Làm thế nào để phân biệt giữa đột quỵ và nhồi máu cơ tim cấp để có thể thực hiện các biện pháp cấp cứu kịp thời? Mời các bạn cùng mình tìm hiểu bài viết dưới đây.
1. Đột quỵ là gì? Triệu chứng và nguyên nhân
Đột quỵ, còn được gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng tổn thương nghiêm trọng của não bộ do quá trình cung cấp máu bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, dẫn đến thiếu oxy và dinh dưỡng cho các tế bào não. Chỉ trong vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Vì vậy, bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức. Thời gian cấp cứu càng kéo dài, số lượng tế bào não chết càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và tư duy, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều gặp phải tình trạng sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt hoặc yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, và suy giảm thị giác.
1.1 Triệu chứng của đột quỵ
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay sử dụng từ “FAST” để giúp nhận biết nhanh các dấu hiệu của đột quỵ. “FAST” vừa có nghĩa là nhanh chóng (hành động ngay lập tức), vừa là viết tắt của Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).
- Face (Khuôn mặt): Dấu hiệu dễ nhận biết là mặt bệnh nhân bị méo. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười để kiểm tra sự bất đối xứng.
- Arm (Tay): Bệnh nhân có thể bị liệt tay hoặc cảm thấy tê một bên tay, giảm khả năng điều khiển. Cũng có thể gặp các dấu hiệu ở chân như nhấc chân không lên, đi rớt dép.
- Speech (Lời nói): Bệnh nhân có thể bị nói lắp, nói khó hoặc thậm chí không thể nói được.
- Time (Thời gian): Đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi phát hiện những dấu hiệu trên để được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, các triệu chứng khác của đột quỵ có thể bao gồm:
- Lẫn lộn, sảng, hôn mê;
- Thị lực giảm sút, hoa mắt;
- Chóng mặt, người mất thăng bằng, không thể đứng vững;
- Đau đầu;
- Buồn nôn, nôn ói,….
1.2 Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, bao gồm các yếu tố không thể thay đổi và các yếu tố bệnh lý.
1.3 Các yếu tố không thể thay đổi
- Tuổi tác: Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ tăng cao hơn ở người cao tuổi. Sau tuổi 55, nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với nữ giới.
- Tiền sử gia đình: Người có người thân từng bị đột quỵ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị đột quỵ cao gần gấp đôi so với người da trắng.
1.4 Các yếu tố bệnh lý
- Tiền sử đột quỵ: Người từng bị đột quỵ có nguy cơ cao tái phát, đặc biệt trong vài tháng đầu sau cơn đột quỵ đầu tiên. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
- Đái tháo đường: Các vấn đề liên quan đến đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ do ảnh hưởng đến mạch máu và khả năng lưu thông máu.
- Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý về tim mạch có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường do mối liên hệ giữa bệnh tim và sự hình thành các cục máu đông.
- Cao huyết áp: Cao huyết áp gây áp lực lên thành động mạch, có thể dẫn đến tổn thương và xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng để phòng ngừa đột quỵ.
- Mỡ máu: Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, gây tắc nghẽn mạch máu não, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Thừa cân, béo phì: Thừa cân và béo phì dẫn đến nhiều bệnh lý như cao huyết áp, mỡ máu và bệnh tim mạch, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ.
- Hút thuốc: Người hút thuốc có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi. Khói thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu, tăng quá trình xơ cứng động mạch, và gây hại cho phổi, khiến tim phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tăng huyết áp.
- Lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn uống không cân đối, thiếu các dưỡng chất cần thiết và lười vận động là các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.
2. Nhồi máu cơ tim cấp là gì? Triệu chứng và nguyên nhân
Tim đóng vai trò quan trọng trong việc bơm máu đến các cơ quan khác trong cơ thể. Nó được cung cấp oxy và dưỡng chất thông qua hai nhánh mạch máu chính: động mạch vành trái và động mạch vành phải.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả hai nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, dẫn đến việc cơ tim không nhận đủ máu. Sự thiếu máu này có thể gây hoại tử mô cơ tim. Khi một vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, chức năng bơm máu của tim sẽ bị suy giảm, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như suy tim và đột tử.
2.1 Triệu chứng của nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày hoặc hàng tuần qua các dấu hiệu sau:
- Đau thắt ngực: Đây là biểu hiện phổ biến nhất của bệnh. Người bệnh thường cảm thấy đau tức, đè nặng, hoặc cảm giác bị xoắn vặn bên trong lồng ngực, đặc biệt ở phía sau xương ức hoặc ngực bên trái. Cơn đau thường xuất hiện khi nghỉ ngơi và kéo dài hơn 15 phút. Đau có thể lan đến lưng, cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Kèm theo đau ngực, người bệnh có thể trải qua mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, đổ mồ hôi, cảm giác hoảng loạn hoặc thậm chí ngất xỉu. Mức độ đau không thuyên giảm sau khi dùng nitrate.
- Các triệu chứng đặc biệt: Ở người lớn tuổi, phụ nữ và bệnh nhân đái tháo đường, nhồi máu cơ tim có thể không gây ra đau thắt ngực điển hình. Thay vào đó, họ có thể gặp khó thở, thay đổi trong tri giác, ngất xỉu, hoặc huyết áp giảm xuống dưới 90/60 mmHg.
Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai cũng trải qua các triệu chứng giống nhau, và mức độ triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp, triệu chứng đầu tiên có thể là ngừng tim đột ngột mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.
2.2 Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
- Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch, một quá trình xảy ra khi các mảng xơ tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu. Thành phần của các mảng xơ vữa thường bao gồm cholesterol, canxi, và các mảnh vỡ tế bào.
- Quá trình hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa thường bắt đầu từ khoảng tuổi 30 và kéo dài từ vài năm đến vài chục năm. Ở những người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, và hút thuốc lá, quá trình này thường diễn ra nhanh hơn. Các yếu tố này làm cho các phân tử cholesterol tích tụ và bám vào thành mạch máu nhanh hơn.
- Khi mảng xơ vữa bám vào thành mạch, nó gây viêm thành mạch và có thể dẫn đến bong tróc hoặc nứt vỡ của mảng xơ vữa, tạo ra cục máu đông. Cục máu đông này có thể gây tắc nghẽn trong mạch máu, ngăn cản máu đến các vùng cơ tim phía sau, gây tổn thương và hoại tử các phần cơ tim đó, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
3. Sự khác biệt giữa 2 bệnh
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp
Bạn thường xuất hiện tình trạng đau tức ngực trái, đau tức nặng như có vật đè nặng lên ngực của bạn. Đau có thể lan lên vai, ra sau lưng và lan tới ngón tay 4, 5 của bàn tay trái. Thời gian xuất hiện thường kéo dài trên 30 phút, cần phải điều trị cấp cứu.
Dấu hiệu đột quỵ
Đột quỵ có thể có các biểu hiện như đau đầu dữ dội, cảm giác tê yếu nửa người tăng dần hoặc đột ngột liệt nửa người, có thể kèm theo miệng méo, mắt nhắm không kín, nói ngọng, nuốt khó, quay mắt quay đầu về một bên… tình huống nặng có thể xảy ra rất đột ngột và dẫn tới hôn mê.
Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp
Khi bạn có các dấu hiệu nghi ngờ, thì có bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp để chẩn đoán như:
- Điện tâm đồ: có thể thấy được khu vực bị thiếu máu cơ tim.
- Xét nghiệm men như CKMB, troponin giúp chẩn đoán.
Chẩn đoán đột quỵ
Khi có các biểu hiện của đột quỵ, người bệnh sẽ được chỉ định chụp CT-scanner sọ não để giúp chẩn đoán xác định hoặc có thể kết hợp chụp MRI sọ não.
Ngoài ra, bệnh nhân thường được xét nghiệm thêm các chỉ số sinh hóa, đường huyết, điện tim…để kiểm soát nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp
Các biện pháp điều trị nhồi máu cơ tim cấp gồm các biện pháp nội khoa và nội khoa can thiệp:
- Người bệnh cần nghỉ ngơi, sử dụng thuốc để hạn chế giãn mạch máu tăng tưới máu cho cơ tim, thuốc giảm đau, thuốc trợ tim mạch giúp tim hoạt động hiệu quả… Nếu có khó thở bệnh nhân cần được thở oxy.
- Dùng các biện pháp nội khoa can thiệp: Tùy từng mức độ và vị trí tổn thương mà người bệnh được chỉ định sử dụng biện pháp can thiệp nhằm tái thông chỗ tắc và tái tưới máu cho phần cơ tim bị thiếu máu.
- Phẫu thuật bắc cầu: Bác sĩ sẽ lấy một đoạn mạch máu từ một phần khác của cơ thể bạn, hoặc có thể là một đoạn mạch máu nhân tạo và sẽ thực hiện nối từ chỗ động mạch bình thường tới chỗ xa của động mạch bị tắc/hẹp, vượt qua chỗ bị tắc/hẹp, giống như công việc bắc cầu trong thực tế. Điều này giúp tái lập cấp máu bình thường cho phần xa của động mạch vành bị tắc/hẹp.
- Nong mạch và đặt stent: Là biện pháp được thực hiện bằng cách sử dụng một ống thông bằng nhựa và một dụng cụ gọi là bóng. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông vào trong lòng động mạch xuất phát từ cổ tay hoặc bẹn, tiếp cận đến lỗ động mạch vành và sau đó đưa bóng tới vị trí động mạch vành bị hẹp và bơm phồng bóng lên giúp làm rộng chỗ hẹp đó ra. Bóng ép các mảng xơ vữa áp sát vào thành động mạch để giúp cho máu lưu thông tốt hơn. Thông thường, tiếp sau đó, bác sĩ sẽ đặt một ống lưới kim loại nhỏ, được gọi là stent, tại vị trí động mạch vành hẹp để giúp giữ cho động mạch luôn luôn mở.
- Sau khi điều trị ổn định, bạn sẽ được tư vấn và hướng dẫn phục hồi chức năng tim mạch và kiểm soát chế độ ăn hợp lý để tránh nguy cơ tái phát.
Điều trị đột quỵ
- Đối với đột quỵ do nhồi máu não: thời gian 4.5 giờ đầu từ khi xuất hiện triệu chứng là rất quan trọng, người bệnh nên tới các cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu ban đầu. Nếu đến sớm trong thời gian vàng (4.5 giờ đầu) bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết, từ đó giúp tan cục máu đông. Để tái lập cấp máu cho mô não khi nó vẫn còn hoạt động được. Nếu đến muộn hơn thì các tế bào não đã bị hoại tử do thiếu máu thời gian dài, nên không còn chỉ định dùng các thuốc này, người bệnh sẽ được dùng các thuốc chống đông thông thường, điều trị bệnh nền khác và kết hợp phục hồi chức năng.
- Đối với xuất huyết não: Người bệnh được sử dụng dùng thuốc kiểm soát huyết áp để giữ huyết áp ở mức ổn định, hạn chế chảy máu thêm, ngoài ra người bệnh còn được dùng các thuốc điều trị và biện pháp khác tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.
Tiên lượng của hai tình trạng bệnh tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương, thời gian được tiếp nhận y tế và ngoài ra các yếu tố kèm theo khác cũng là yếu tố quyết định mức độ nặng của bệnh.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.