Phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng là một phương pháp hữu ích cho những ai đã thắt ống dẫn trứng nhưng muốn thay đổi quyết định và mang thai lại. Trong quá trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành nối lại ống dẫn trứng, cho phép phụ nữ có thể có thai tự nhiên trở lại. Cùng tìm hiểu chi tiết về phương pháp trong bài viết sau nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Th.S BS Nguyễn Thị Tâm Lý, chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, tại Vinmec Times City.
1. Phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng là gì?
Trong quá trình phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng, bác sĩ sẽ tiến hành mở, tháo hoặc nối lại ống dẫn trứng, nhằm khôi phục khả năng có thai tự nhiên cho người phụ nữ. Thông thường, phương pháp này thích hợp cho những trường hợp chỉ cắt một phần nhỏ của ống dẫn trứng hoặc nếu ống dẫn trứng bị đóng kín bằng vòng, kẹp.
Theo các chuyên gia, những người phụ nữ dưới 40 tuổi đã thực hiện thắt ống dẫn trứng ngay sau khi sinh con là những đối tượng lý tưởng cho thủ thuật này.
2. Chuẩn bị trước khi làm phẫu thuật như thế nào?
Trước phẫu thuật bệnh nhân cần thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát để đảm bảo rằng không có vấn đề gì ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau khi tiến hành phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng.
Quy trình khám sức khỏe tổng quát bao gồm xét nghiệm nội tiết và siêu âm để đảm bảo rằng buồng trứng của người phụ nữ hoạt động tốt. Người thực hiện phẫu thuật cũng sẽ được yêu cầu chụp X-Quang tử cung vòi trứng (HSG) để kiểm tra độ dài và cấu trúc của các ống dẫn trứng còn lại.
Người chồng nên thực hiện các xét nghiệm như kiểm tra số lượng tinh trùng và phân tích tinh dịch để loại trừ các vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai tự nhiên.
3. Cách thực hiện thủ thuật
Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là vi phẫu nối lại ống dẫn trứng qua nội soi. Trước khi thực hiện phẫu thuật, phụ nữ sẽ được gây mê để đảm bảo không cảm nhận đau đớn trong suốt quá trình can thiệp.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng một camera nội soi nhỏ có đèn chiếu sáng đưa vào ổ bụng thông qua 1 vết rạch nhỏ tại rốn để xem tình trạng ống dẫn trứng của bệnh nhân. Qua quá trình này, bác sĩ quyết định có thể thực hiện phẫu thuật đảo ngược hay không.
Nếu quyết định thực hiện phẫu thuật đảo ngược thắt ống ống dẫn trứng, bác sỹ sẽ đưa các dụng cụ nội soi vào ổ bụng thông qua 2 vết rạch nhỏ tại vùng bụng dưới để loại bỏ kẹp hoặc vòng thắt ống dẫn trứng và nối lại hai đầu của ống dẫn trứng với các mũi khâu rất nhỏ. Thời gian thực hiện phẫu thuật thường mất khoảng 2 đến 3 giờ.
4. Thời gian phục hồi
Thời gian phục hồi sau phẫu thuật phụ thuộc vào phương pháp can thiệp. Đảo ngược thắt ống dẫn trứng thường là một ca phẫu thuật khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn so với quá trình thắt ống dẫn trứng ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay, phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng thường được thực hiện thông qua kỹ thuật “vi phẫu”. Nhiều phụ nữ có thể xuất viện trong ngày ngay sau khi hoàn tất phẫu thuật. Hầu hết phụ nữ có thể hoạt động lại bình thường trong vòng 2 tuần sau phẫu thuật.
5. Tỷ lệ mang thai thành công sau cuộc phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng
Nếu ống dẫn trứng của nữ giới vẫn khỏe mạnh và cả hai vợ chồng đều không có vấn đề gây vô sinh nào khác, khả năng mang thai sau khi thực hiện thủ thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng là khả quan. Tuy nhiên, hiệu quả của phẫu thuật đối với mỗi trường hợp sẽ khác nhau.
Tuổi tác là một yếu tố quan trọng để xác định khả năng mang thai sau khi đảo ngược thắt ống dẫn trứng. Phụ nữ lớn tuổi thường có tỷ lệ thành công thấp hơn so với phụ nữ trẻ tuổi. Tổng thể, tỷ lệ mang thai thành công sau khi phẫu thuật dao động từ 40% đến 85%. Quá trình mang thai thường diễn ra vào năm đầu tiên sau phẫu thuật.
Ngoài tuổi tác, khả năng mang thai sau khi đảo ngược thắt ống dẫn trứng còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như loại phẫu thuật thắt ống dẫn trứng đã thực hiện, chiều dài và tình trạng của ống dẫn trứng còn lại, mức độ mô sẹo trong vùng tiểu khung, số lượng tinh trùng và các xét nghiệm sinh sản khác, cũng như kỹ thuật của bác sĩ phẫu thuật.
Để đảm bảo ống dẫn trứng hoạt động bình thường, bệnh nhân cần chụp X-Quang tử cung – vòi trứng HSG (hysterosalpingogram) khoảng 3 đến 4 tháng sau phẫu thuật.
6. Biến chứng và rủi ro có thể xảy ra
Mọi cuộc phẫu thuật đều có những rủi ro tiềm ẩn. Mặc dù hiếm gặp, nhưng người phụ nữ vẫn có khả năng xảy ra các vấn đề như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan lân cận, hoặc phản ứng dị ứng với thuốc gây mê.
Ngoài ra, quá trình thực hiện thủ thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng cũng làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung – một tình trạng có thể đe dọa tính mạng của người phụ nữ khi trứng đã thụ tinh và phát triển bên ngoài tử cung. Cuối cùng, thủ thật này có nguy cơ hình thành mô sẹo tại khu vực thực hiện phẫu thuật, gây tắc nghẽn ống dẫn trứng một lần nữa.
7. Các lựa chọn thay thế
Phụ nữ có thể cân nhắc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Với phương pháp này, trứng và tinh trùng sẽ được thụ tinh tạo phôi bên ngoài cơ thể, sau đó phôi sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ để tiếp tục phát triển.
IVF cũng là một lựa chọn hữu ích khi phụ nữ không thể mang thai sau khi đã thực hiện phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.