Những vết đứt tay chảy máu nhiều có thể gây mất máu và nhiễm trùng nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách.
Vết cắt nhỏ có thể được cầm máu sau vài phút sơ cứu đúng cách. Dù có thể gây khó chịu và đau đớn sau đó, nhưng đa phần vết cắt nhỏ không nguy hiểm.
Thế nhưng, đối với vết cắt đứt tay sâu chảy máu nhiều, việc cầm máu không đơn giản như thế! Sau đây là hướng dẫn cách xử lí vết thương chảy máu không ngừng.
Hướng dẫn cách sơ cứu cầm máu khi đứt tay sâu
Nếu chính bạn bị đứt tay, hoặc nếu ai đó bị đứt tay mà chảy máu quá nhiều do vết cắt sâu thì việc đầu tiên bạn cần làm là sơ cứu tại chỗ. Sau đó, bạn cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để xử trí vết thương.
- Vết đứt tay chảy máu nhiều, vết thương sâu.
- Vết đứt tay hở rộng, có các cạnh lởm chởm.
- Vết thương bẩn, nhiều dị vật bên trong
- Bạn có thể nhìn thấy mỡ, cơ hoặc xương từ vết thương.
Các bước sơ cứu mà bạn có thể thực hiện
- Gọi cấp cứu 115 nếu bạn nhận thấy vết thương quá nặng, và khả năng cao bạn không thể tự xử lý.
- Đeo găng tay (nếu bạn sơ cứu cho người khác) để tránh nhiễm trùng hoặc lây truyền bệnh.
- Loại bỏ dị vật, bao tay (nếu có) xung quanh vết thương nhưng bạn chưa cần làm sạch vết thương. Vì điều quan trọng lúc này là bạn cần cầm máu.
- Cầm máu bằng cách áp và giữ chặt gạc y tế/ khăn giấy/ vải sạch lên trên vết thương cho đến khi máu ngừng chảy.
- Đừng vội gỡ vải/ giấy/ gạc cầm máu ra và thay cái mớinếu bạn thấy vết thương chảy máu thấm ướt băng cầm máu. Thay vào đó, bạn hãy đặt thêm vải/ giấy/ gạc lên trên, và tiếp tục áp một lực ép lên vùng bị thương để cầm máu.
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị y tế.
Ngay cả khi vết thương sâu được cầm máu, bạn cũng đừng chủ quan và cho rằng không cần chăm sóc y tế nữa. Vết thương chảy máu không ngừng có thể cần được khâu để lành hẳn.
Thậm chí, một số vết cắt cần được tiêm phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh uốn ván hoặc nhiễm trùng. Vết rách đâm vào khớp ngón tay có thể gây tổn thương dây thần kinh, dây chằng hoặc gân vĩnh viễn nếu không được điều trị thích hợp.
Hướng dẫn cách sơ cứu khi đứt tay nhẹ
Cách cầm máu khi bị đứt đầu ngón tay đối với vết thương nhẹ đơn giản hơn. Điều bạn cần làm là:
- Loại bỏ dị vật xung quanh ngón tay (nếu có).
- Dùng băng gạc/ khăn giấy/ vải sạch/ ngón tay sạch giữ chặt vết thương để cầm máu.
- Rửa sạch vết thương với xà phòng và nước sạch nếu vết đứt tay được cầm máu thành công. Bạn chỉ nên rửa nhẹ nhàng để tránh mở lại vết thương.
- Thoa thuốc mỡ kháng sinh lên vết thương để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Băng vết thương bằng băng cá nhân vô trùng.
- Giữ cho vết thương khô ráo và sạch.
Sai lầm thường gặp khi sơ cứu đứt tay chảy nhiều máu
Bạn hãy tránh thực hiện những điều sau khi sơ cứu vết thương đứt tay chảy máu nhiều.
- Cố làm sạch vết thương lớn.
- Cố gắng loại bỏ những dị vật đã dính vào cơ thể. Để gắp dị vật ra khỏi cơ thể an toàn, bạn cần sự trợ giúp từ y-bác sĩ.
- Tháo băng cầm máu để xem vết thương sau vài giờ băng vết thương. Việc này có thể khiến vết cắt đứt tay chảy máu nhiều trở lại.
- Sử dụng mì chính, sợi thuốc lá, lá cây…để đắp vào vết thương với mục đích cầm máu. Việc này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, làm khó lành vết thương.
Cách cầm máu hiệu quả
1. Tạo áp lực lên vết thương
Dùng băng che vết thương và áp một lực vừa phải lên đó là một trong những cách kiểm soát vết đứt tay chảy máu nhiều hiệu quả nhất. Cách làm như hình minh họa.
2. Nâng vết thương cao hơn tim
Nếu bạn muốn cầm máu khi bị đứt tay chảy máu nhiều, hãy nâng cánh tay cao lên. Cách kiểm soát chảy máu theo nguyên tắc này gồm có:
- Nâng vết thương cao hơn tim để làm chậm dòng chảy của máu.
- Khi máu chảy chậm lại, hãy cầm máu bằng phương pháp tạo áp lực bên trên.
- Hãy nhớ rằng, vết thương cần được nâng lên cao hơn trái tim của bạn.
3. Phương pháp Ga-rô
Ga-rô là phương pháp làm tắc lưu lượng máu đến cánh tay, từ đó giúp cầm máu khi bạn bị đứt tay chảy máu quá nhiều. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng phương pháp này cho những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng.
Nhiều trường hợp cầm máu bằng phương pháp Ga-rô gây tổn thương toàn bộ cánh tay, thậm chí làm mất chức năng của cánh tay.
Có nên cầm máu bằng phương pháp Ga-rô không?
Khi nào bạn nên sử dụng ga-rô để cầm máu khi đứt tay chảy máu nhiều? Câu trả lời là: hầu như không bao giờ. Nếu bạn không được áp dụng đúng cách, ga-rô có thể gây mất chức năng ở chi. Vậy nên, bạn chỉ nên dùng phương pháp này khi phải lựa chọn giữa mạng sống và tứ chi.
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ sau khi đã cầm máu?
Ngay cả khi vết thương chảy máu không ngừng đã được cầm máu, bạn vẫn nên đến bệnh viện để được kiểm tra nếu:
- Vị trí vết cắt dễ bị nhiễm trùng, hoặc vết cắt ở trên khớp ngón tay
- Bạn có bệnh nền, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, thiếu máu,…
- Vết thương của bạn có tiếp xúc với: sắt bị gỉ, máu, động vật…
Những cách sơ cứu cấp cứu khác bạn nên biết
- Kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy: Điều cần biết
- Sơ cứu đuối nước đúng kỹ thuật và các sai lầm cần tránh
- Sơ cứu đột quỵ đúng cách: khi tính mạng người bệnh tính bằng giây
- Sơ cứu khi bị ong đốt: Bôi gì cho bớt sưng nhức? Khi nào cần cấp cứu ngay?
Vết thương chảy máu không ngừng có thể gây mất máu và nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, bạn hãy ghi nhớ cách cầm máu khi bị đứt đầu ngón tay để có thể xử lý kịp thời khi đứt tay chảy máu nhiều.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.