Nhiều người băn khoăn không biết suy tủy có phải ung thư máu không vì trong phần lớn các trường hợp ung thư máu đều bắt đầu từ tủy xương. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Hoa.
Suy tủy là gì?
Để thực sự hiểu suy tủy có phải ung thư máu hay không, bạn nên nắm rõ về bản chất của bệnh lý này và nguyên nhân gây ra nó.
Suy tủy là tình trạng chức năng của tủy xương bị giảm sút. Tủy xương là mô xốp mềm bên trong xương, giữ chức năng tạo ra các tế bào máu, gồm có hồng cầu đem oxy đi nuôi cơ thể và vận chuyển CO2 ra khỏi cơ thể thông qua hô hấp; bạch cầu bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh nhiễm như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng; tiểu cầu giúp đông máu. Tủy xương của bạn điều chỉnh quá trình sản xuất dựa trên nhu cầu thay đổi của cơ thể.
Hóa trị để điều trị ung thư là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tủy. Tuy nhiên, một số bệnh ung thư máu và một số loại virus có thể ảnh hưởng đến tủy xương và gây suy tủy. Nguyên nhân suy tủy có thể là do:
- Di truyền: Trong các hội chứng như Shwachman-Diamond, Diamond-Blackfan, Fanconi, rối loạn tạo sừng bẩm sinh…
- Mắc phải:
- Do hóa chất độc hại như benzen, phosphat hữu cơ, hydrocarbon có gắn clo,…
- Do một số thuốc như thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ huyết áp, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc kháng giáp, một số kháng sinh (đặc biệt là cloramphenicol)
- Nhiễm virus như siêu vi viêm gan non-A, non-B, non-C, non-D, non-E, non-G; HIV, Epstein-Barr, Parvovirus…
- Một số rối loạn tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, bệnh tuyến giáp miễn dịch,…
- Bệnh tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm
- Mang thai.
Có đến 70% trường hợp suy tủy là vô căn do các đột biến gen.
Khi chức năng tủy xương suy giảm, việc sản xuất các tế bào máu cũng giảm đi, dẫn tới triệu chứng bệnh. Ban đầu, biểu hiện suy tủy có thể còn nhẹ, sau đó từ từ tiến triển. Mức độ triệu chứng sẽ thay đổi nặng nhẹ tùy theo tình trạng bệnh. Chúng bao gồm:
- Thiếu hồng cầu (thiếu máu) gây da xanh xao, khó thở, suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt…
- Giảm tiểu cầu gây xuất huyết dưới da, chảy máu nướu răng, rong kinh, khó cầm máu…
- Giảm bạch cầu gây nhiễm trùng tái phát liên tục, sốt, ớn lạnh, viêm họng,…
Nếu suy tủy xương là do di truyền thì trẻ sẽ có những biểu hiện bất thường như màu da khác thường, khuyết tật xương, lùn, bất thường ở da móng và các cơ quan,…
Suy tủy có phải ung thư máu không?
Suy tủy là lành tính, chỉ tình trạng suy giảm khả năng tạo ra các tế bào máu của tủy xương, còn các tế bào máu được tạo ra vẫn bình thường cả về cấu trúc lẫn chức năng.
Trong khi đó, ung thư máu là bệnh lý ác tính về máu. Tế bào máu được tạo ra bị bất thường. Chúng nhân lên nhanh và đôi khi tồn tại lâu hơn, lấn át các tế bào bình thường trong tủy xương. Điều này cũng khiến tủy xương sản xuất ít tế bào máu bình thường hơn và gây nên các triệu chứng của bệnh.
Có nhiều loại ung thư máu khác nhau nhưng nhìn chung đều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất các tế bào máu bình thường. Do đó, dấu hiệu ung thư máu khá tương đồng với suy tủy xương. Đây cũng là lý do nhiều người lo lắng suy tủy có phải ung thư máu không?
Tuy nhiên, một người vẫn có thể mắc đồng thời cả hai bệnh này. Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây suy tủy phổ biến nhất là do thuốc hóa trị để điều trị ung thư. Bên cạnh đó, ung thư máu cũng gây ức chế tủy xương vì các tế bào máu bất thường nhân lên trong tủy, làm nó không thể sản xuất ra các tế bào máu bình thường. Vì vậy, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư máu bị suy tủy và ngược lại.
Bệnh suy tủy có nguy hiểm không?
Đây là một bệnh lý về máu lành tính. Tuy nhiên, nếu suy tủy nặng vẫn sẽ nguy hiểm vì có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng cơ hội do lượng bạch cầu thấp, lúc này cơ thể sẽ dễ mắc nhiều bệnh lý cơ hội khác nhau và nếu không được kiểm soát tốt cũng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng
- Xuất huyết nặng (chảy máu không kiểm soát được) do lượng tiểu cầu thấp
- Suy nhiều cơ quan do lượng hồng cầu quá thấp (thiếu máu nặng).
Đến đây, hẳn bạn đã có câu trả lời cho vấn đề “Suy tủy có phải ung thư máu không?”. Dù câu trả lời là không phải, nhưng suy tủy vẫn là bệnh lý nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời. Có như vậy, bạn mới tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
[embed-health-tool-bmi]Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.