1. Bế sản dịch là gì?
Thông thường sau khi sinh tử cung sẽ co bóp để đẩy hết sản dịch – bao gồm máu, nước ối còn sót lại, mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung, dịch tiết cổ tử cung ra ngoài âm đạo trong vòng 2-6 tuần sau sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự co bóp này không đủ mạnh hoặc có những trở ngại khác khiến sản dịch không được đào thải ra ngoài, mà ứ đọng lại trong tử cung.
Bế sản dịch có thể xảy ra sau cả sinh thường và sinh mổ, nhưng tỷ lệ cao hơn ở các bà mẹ sinh mổ do quá trình phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến chức năng co bóp của tử cung.
Việc nhận biết và hiểu rõ bế sản dịch sau sinh là rất quan trọng vì bế sản dịch nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn sản dịch, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm được… cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng sản phụ.
2. Biểu hiện của bế sản dịch sau sinh thường và sau sinh mổ
Quá trình thoát sản dịch sau khi sinh thường kéo dài từ 15 đến 30 ngày, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi sản phụ. Đến khoảng ngày thứ 12, sản dịch sẽ dần nhạt màu. Khi xảy ra tình trạng bế sản dịch, dù là sinh thường hay sinh mổ, sản phụ đều có thể có những dấu hiệu sau:
- Sản dịch ra ít hoặc không ra: Sau sinh, sản dịch thường ra trong vài tuần đầu, nhưng nếu lượng sản dịch ra ít hoặc không có sản dịch ra ngoài âm đạo, đây có thể là dấu hiệu của bế sản dịch.
- Sản dịch có mùi hôi: Một trong những triệu chứng điển hình của bế sản dịch là sản dịch có mùi hôi khó chịu, nguyên nhân là do tình trạng ứ đọng sản dịch dẫn đến nhiễm trùng.
- Đau bụng dưới và căng tức vùng hạ vị: Đây là khu vực của tử cung. Khi sờ vào khu vực này còn có thể cảm thấy cục cứng do dịch sản bị ứ đọng.
- Sốt: Sốt là dấu hiệu cơ thể phản ứng với nhiễm trùng do sản dịch bị giữ lại, nếu kèm theo các triệu chứng trên, mẹ cần phải đến bệnh viện ngay.
- Cổ tử cung đóng kín và khi ấn đáy tử cung, sản phụ thấy rất đau. Khi tiến hành nong cổ tử cung, bác sĩ có thể thấy sản dịch màu đen sậm và có mùi hôi.
Những biểu hiện trên là dấu hiệu của bế sản dịch, khi phát hiện các triệu chứng này, sản phụ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
3. Nguyên nhân dẫn đến bế sản dịch sau sinh
Bế sản dịch sau sinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Sinh mổ: So với sinh thường, sản phụ sinh mổ thường mất nhiều máu hơn, và tử cung có khả năng co bóp kém hơn, dẫn đến tình trạng sản dịch không được đẩy hết ra ngoài.
- Mất máu nhiều trong lúc sinh: Mặc dù việc mất máu trong quá trình sinh là bình thường, nhưng khi mất máu quá nhiều, tử cung sẽ không thể co bóp hiệu quả để đẩy sản dịch ra ngoài làm tăng nguy cơ bế sản dịch.
- Biến chứng sau sinh: Những trường hợp sản phụ mang thai to, đa thai, đa ối, hoặc quá trình chuyển dạ kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng co bóp của tử cung, dẫn đến tình trạng bế sản dịch sau khi sinh.
- Chăm sóc sau sinh không tốt: Sau khi sinh, nếu sản phụ ít đi lại, ít vận động, hoặc vệ sinh âm đạo không sạch, nguy cơ nhiễm trùng và tắc nghẽn sản dịch sẽ tăng cao.
- Tử cung có khối u: Những mẹ có khối u trong tử cung cũng dễ gặp phải tình trạng bế sản dịch do khả năng co bóp của tử cung bị hạn chế.
- Cổ tử cung bị đóng kín sớm: Làm cho sản dịch không thoát ra ngoài, dẫn đến tình trạng bế sản dịch.
4. Bế sản dịch có nguy hiểm không?
Bế sản dịch là một tình trạng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là khi không được can thiệp sớm. Các biến chứng bao gồm:
- Nhiễm khuẩn máu: Do sản dịch bị ứ đọng và nhiễm trùng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm.
- Rối loạn đông máu: Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, gây khó khăn trong việc kiểm soát chảy máu.
- Chảy máu không cầm: Khi sản dịch không được thoát ra ngoài, tử cung có thể bị tổn thương, dẫn đến chảy máu kéo dài và khó cầm.
- Cắt bỏ tử cung: Trong trường hợp nặng, nếu không điều trị kịp thời, tử cung có thể bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến việc phải cắt bỏ tử cung để bảo vệ tính mạng của sản phụ.
Do vậy, sau khi sinh sản phụ cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe Nếu có các dấu hiệu bất thường như sốt, đau bụng hoặc sản dịch có mùi hôi, cần đi khám ngay để được điều trị đúng cách và kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
5. Điều trị bế sản dịch sau sinh bằng phương pháp gì?
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bế sản dịch sau sinh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
5.1. Sử dụng thuốc kích thích co bóp tử cung
Thường được chỉ định khi tắc nghẽn sản dịch do tử cung co bóp kém. Bác sĩ sẽ chỉ định cho sản phụ dùng thuốc để tử cung co bóp mạnh hơn, giúp đẩy hết sản dịch ra ngoài một cách tự nhiên.
5.2. Nong cổ tử cung
Bác sĩ sẽ thực hiện việc nong cổ tử cung bằng dụng cụ y khoa để giúp sản dịch ứ đọng trong tử cung thoát ra ngoài.
5.3. Hút dịch tử cung
Bác sĩ sử dụng một ống hút chuyên dụng để loại bỏ sản dịch bị ứ đọng.
Ngoài ra, việc chọn cơ sở y tế uy tín cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị.
Qua bài viết trên, chúng ta đã cùng tìm hiểu bế sản dịch là gì và những thông tin quan trọng liên quan đến hiện tượng này. Nhận biết sớm các dấu hiệu để thăm khám và điều trị sẽ giúp các mẹ an tâm hơn trong quá trình hồi phục sau sinh.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.