Fenofibrate là thuốc được sử dụng trong việc điều trị rối loạn lipid máu, một tình trạng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Cùng tìm hiểu chi tiết về công dụng, liều dùng và cách sử dụng Fenofibrate qua bài viết sau.
Tác dụng của thuốc Fenofibrate
Fenofibrate là một loại thuốc thuộc nhóm fibrat, được sử dụng để điều trị tình trạng tăng cholesterol và triglycerid (axit béo) trong máu. Sự gia tăng các chất béo này có thể dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch, một tình trạng làm tắc nghẽn mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thuốc hoạt động theo cơ chế tăng cường phân giải lipid, giúp giảm mức cholesterol xấu (LDL) và triglycerid, đồng thời tăng mức cholesterol tốt (HDL) trong máu.
Chỉ định
Fenofibrate được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Điều trị cholesterol cao.
- Rối loạn lipid máu hỗn hợp.
- Điều trị tăng triglycerid máu nặng, đặc biệt trong các trường hợp có nguy cơ cao bị viêm tụy.
- Lượng chất béo trung tính cao trong máu.
- Cholesterol HDL thấp.
Liều dùng và cách dùng
Thuốc Fenofibrate có 2 dạng phổ biến là viên nang và viên nén. Cách sử dụng thuốc như sau:
Người lớn
- Liều dùng thông thường: Liều khởi đầu 200 mg một lần mỗi ngày. Trong trường hợp cần thiết, liều lượng có thể được tăng lên 267mg một lần mỗi ngày hoặc 67mg chia thành 4 lần trong ngày.
- Đối với bệnh nhân suy thận: Liều khởi đầu thường được khuyến cáo là 48 mg/ngày.
- Đối với những bệnh nhân có tình trạng tăng lipid nghiêm trọng, liều dùng là 267mg mỗi ngày. Thuốc nên được uống cùng bữa ăn để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trẻ em
Hiện nay, việc sử dụng Fenofibrate cho trẻ em không được khuyến cáo rộng rãi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt cần thiết, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể của trẻ.
Đối với bệnh tăng lipid máu di truyền, trẻ cần uống 67mg/20kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày với thức ăn.
Chống chỉ định/Thận trọng
Những người sau đây cần lưu ý khi sử dụng thuốc Fenofibrate:
- Chống chỉ định với bệnh nhân suy gan nặng, suy thận nặng hoặc những người có tiền sử dị ứng với Fenofibrate.
- Thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân có tiền sử bệnh túi mật.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú cần thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
- Thiếu máu.
- Giảm tiểu cầu trong máu.
- Lượng bạch cầu thấp.
- Tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông.
- Viêm tụy cấp tính.
- Viêm cơ.
Tương tác thuốc
Fenofibrate có thể tương tác với một số loại thuốc khác như thuốc chống đông máu, thuốc ức chế HMG-CoA reductase (nhóm statin) và thuốc ức chế miễn dịch. Việc sử dụng đồng thời có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ, đặc biệt là nguy cơ viêm cơ và suy thận.
Fenofibrate có cấu trúc và tác dụng tương tự như axit fenofibric, vì vậy khi đang sử dụng, không nên dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào chứa axit fenofibric.
Tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Fenofibrate bao gồm:
- Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng.
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Đau đầu, chóng mặt.
- Phát ban, ngứa.
Hãy ngừng sử dụng Fenofibrate và liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau:
- Đau nặng ở vùng bụng trên, buồn nôn và nôn mửa,
- Tức ngực, ,nhịp tim đập nhanh, khó thở, thở khò khè.
- Dễ bị bầm tím, chảy máu bất thường từ mũi, miệng, âm đạo hoặc trực tràng.
- Đau, sưng, nóng, hoặc đỏ ở một hoặc cả hai chân.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, Fenofibrate có thể gây viêm gan hoặc suy thận, đặc biệt khi sử dụng cùng với các loại thuốc khác có cùng tác dụng.
Trường hợp quá liều hoặc quên liều
Nếu bạn vô tình sử dụng quá liều Fenofibrate hoặc bỏ qua một liều, cách xử lý như sau:
Quá liều
Nếu quá liều Fenofibrate, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng hoặc triệu chứng liên quan đến suy gan và suy thận. Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Quên liều
Trong trường hợp quên liều, bệnh nhân nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời gian cho liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng liều kế tiếp như bình thường. Không dùng gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.
Fenofibrate là một loại thuốc hữu hiệu trong việc điều trị rối loạn lipid máu, góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình sử dụng, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.