Rốn trẻ sơ sinh: mẹo vệ sinh và phòng ngừa nhiễm trùng

1. Sơ lược rốn trẻ sơ sinh

Khi còn trong bụng mẹ, em bé sẽ nhận oxy và dưỡng chất từ dây rốn – bộ phận kết nối thai nhi với nhau thai. Lúc em bé được sinh ra, dây rốn cũng được cắt bỏ, chỉ chừa lại phần gốc dài khoảng 2 – 3cm (gọi là cuống rốn) trên bụng của bé. Việc cắt này hoàn toàn không gây đau đớn cho mẹ và em bé do dây rốn không có dây thần kinh.

Thông thường, quy trình rụng rốn trẻ sơ sinh bắt đầu từ ngày thứ 7 và liền hoàn toàn vào ngày thứ 15 sau sinh. Trong thời gian này, và kể cả khi rốn đã rụng đi, vết rốn đang trong giai đoạn lành, bố mẹ cần vệ sinh và theo dõi rốn bé có sạch sẽ, khô ráo hay không. Việc vệ sinh qua loa, sai cách có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, rỉ dịch, nhiễm trùng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng em bé.

Rốn trẻ sơ sinh sẽ tự rụng sau 1 - 2 tuần hoặc 3 tuần

Rốn trẻ sơ sinh sẽ tự rụng sau 1 – 2 tuần hoặc 3 tuần

2. Những vấn đề thường gặp ở rốn trẻ sơ sinh

Trong quá trình rụng và lành, rốn trẻ sơ sinh có thể gặp phải những vấn đề sau.

Rốn rụng muộn

Như đã nói, thời gian để rụng rốn là khoảng 1 – 2 tuần sau sinh, chậm nhất là 3 tuần. Rốn rụng lâu hay mau tùy thuộc vào trẻ sinh đủ tháng hay thiếu tháng, cách vệ sinh rốn của bố mẹ, dung dịch sử dụng để vệ sinh rốn,… Nhưng nếu sau 3 tuần, rốn bé vẫn chưa rụng, bạn cần liên hệ với bác sĩ để kiểm tra cho bé.

Rốn rỉ máu

Có nhiều nguyên nhân làm rốn rỉ máu, trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do rốn bị ma sát với quần áo, tã. Trường hợp này không quá nguy hiểm và dễ khắc phục, bạn chỉ cần cố định lên vùng rốn miếng băng gạc sạch là được. Tuy nhiên, nếu rốn rỉ máu liên tục, sau 10 phút không hết thì cần cho bé đến gặp bác sĩ.

Rốn rỉ dịch

Khác với rốn rỉ máu, rốn rỉ dịch là trường hợp không thể xem nhẹ. Theo đó, nếu rốn của bé luôn ẩm ướt, bị rỉ dịch mủ màu trắng hoặc vàng kèm mùi hôi khó chịu, bạn cần nhanh chóng đưa bé đi khám. 

Không được chủ quan khi rốn của trẻ bị rỉ dịch bất thường

Không được chủ quan khi rốn của trẻ bị rỉ dịch bất thường

Rốn nhiễm trùng

Dấu hiệu cho thấy rốn trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng là rốn rụng muộn kèm các bất thường như bị rỉ dịch hoặc máu, vùng xung quanh rốn sưng đỏ, khi chạm vào bé khóc nhiều, bé có thể có sốt cao, bú kém. Nhiễm trùng rốn rất nguy hiểm bởi vi khuẩn có thể đi vào máu, gây ra các biến chứng như nhiễm trùng huyết, uốn ván. Nếu không được điều trị kịp thời, bé sẽ tử vong.

Thoát vị rốn

Thông thường, khi cuống rốn teo và rụng, lỗ trên thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ đóng lại từ từ. Nhưng cũng có trường hợp các cơ ở vùng rốn không khép lại hoàn toàn, dẫn đến thoát vị rốn. Lúc này, rốn của bé sẽ lồi ra. Đa số các trường hợp sẽ khỏi sau 1 tuổi. Nhưng nếu sau 4 tuổi, rốn bé vẫn lồi, có thể phải can thiệp y tế.

3. Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh

Có rất nhiều vấn đề xảy ra ở rốn trẻ sơ sinh trong quá trình rốn rụng và lành. Vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh và chăm sóc rốn cho bé để phòng tránh các nguy cơ.

Vệ sinh rốn đúng cách

Trước khi vệ sinh rốn cho bé, bạn cần chuẩn bị tăm bông, gạc vô trùng, nước muối sinh lý, đồng thời, rửa tay sạch sẽ với xà phòng và lau khô tay. Tiếp đến, thực hiện vệ sinh rốn theo các bước sau.

  • Thấm nước muối sinh lý vào các cây tăm bông đã chuẩn bị, sau đó dùng 1 cây tăm bông để lau chân rốn và cuống rốn, 1 cây tăm bông lau xung quanh rốn và 1 cây tăm bông lau rộng ra vùng da quanh rốn. 
  • Dùng gạc vô trùng thấm nhẹ rốn và vùng rốn để rốn và vùng rốn được sạch sẽ, khô ráo.
  • Khi rốn đã khô thoáng, mặc tã và quần áo cho bé. Lưu ý, không để tã đè lên rốn vì việc này có thể làm rốn bị chảy máu. Đối với quần áo, nên lựa chọn loại mềm mại, thông thoáng. 

Tránh để tã hay quần áo cọ xát vào phần rốn của bé

Tránh để tã hay quần áo cọ xát vào phần rốn của bé

Tắm bé đúng cách

Trong thời gian rốn teo và rụng, bạn hoàn toàn có thể tắm cho bé, miễn sao không để nước dính vào rốn. Nói chung, cố gắng giữ cuống rốn bé được khô ráo nhất có thể. Sau khi tắm xong, tiến hành vệ sinh cuống rốn như các bước hướng dẫn trên. Nếu đã vệ sinh rốn trước đó, bạn chỉ cần dùng tăm bông hoặc gạc vô trùng để thấm khô rốn là được. 

Để rốn rụng tự nhiên

Nhiều người cảm thấy lo lắng khi thấy rốn bé chưa rụng. Tuy nhiên, dù nóng lòng, sốt ruột như thế nào, bạn cũng không được dùng tay hay bất cứ vật gì để tác động lên rốn, thay vào đó, cứ để rốn trẻ sơ sinh được rụng tự nhiên. Nếu quá 3 tuần, rốn vẫn chưa rụng, bạn hãy cho bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Hãy để rốn của trẻ được khô và rụng tự nhiên

Hãy để rốn của trẻ được khô và rụng tự nhiên 

Hy vọng những thông tin trên đã cung cấp cho các cha mẹ cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh đúng cách để tránh những nguy cơ, vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe bé yêu. Mẹ hãy chăm sóc rốn cho bé hàng ngày theo chỉ dẫn để rốn nhanh rụng và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Nếu trong quá trình chăm sóc bé, cha mẹ nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ trẻ nhiễm trùng rốn như rốn rỉ dịch có mùi hôi, vùng chân rốn sưng to, đổi màu, trẻ phát sốt,… cha mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại các trung tâm y tế uy tín để đánh giá tình trạng và có biện pháp xử trí kịp thời.

Một địa chỉ cha mẹ có thể lựa chọn để thăm khám là khoa Nhi – Hệ thống Y tế MEDLATEC, với bề dày kinh nghiệm gần 30 năm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Để đặt lịch khám các vấn đề nhi khoa, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56, tổng đài viên sẽ tư vấn, hỗ trợ. 

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo