc, chức năng của 12 đôi dây thần kinh sọ; cũng như những lưu ý để bảo vệ sức khoẻ hệ thống dây thần kinh này nhé!

[embed-health-tool-bmi]
 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo