Bật mí cách làm bánh bông lan tốt cho sức khỏe của người bệnh mạn tính

Bật mí cách làm bánh bông lan tốt cho sức khỏe của người bệnh mạn tính

Bánh bông lan là một món ăn quen thuộc mà ai cũng có thể tự làm được với nhiều công thức khác nhau tùy theo dụng cụ, đồ dùng sẵn có và khẩu vị của mỗi người. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể điều chỉnh nguyên liệu, cách làm bánh bông lan phù hợp cho tình trạng sức khỏe nếu mắc phải các bệnh mạn tính cần chú ý đến chế độ ăn uống để không làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. 

Bánh bông lan có hương vị thơm ngậy, ngọt nhẹ, kết cấu mềm xốp dễ ăn, chủ yếu được làm từ bột mì, trứng gà, sữa tươi và đường. Không chỉ vậy, bánh bông lan còn có thể kết hợp cùng với nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo ra những hương vị mới thú vị, hấp dẫn, tùy theo khẩu vị cá nhân. Thế nhưng, những người mắc phải các bệnh lý mạn tính cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng thì có thể ăn được bánh bông lan không? Cần lưu ý gì trong cách làm bánh bông lan cho người đang có vấn đề sức khỏe mạn tính? Hãy cùng Bác sĩ Hoa tìm hiểu cách làm bông lan thơm ngon, tốt cho sức khỏe qua bài viết sau đây nhé!

3 cách làm bánh bông lan cho người mới bắt đầu 

1. Cách làm bánh bông lan truyền thống bằng lò nướng

Nguyên liệu

  • Bột mì đa dụng: 60g
  • Bột bắp: 40g
  • Dầu ăn: 15ml
  • Sữa tươi không đường: 30ml
  • Trứng gà: 4 quả
  • Nước cốt chanh: 1 muỗng
  • Đường: 60g
  • Vani: 1 ống.

Dụng cụ

  • Khuôn bánh
  • Máy đánh trứng
  • Phới dẹt, giấy nến
  • Lò nướng. 

Cách làm bánh

Bước 1: Đánh bông lòng trắng trứng

  • Tách lòng trắng và lòng đỏ trứng ra thành hai tô riêng. Với tô lòng trắng trứng, dùng máy đánh trứng đánh nhẹ ở tốc độ nhẹ nhất trong khoảng 7 giây, rồi cho thêm nước cốt chanh và tăng tốc độ đánh lên mức trung bình.
  • Cho hết phần đường vào hỗn hợp và tiếp tục đánh bông phần lòng trắng trứng này đến khi có được hỗn hợp sánh mịn, tạo được chóp sau khi nhấc máy lên.

Bước 2: Trộn hỗn hợp bột làm bánh

  • Lấy phần lòng đỏ trứng đã tách ở trên cho vào tô lớn, thêm sữa tươi, dầu ăn và vani rồi dùng máy đánh trứng đánh đều.
  • Lần lượt rây bột mì và bột bắp vào hỗn hợp trên, dùng phới dẹt trộn đều. Lưu ý trộn nhẹ nhàng theo 1 chiều nhất định.
  • Cho từng phần lòng trắng trứng đánh bông vào hỗn hợp trên rồi trộn đều đến khi hỗn hợp mịn, đồng nhất.

Bước 3: Nướng bánh

cách làm bánh bông lan cho người bệnh mãn tính

  • Lót giấy nến xuống đáy và xung quanh thành khuôn bánh để chống dính. Đổ từ từ hết hỗn hợp làm bánh vào khuôn.
  • Gõ nhẹ khuôn để “đuổi hết” bọt khí ra ngoài, giúp bề mặt bánh trông đẹp, mịn hơn.
  • Làm nóng lò nướng khoảng 10 phút. Cho khuôn vào trong lò và nướng ở nhiệt độ 150ºC, trong 30 phút (bạn có thể điều chỉnh các thông số này cho phù hợp tùy theo loại lò nướng). Khi bánh chín, mở lò ra để nguội khoảng 5 phút rồi mới gỡ khuôn, lấy bánh.
Thành phẩm đạt chuẩn: Bánh phải mềm, giữ được độ ẩm nhất định, màu sắc vàng đều, phần vỏ ngoài không cháy khét, hương thơm nhẹ và không tanh mùi trứng.

2. Cách làm bánh bông lan bằng nồi chiên không dầu 

cách làm bánh bông lan cho người bệnh mãn tính
cách làm bánh bông lan cho người bệnh mãn tính bằng nồi chiên không dầu

Công thức làm bánh bông lan bằng nồi chiên không dầu thực chất cũng tương tự về nguyên liệu với cách làm bánh bông lan truyền thống ở trên, chỉ khác về thiết bị sử dụng để làm chín bánh.

Sau đó, bạn cho khuôn bánh vào nồi chiên không dầu, bắt đầu “nướng” bánh ở nhiệt độ 150ºC trong khoảng 30 – 40 phút, tùy vào loại nồi chiên. Khi bánh chín, bạn lấy cả khuôn ra ngoài rồi úp ngược xuống khoảng 5 phút để bánh tránh bị xẹp hay lõm. Để nguội rồi lấy bánh ra khỏi khuôn và thưởng thức món bánh bông lan thơm ngon.

3. Cách làm bánh bông lan hấp

cách làm bánh bông lan cho người bệnh mãn tính

Nếu bạn không có các thiết bị để nướng bánh hoặc thích món bánh bông lan có độ ẩm cao hơn, hãy thử cách làm bánh bông lan hấp sau đây. Các nguyên liệu sử dụng cũng không khác biệt nhiều, có điều bánh sẽ chín nhờ sử dụng sức nóng từ hơi nước.

Với cách làm bánh bông lan hấp, việc hấp bánh được tiến hành như sau:

  • Lót giấy nến vào trong khuôn để chống dính rồi đổ hỗn hợp bột vào trong khuôn, dàn trải đều. Vỗ nhẹ đáy khuôn để loại bỏ hết bọt khí lớn giúp bánh mịn hơn, không bị rỗ lỗ to.
  • Dùng nắp hoặc giấy bạc để đậy kín khuôn lại.
  • Chuẩn bị một nồi nước sôi lớn, kê dưới đáy một khung nhỏ để cho nước không ngập đến khuôn bánh, hấp với lửa vừa trong khoảng 40 phút.
  • Để thử xem bánh đã chín hoàn toàn chưa, bạn có thể dùng một cây tăm hoặc xiên gỗ cắm vào trong bánh rồi rút lên. Nếu tăm/xiên khô, không dính bột bánh thì bánh đã chín, nếu thấy vẫn còn ướt thì cần hấp thêm cho bánh chín hẳn.
Bánh bông lan hấp có màu vàng nhạt đều từ ngoài vào trong, chất bánh mềm xốp, hương vị thơm ngon, ngọt nhẹ.

Những lưu ý khi làm bánh bông lan cho người bệnh mạn tính

cách làm bánh bông lan cho người bệnh mãn tính

Chế độ ăn uống là một yếu tố lối sống góp phần làm tăng hoặc giảm nguy cơ phát triển một số bệnh lý mạn tính bao gồm béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, hội chứng chuyển hóa, một số bệnh ung thư và cả một số bệnh thần kinh.

Ví dụ, chế độ ăn với phần lớn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật giúp giảm nguy cơ bị tăng huyết áp và đái tháo đường type 2. Bên cạnh đó, có nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ flavanol từ cacao giúp làm giảm đáng kể lượng triglyceride và tăng nồng độ cholesterol HDL so với giả dược. Trong khi đó, cholesterol HDL là cholesterol có lợi cho tim mạch.

Nhiều chuyên gia sức khỏe cũng cho rằng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 giảm đi khi người dùng tăng tổng sản phẩm từ sữa (200 – 400 gram) hoặc các sản phẩm từ sữa ít béo (200 gram/ngày). Một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng lượng sữa chua tiêu thụ cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú.

Không chỉ thế, ở những người có vấn đề về sức khỏe, việc thay đổi chế độ ăn uống cũng giúp hạn chế sự phát triển bệnh nặng thêm, hỗ trợ điều trị các triệu chứng, quản lý bệnh tốt hơn. Chế độ ăn tốt nhất nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên nguồn thực phẩm tươi sống, đa dạng, hạn chế các thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, gia vị, chất bảo quản.

1. Lưu ý trong cách làm bánh bông lan cho người bệnh mạn tính tại nhà 

Để cách làm bánh bông lan cho người bệnh mạn tính tại nhà trở nên “thân thiện” hơn với sức khỏe hơn, bạn nên:

  • Ưu tiên sử dụng bột mì nguyên cám giúp tăng lượng chất xơ bổ sung cho cơ thể.
  • Cắt giảm tối đa lượng đường, có thể dùng mật ong hay đường ăn kiêng, đường nâu (có chỉ số GI thấp hơn) để thay thế cho đường trắng.
  • Thêm cacao vào nguyên liệu bánh để đổi vị và nhận các lợi ích sức khỏe từ ca cao.
  • Sử dụng dầu thực vật, dầu từ các loại hạt như dầu cám gạo, dầu đậu nành, dầu hạt lanh, dầu mè, dầu đậu phộng, dầu ô liu… khi làm bánh.
  • Kết hợp các loại trái cây như: cam, quýt, dâu tây, việt quất,… vào cốt bánh hoặc ăn kèm với bánh tăng hương vị cho bánh, bổ sung thêm chất xơ và các chất chống oxy hóa cho cơ thể. Đồng thời, bạn có thể điều chỉnh lại lượng đường/ mật ong cho phù hợp vì đã gia tăng thêm độ ngọt cho bánh từ trái cây.
  • Hạn chế dùng trứng muối, chà bông, thịt bằm, lạp xưởng… làm topping cho bánh vì các nguyên liệu này thường chứa chất béo, nhiều muối (natri) không thân thiện với sức khỏe người đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp…

2. Người bệnh mạn tính nên ăn bánh bông lan như thế nào để vẫn ngon miệng mà không ảnh hưởng sức khỏe? 

Ngoài việc tuân thủ những lưu ý về việc chọn lựa nguyên liệu trong cách làm bánh bông lan tại nhà, người bệnh mạn tính cần chú ý đến cách ăn để không gây hại cho sức khỏe. Do đó, bạn cần tính toán lượng calo cần thiết và chia khẩu phần phù hợp để tránh tình trạng dư thừa calo dẫn đến thừa cân. Cần nhớ rằng tình trạng thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý khác nhau. Lượng calo từ các nguyên liệu chính làm nên món bánh bông lan thơm ngon có thể khác nhau tùy theo lựa chọn và sở thích của bạn. Tuy nhiên lời khuyên là hãy ưu tiên sử dụng nguyên liệu thân thiện với tình trạng sức khỏe bạn nhé. 

3. Lợi ích sức khỏe khi tự học cách làm bánh bông lan tại nhà

Như vậy, việc tự làm bánh bông lan tại nhà sẽ giúp bạn chủ động hơn khi tính toán khẩu phần ăn, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, đặc biệt tốt cho những người mắc bệnh mạn tính. Những lợi ích này đến từ:

  • Kiểm soát loại nguyên liệu sử dụng vì bạn có thể tự lựa chọn sử dụng bột nguyên cám, đường ăn kiêng hay mật ong hoặc trái cây… để thay thế cũng như chất lượng của các nguyên liệu này để đảm bảo dinh dưỡng.
  • Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời dễ dàng tùy chỉnh lượng bánh hay khẩu phần ăn cho hợp lý, tránh tình trạng phải ăn cố gây thừa calo hoặc lãng phí.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã biết cách làm bánh bông lan thơm ngon, bổ dưỡng, đặc biệt là biết điều chỉnh để phù hợp cho cả những người đang mắc phải bệnh lý mạn tính.

Healthify – Loạt nội dung mới lần đầu tiên xuất hiện trên Bác sĩ Hoa – Giới thiệu các công thức nấu nướng, chế biến món ăn thân thuộc trong bữa ăn gia đình theo cách “thân thiện, lành mạnh và dinh dưỡng” cho sức khỏe, nhất là phù hợp với các tình trạng bệnh mạn tính.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 80% các bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường; đồng thời 40% các bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa và kiểm soát tốt nếu mọi người ăn uống lành mạnh hơn, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện và không hút thuốc lá. 
Qua loạt nội dung này, Bác sĩ Hoa mong rằng bạn và người thân có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc và quản lý sức khỏe bản thân và gia đình một cách hiệu quả, tối ưu.
[embed-health-tool-bmi]
 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo