Suy tim là một bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Bệnh được phân thành nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng, với các triệu chứng tiến triển dần. Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết về các cấp độ suy tim và cách nhận biết mức độ nặng, nhẹ của từng giai đoạn, giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và khoa học về tình trạng sức khỏe này.
Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu. Đây được biết đến là một hội chứng lâm sàng phức tạp. Hệ thống tim mạch của bệnh nhân không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào khiến người bệnh mệt mỏi và khó thở, một số người bị ho. Các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hoặc mang vác đồ có thể trở nên khó khăn hơn. Khi bệnh nhân gắng sức, có thể xuất hiện tình trạng ứ dịch dẫn đến xung huyết phổi và phù ngoại vi.
Triệu chứng của suy tim
Các biểu hiện khi mắc bệnh có thể khác nhau ở mỗi người. Chúng có thể bắt đầu đột ngột hoặc phát triển dần dần trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Các triệu chứng phổ biến nhất của suy tim là:
- Khó thở: Có thể xảy ra ngay sau khi người bệnh hoạt động hoặc nghỉ ngơi; nặng hơn là khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm khiến người bệnh thức dậy.
- Mệt mỏi: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu sức hầu trong hầu hết thời gian;
- Sưng chân và mắt cá chân: Do tình trạng tích nước, có thể nhẹ vào buổi sáng và nặng hơn vào cuối ngày.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Ho dai dẳng có thể nặng hơn vào ban đêm; có khi ho ra máu hay bọt hồng
- Thở khò khè;
- Đầy hơi;
- Ăn mất ngon;
- Tăng cân hoặc sụt cân;
- Chóng mặt và ngất xỉu;
- Nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim hoặc đánh trống ngực;
- Một số bệnh nhân cũng có thể cảm thấy trầm cảm và lo lắng, mất ngủ.
Nguyên nhân của bệnh suy tim
Về cơ bản, có thể phân loại nguyên nhân của bệnh theo 2 nguyên nhân chính bên dưới.
Do bệnh lý tại tim:
- Bệnh van tim
- Bệnh cơ tim: Bệnh tim có tim phì đại, bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim hạn chế, bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ (bệnh mạch vành mạn tính)…
- Bệnh màng ngoài tim: Viêm màng ngoài tim…
- Bệnh tim cấu trúc: Bệnh tim bẩm sinh
Do bệnh ngoài tim dẫn đến suy tim:
- Bệnh nội tiết (Basedow, suy giáp, đái tháo đường…)
- Tăng huyết áp (Vô căn, do bệnh thận, U tuyến thượng thận, hẹp eo động mạch chủ…)
- Bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn (COPD) hen phế quản…
- Gù vẹo cột sống…
Các giai đoạn của suy tim
Hiện nay, có nhiều tiêu chí để phân độ suy tim từ nặng đến nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, trên thế giới cũng như tại Việt Nam thì suy tim thường được phân độ theo Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (NYHA). Theo NYHA, việc phân độ suy tim sẽ dựa vào mức độ hoạt động thể lực cũng như triệu chứng khó thở của bệnh nhân.
Dựa vào mức độ khó thở phân độ theo NYHA:
- Suy tim độ 1: Đây là giai đoạn suy tim nhẹ nhất, người bệnh hầu hết vẫn hoạt động thể lực và sinh hoạt một cách bình thường, không có các triệu chứng của suy tim như khó thở, mệt mỏi, hồi hộp kể cả khi hoạt động gắng sức. Đây là giai đoạn khó phát hiện nhất.
- Suy tim độ 2: Đây là giai đoạn suy tim nhẹ, các hoạt động thể lực và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân sẽ có những hạn chế, giới hạn nhất định. Người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hoàn toàn, không xuất hiện các triệu chứng khó chịu khi nghỉ ngơi, khi không làm việc nặng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có các hoạt động gắng sức, cần vận động nhiều thì thấy khó thở, mệt mỏi, hồi hộp đánh trống ngực.
- Suy tim độ 3: Đây là giai đoạn suy tim ở mức trung bình. Ở mức độ này, người bệnh đã bị hạn chế khá nhiều trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Khi bệnh nhân vận động gắng sức nhẹ thì các triệu chứng của suy tim sẽ xuất hiện như khó thở, mệt mỏi, hồi hộp và nếu bệnh nhân nghỉ ngơi thì các triệu chứng được thuyên giảm. Nếu suy tim độ 3 thì bệnh nhân đa số phải nhập viện điều trị thường xuyên.
- Suy tim độ 4: Đây là giai đoạn suy tim nặng nhất. Bất kỳ vận động hay sinh hoạt hằng ngày nào, dù là rất nhẹ hay kể cả khi nghỉ ngơi thì người bệnh vẫn thấy mệt mỏi, khó thở. Do đó, hoạt động thể lực bị hạn chế toàn bộ, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ngoài ra, suy tim cũng được phân độ theo mức độ khó thở và cũng tương ứng với phân độ của NYHA:
- Giai đoạn 0: không khó thở khi gắng sức (Suy tim độ 0).
- Giai đoạn 1: khó thở khi gắng sức (Suy tim độ 1).
- Giai đoạn 2: không cần gắng sức cũng cảm thấy khó thở (Suy tim độ 2).
- Giai đoạn 3: khó thở trong các hoạt động nhẹ nhàng thường ngày như đánh răng, rửa mặt (Suy tim độ 3).
- Giai đoạn 4: khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi (Suy tim độ 4).
Dựa vào diễn biến, tiến triển nguy cơ, biểu hiện lâm sàng phân theo giai đoạn: A- B – C – D
- Giai đoạn A: Nguy cơ suy tim, không có bệnh tim thực tổn hoặc triệu chứng suy tim như có bệnh tăng HA, đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch vành…
- Giai đoạn B: Có bệnh tim thực tổn nhưng không có triệu chứng suy tim ví dụ như có bệnh van tim, bệnh tim cấu trúc như thông liên nhĩ…
- Giai đoạn C: Có bệnh tim thực tổn hiện tại hoặc trước kia nhưng có triệu chứng suy tim, điều trị nội khoa có đáp ứng.
- Giai đoạn D: Suy tim kháng trị liệu, điều trị nội khoa không đáp ứng, cần can thiệp đặc biệt như ghép tim.
Suy tim là một trong những vấn đề tim mạch nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh được gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau và là hội chứng lâm sàng phức tạp. Vì vậy, nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào kể trên, bạn cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để tiến hành thăm khám, chẩn đoán kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.