Acetylcysteine là thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Thuốc này loại có tác dụng tiêu chất nhầy, giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng sức khỏe của người bệnh. Cùng Pharmacity tìm hiểu chi tiết thuốc Acetylcysteine qua bài viết sau:
1. Tác dụng của thuốc Acetylcysteine
Acetylcysteine là một dẫn xuất của amino acid L-cysteine, có tác dụng chính là làm loãng đờm và chất nhầy trong phổi, giúp dễ dàng loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể qua đường hô hấp.
Nhờ đặc tính này, Acetylcysteine thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Ngoài ra, Acetylcysteine còn được dùng như một chất giải độc trong trường hợp ngộ độc paracetamol. Khi được dùng sớm, thuốc có thể giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương do paracetamol gây ra.
2. Chỉ định
Acetylcysteine được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Điều trị các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi hoặc các bệnh phổi mạn tính khác.
- Giải độc khi bị quá liều paracetamol.
- Thuốc còn được sử dụng trong việc điều trị các tình trạng liên quan đến phổi như xơ nang, để giúp loại bỏ chất nhầy dư thừa.
- Điều trị hội chứng khô mắt.
3. Thuốc acetylcysteine có những dạng nào?
Thuốc Acetylcysteine thường có dạng gói với hàm lượng 200mg/gói. Ngoài ra, thuốc cũng có những dạng và hàm lượng sau:
- Viên nang, dạng uống: 100mg, 200mg.
- Dạng bột, thuốc uống: 100mg, 200mg.
- Dung dịch: 10% (100 mg/mL), 20% (200 mg/mL).
4. Liều dùng và cách dùng Acetylcysteine
Việc sử dụng Acetylcysteine cần tuân thủ đúng liều lượng và cách dùng được chỉ định bởi bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho người dùng.
4.1 Đối với người lớn
- Liều dùng Acetylcysteine thông thường cho người lớn mắc các bệnh về hô hấp là 200mg/lần và 3 lần/ngày.
- Đối với người bị ngộ độc paracetamol sẽ điều trị qua 3 giai đoạn. Liều đầu tiên thường là 140 mg/kg cân nặng, sau đó dùng tiếp 70 mg/kg mỗi 4 giờ và tiếp tục trong 17 liều. Quá trình điều trị cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
- Ngoài ra, điều trị khô mắt bằng cách dùng dung dịch acetylcystein 5% cùng với hypromellose, nhỏ 1 – 2 giọt/lần, mỗi ngày 3 – 4 lần.
4.2 Đối với trẻ em
- Bệnh đường hô hấp: Liều dùng cho trẻ em thường được điều chỉnh tùy theo độ tuổi và trọng lượng cơ thể. Thông thường trẻ từ 2-7 tuổi dùng khoảng 200mg mỗi ngày, chia thành 2 lần uống.
- Ngộ độc paracetamol: Liều dùng cũng dựa trên cân nặng của trẻ, thường tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
5. Thận trọng/Chống chỉ định
- Chống chỉ định: Acetylcysteine không nên được sử dụng ở những người quá mẫn cảm với thành phần của thuốc hoặc ở những người mắc bệnh loét dạ dày tá tràng nặng.
- Thận trọng: Đối với những người mắc bệnh gan, thận hoặc có tiền sử dị ứng, cần thận trọng khi sử dụng thuốc này. Bên cạnh đó, trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
6. Lưu ý tác dụng phụ của thuốc Acetylcysteine
Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải do tác dụng phụ của thuốc như:
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Phát ban hoặc nổi mày đay.
- Buồn ngủ, nhức đầu, ù tai.
- Chảy nước mũi nhiều.
- Sốt, ớn lạnh, rét.
- Co thắt phế quản kèm phản ứng dạng phản vệ toàn thân (hiếm gặp).
Nếu trong quá trình dùng thuốc bạn gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nên đến khay bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
7. Tương tác thuốc
Thuốc Acetylcysteine có thể tương tác với một số loại thuốc khác, làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ. Một số tương tác cần lưu ý:
- Acetylcysteine có thể làm giảm tác dụng của một số loại kháng sinh như tetracycline, do đó nên uống cách xa nhau ít nhất 2 giờ.
- Khi sử dụng đồng thời với thuốc giảm ho, Acetylcysteine có thể làm giảm hiệu quả làm loãng đờm, do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi kết hợp.
- Acetylcystein tương tác với thuốc Carbamazepine và Nitroglycerin
Acetylcysteine là loại thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả trong các vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc sử dụng Acetylcysteine cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.