1. Nguyên nhân gây nên và triệu chứng của bệnh thoái hóa tiểu não
1.1. Nguyên nhân gây thoái hóa tiểu não
Tiểu não chịu trách nhiệm điều khiển sự phối hợp vận động, thăng bằng và các hoạt động phức tạp của cơ thể. Thoái hóa tiểu não là bệnh lý về hệ thần kinh, xảy ra khi các tế bào thần kinh trong tiểu não bị tổn thương hoặc chết dần. Thoái hóa tiểu não có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di chuyển, gây khó khăn trong việc đi đứng, nói chuyện và cầm nắm đồ vật.
Bệnh lý này thường là kết quả của yếu tố:
– Di truyền
Thoái hóa tiểu não có thể hình thành do đột biến gen di truyền khiến cho quá trình sản xuất protein cần cho sự tồn tại của tế bào thần kinh bị rối loạn.
– Bệnh lý và một số yếu tố khác
+ Đột quỵ.
+ Chấn thương đầu.
+ Bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson, Huntington.
+ Rối loạn chuyển hóa.
+ Bệnh đa xơ cứng.
+ Sử dụng rượu bia hoặc chất độc thần kinh trong thời gian dài.
Đột quỵ có thể trở thành nguyên nhân gây thoái hóa tiểu não
1.2. Triệu chứng của thoái hóa tiểu não
– Người bệnh thường gặp khó khăn khi đi lại, dễ ngã, mất thăng bằng khi đứng hoặc di chuyển.
– Khó thực hiện các hoạt động cầm nắm đồ vật, viết, cài cúc áo do vận động tay chân bị yếu và kém chính xác.
– Nói chậm, giọng nói trở nên run rẩy hoặc lắp bắp.
– Di chuyển mắt không thể kiểm soát, khó nhìn tập trung.
– Bị run tay chân khi cử động do cơ yếu.
2. Thoái hóa tiểu não nguy hiểm như thế nào?
Thoái hóa tiểu não không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho hệ thần kinh và cuộc sống hàng ngày của người bệnh:
2.1. Suy giảm vận động
Người mắc bệnh thoái hóa tiểu não thường gặp khó khăn khi kiểm soát chuyển động cơ thể. Do bị mất thăng bằng nên khi di chuyển, người bệnh dễ bị ngã, tăng nguy cơ gặp phải chấn thương nặng. Ngoài ra, các hành động đòi hỏi sự chính xác như viết, cầm đồ vật cũng khó thực hiện nên cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh bị cản trở rất nhiều.
2.2. Rối loạn thần kinh
Thoái hóa tiểu não cũng có thể gây run, mất khả năng phối hợp, co giật. Những triệu chứng này nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng liệt một phần hoặc toàn bộ cơ thể.
2.3. Vấn đề về tâm lý
Các triệu chứng thoái hóa tiểu não còn có thể gây ra lo âu, trầm cảm. Người bệnh thường cảm thấy tự ti, bị cô lập do mất khả năng kiểm soát cơ thể và phụ thuộc vào sự trợ giúp của người khác.
2.4. Biến chứng bệnh lý khác
– Tăng nguy cơ teo vỏ tiểu não, teo đa hệ thống, thoái hóa tiến triển.
– Protein trong tế bào thần kinh não phát triển bất thường dẫn đến sự hình thành bệnh não xốp.
– Tổn thương màng myelin gây bệnh đa xơ cứng.
Người bị thoái hóa tiểu não thường gặp khó khăn trong vận động và dễ gặp vấn đề về tâm lý
3. Phương pháp chẩn đoán thoái hóa tiểu não
Chẩn đoán thoái hóa tiểu não là quá trình đánh giá toàn diện được bác sĩ chuyên khoa thực hiện thông qua các phương pháp:
3.1. Khám lâm sàng
Thông qua quá trình thăm khám lâm sàng, người bệnh được bác sĩ kiểm tra và đánh giá triệu chứng đang gặp phải:
– Kiểm tra cách khả năng thăng bằng của người bệnh xem có xảy ra tình trạng mất thăng bằng hoặc không ổn định dáng đi hay không.
– Xem xét khả năng thực hiện hoạt động đơn giản như: nắm, viết,…
– Kiểm tra xem bệnh nhân có bị run tay chân khi thực hiện các hoạt động đơn giản hay không.
– Kiểm tra tính chất giọng nói xem có bị run rẩy, ngắt quãng hay không.
Qua những kết quả thu được từ quá trình khám lâm sàng bác sĩ sẽ đưa ra các dự đoán ban đầu và có cơ sở để chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sâu hơn.
3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
– Chụp MRI
Đây là phương pháp cung cấp hình ảnh chi tiết về não bộ để bác sĩ quan sát rõ cấu trúc của tiểu não. Qua đây, bác sĩ sẽ xác định được vị trí tổn thương hoặc thoái hóa. Hình ảnh chụp MRI cũng là cơ sở để đánh giá đúng về tính chất nghiêm trọng của bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải.
– Chụp CT-Scanner
Hình ảnh từ chụp CT não giúp phát hiện tổn thương liên quan đến đột quỵ, chấn thương hoặc các khối u gây tổn thương tiểu não.
– Xét nghiệm di truyền
Xét nghiệm này thường thực hiện với bệnh nhân nghi ngờ thoái hóa tiểu não liên quan đến yếu tố di truyền. Phương pháp này đặc biệt quan trọng với người bệnh có tiền sử gia đình với rối loạn di truyền hoặc các bệnh lý về thần kinh.
Xét nghiệm di truyền giúp xác định liệu bệnh nhân có mang gen bị đột biến gây bệnh hay không, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
– Xét nghiệm khác
Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để loại trừ nguyên nhân gây ra triệu chứng tương tự như thiếu hụt vitamin E, B1 hoặc rối loạn chuyển hóa. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ có hiện tượng viêm nhiễm ở não bộ, bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm chọc dịch não tủy.
Những xét nghiệm này là căn cứ giúp bác sĩ chẩn đoán đúng để đưa ra được phương án điều trị thích hợp hơn cho bệnh nhân.
Chụp CT-Scanner giúp bác sĩ chẩn đoán đúng cho trường hợp đang nghi ngờ thoái hóa tiểu não
Thoái hóa tiểu não được phát hiện sớm để thực hiện biện pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp cải thiện mức độ ảnh hưởng của triệu chứng đến cuộc sống của bệnh nhân. Vì thế, nếu nghi ngờ triệu chứng nào như đã được gợi ý ở trên, tốt nhất bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để thực hiện các kiểm tra chuyên sâu ngay.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa Thần kinh – Hệ thống Y tế MEDLATEC, có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được xác nhận lịch hẹn nhanh chóng, thuận tiện.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.