1. Sơ lược về sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có tính chất nguy hiểm cả về mức độ lây lan lẫn biến chứng. Trung gian truyền bệnh gây sốt xuất huyết ở trẻ em nói riêng và sốt xuất huyết nói chung là do muỗi vằn. Cụ thể, muỗi vằn chích người bệnh và mang, ủ virus của người bệnh. Sau đó muỗi vằn chích người lành và truyền virus gây bệnh cho người lành. Do trong thời gian ngắn, muỗi vằn chích được rất nhiều người nên làm lây lan bệnh với tốc độ nhanh.
Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết do các bé chưa biết cách chủ động phòng tránh muỗi đốt cũng như thích vui chơi ở những nơi ẩm thấp, rậm rạp, tập trung nhiều muỗi như sân vườn, khu vực đọng nước,… Trong khi đó, thời gian muỗi vằn hoạt động mạnh là sáng sớm và chiều tối. Mà đây chính là thời điểm các bé được bố mẹ cho ra ngoài vui chơi nhiều nên dễ có nguy cơ mắc bệnh.
Trẻ chơi ngoài trời, nơi ẩm thấp, nhiều cây cối dễ bị sốt xuất huyết
2. Triệu chứng của sốt xuất huyết ở trẻ em theo giai đoạn
Bố mẹ cần nhận biết và phân biệt triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em với các bệnh virus thông thường để có thể cho bé đi khám và điều trị kịp thời.
Giai đoạn sốt
Hay còn gọi là giai đoạn đầu của bệnh. Lúc này, trẻ đột nhiên sốt cao (39 – 40 độ) và sốt liên tục trong 1 – 3 ngày. Ngoài ra, các triệu chứng khác đi kèm gồm có đau đầu, mỏi người, nhức 2 hố mắt, buồn nôn, chán ăn, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất hiện những nốt chấm li ti trên da.
Việc thực hiện xét nghiệm máu trong giai đoạn này thường cho kết quả không rõ ràng. Đa số các trường hợp là hồng cầu bình thường, bạch cầu giảm, tiểu cầu tăng hoặc giảm.
Giai đoạn nguy hiểm
Kể từ ngày thứ 3 – 7 sau khi sốt, trẻ bước vào giai đoạn nguy hiểm với các triệu chứng như thoát huyết tương làm bụng chướng to, tràn dịch màng phổi, tụt huyết áp, đầu và tay chân lạnh do thân nhiệt giảm, người lờ đờ, vật vã, xuất hiện các mảng bầm tím ở nhiều vùng cơ thể,…
Giai đoạn này, trẻ cần được theo dõi sát sao và tích cực bởi thoát huyết tương nặng có thể làm trẻ bị sốc mất máu, dẫn đến giảm huyết áp, giảm thân nhiệt và giảm tri giác. Thậm chí, trẻ sẽ rơi vào trạng thái nguy kịch và tử vong.
Khi xét nghiệm máu lúc này, kết quả sẽ thấy tiểu cầu giảm mạnh. Trường hợp chỉ số dưới 100.000/mm3, trẻ cần được theo dõi tích cực tại cơ sở y tế.
Sốt xuất huyết ở trẻ em có 3 giai đoạn, bố mẹ cần theo dõi con sát sao
Giai đoạn phục hồi
Sau 2 – 3 ngày kể từ giai đoạn nguy hiểm, trẻ bắt đầu hồi phục. Dấu hiệu cho thấy trẻ phục hồi là cắt sốt, huyết áp ổn định, người tỉnh táo, đi tiểu nhiều hơn và cũng thèm ăn hơn. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng nhanh, tiểu cầu dần trở về mức bình thường.
3. Điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết ở trẻ em được đánh giá là nguy hiểm, tuy có thể điều trị tại nhà, nhưng nếu trẻ sốt cao từ ngày thứ hai trở đi, cha mẹ hãy cho bé đi khám. Bác sĩ dựa vào khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm để quyết định trẻ có thể được điều trị tại nhà hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn chi tiết. Và bố mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn này.
Dùng thuốc hạ sốt
Khi trẻ sốt cao, cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo độ tuổi hoặc cân nặng, đồng thời, đảm bảo bé mặc đồ thoáng mát và sinh hoạt trong không gian mát mẻ. Lưu ý, khi bị sốt xuất huyết, không cho trẻ uống aspirin hay ibuprofen để hạ sốt vì có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết nghiêm trọng.
Tích cực uống nước
Trẻ sốt cao nên sẽ mất nước và mệt mỏi nhiều. Do đó, bố mẹ tăng cường cho bé uống nước, bao gồm nước lọc, nước điện giải, nước trái cây,… Để bé không bị nôn ói, cần cho bé uống nhiều lần, mỗi lần một hoặc vài ngụm nhỏ.
Cho trẻ dùng thuốc và tích cực uống nước để mau hồi phục
Thận trọng trong ăn uống
Trẻ bị sốt xuất huyết sẽ có xu hướng chán ăn, do đó, không nên ép bé chuyện ăn uống. Thay vào đó, chia các bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Đặc biệt, tránh thực phẩm sẫm màu để khi bé nôn ói hay đi ngoài không bị nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Ngoài ra, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn cho bé, tránh để bé vận động nhiều hay quá sức trong thời gian điều trị sốt xuất huyết. Đặc biệt, nếu bé mệt mỏi nhiều hơn và xuất hiện nhiều triệu chứng nghiêm trọng, tốt nhất là đưa bé đến gặp bác sĩ điều trị.
4. Phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ em
Nguyên tắc phòng ngừa sốt xuất huyết là “Không có muỗi vằn, không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyết”. Do đó, hãy tiêu diệt loăng quăng và muỗi vằn bằng cách giữ gìn không gian sống và môi trường xung quanh, đặc biệt là phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng. Đối với các dụng cụ chứa nước, luôn đậy kín nắp để ngăn muỗi đẻ trứng và tạo nơi sống lý tưởng cho loăng quăng.
Ngoài ra, để phòng sốt xuất huyết ở trẻ em, bố mẹ cần cho trẻ mặc quần áo dài và thoa tinh dầu hoặc các sản phẩm phòng muỗi đốt. Khi ngủ, nên cho trẻ ngủ màn, nhất là ở các vùng quê hẻo lánh, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều. Vào mùa cao điểm của dịch bệnh, tránh cho trẻ ra ngoài vui chơi vào sáng sớm và chiều tối. Đồng thời, cả gia đình cùng thực hiện ngủ trong màn kể cả ngày và đêm. Đặc biệt, trẻ từ 4 tuổi trở lên hãy tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết để chủ động phòng bệnh.
Phòng muỗi đốt cho trẻ mỗi khi cho trẻ ra ngoài vui chơi
Trên đây là những thông tin về sốt xuất huyết ở trẻ em, hy vọng bố mẹ sẽ biết cách chăm sóc cũng như chủ động phòng bệnh cho con em mình. Quý khách có nhu cầu đặt lịch khám tại Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC, có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.