1. Bị cận không đeo kính có sao không?
Cận thị là tình trạng mắt chỉ nhìn thấy rõ những sự vật ở gần và không nhìn rõ những sự vật ở khoảng cách xa. Đeo kính là cách giúp mắt điều tiết và cải thiện tầm nhìn cho người bệnh. Một vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay là “bị cận không đeo kính có sao không”. Câu trả lời là phụ thuộc vào từng độ tuổi mà mức độ quan trọng của việc đeo kính cận cũng sẽ khác nhau, cụ thể như sau:
– Với những trường hợp bị cận và dưới 18 tuổi: Lúc này, mắt vẫn chưa phát triển một cách toàn diện. Chính vì thể, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên vẫn có thể tăng độ cận từ -0.5 đến -1 đi-ốp trong vòng một năm. Ở những trường hợp này, người bị cận nên đeo kính để phòng ngừa tình trạng cận thị ngày càng tiến triển nặng hơn. Tuy nhiên, sự cần thiết của thói quen đeo kính cận còn phụ thuộc vào độ cận.
Trẻ em có thể tăng độ cận do mắt chưa phát triển toàn diện
+ Nếu bị cận -0.25 đi-ốp: Thông thường, mức độ cận này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và sinh hoạt do đó, bạn không cần đeo kính.
+ Cận -0.5 đi-ốp: Nếu bạn cảm thấy tầm nhìn của mình không bị ảnh hưởng nhiều thì có thể không đeo kính. Tuy nhiên, nếu nhìn sự vật hơi mờ, bạn nên đeo kính.
+ Cận -1 đi-ốp: Những trường hợp này nên đeo kính khi nhìn sự vật ở xa. Đây là cách giúp mắt điều tiết tốt hơn, hạn chế gây đau mỏi mắt và phòng ngừa tăng độ cận.
+ Cận -1.5 đi-ốp trở lên: Bạn nên đeo kính thường xuyên trong tất cả các hoạt động sinh hoạt, để hạn chế tăng độ nhanh và những biến chứng nguy hiểm.
– Đối với những người cận thị và trên 18 tuổi: Sau 18 tuổi, độ cận thị sẽ dần ổn định và cho đến năm 25 tuổi, bạn sẽ ít có nguy cơ tăng độ cận. Do đó, khi qua độ tuổi này, bạn có thể không cần đeo kính thường xuyên. Cụ thể:
+ Độ cận dưới -1 đi-ốp: Bạn có thể không cần đeo kính thường xuyên mà chỉ cần đeo khi nhìn xa. Đây cũng là cách giúp bạn không bị phụ thuộc vào kính.
Sau tuổi 25 độ cận gần như không thay đổi
+ Cận trên -1 đi-ốp: Đeo kính khi phải làm việc với máy tính, sách vở thường xuyên. Nếu cận trên 2 đi-ốp, bạn nên đeo kính liên tục.
Nên đeo kính thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày hay khi học tập, nhất là trong những trường hợp cần nhìn mọi vật ở xa.
Những trường hợp cần thường xuyên đeo kính nhưng lại không đeo trong suốt một thời gian dài sẽ khiến cho mắt phải điều tiết nhiều hơn, dễ bị khô mắt, mỏi mắt, tăng nguy cơ biến chứng. Cụ thể:
– Tầm nhìn giảm: Nếu không đeo kính, người bệnh sẽ cần phải đưa sự vật đến gần mắt mới có thể quan sát được, nhất là với những trường hợp cận trên 2 đi-ốp.
– Tăng độ cận nhanh chóng: Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể bị tăng độ cận hơn 2 đi-ốp/năm. Theo thời gian, đôi mắt của bạn cũng sẽ bị yếu đi một cách rõ rệt.
– Nhược thị: Với những trường hợp bị cận lệch thì việc không đeo kính có thể dẫn đến nhược thị. Nếu xảy ra tình trạng này, dù bạn có phẫu thuật thì vẫn không thể cải thiện thị lực.
2. Một số sai lầm khi đeo kính cận
Ngoài thắc mắc “bị cận không đeo kính có sao không”, người cận thị cũng cần tìm hiểu rất nhiều thông tin cần thiết khác. Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khi đeo kính cận:
– Đeo kính không đúng độ: Đây là lý do khiến mắt mệt mỏi, thường xuyên phải điều tiết để có thể nhìn rõ sự vật. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến tăng độ cận và làm suy giảm thị lực. Chính vì thế, người bị tật cận thị nên lưu ý đến việc khám mắt định kỳ 6 tháng/lần. Trong trường hợp thấy mắt có biểu hiện bất thường, không nên chờ đến lịch khám mà bạn cần đi khám sớm để được bác sĩ kiểm tra xem mắt có bị tăng độ cận hay không và cắt kính mới phù hợp.
– Dùng kính chung với người khác: Tình trạng mắt của mỗi người là khác nhau. Một số người không chỉ bị cận thị mà còn kèm theo tình trạng lệch độ, lão thị và loạn thị. Chính vì thế, bạn không nên dùng chung kính với người khác. Thói quen này có thể gây nguy hiểm cho mắt.
– Dùng kính kém chất lượng cũng khiến mắt phải làm việc nhiều hơn và gây mỏi mắt, đau mắt. Lời khuyên cho bạn là hãy lựa chọn mua kính mắt tại những bệnh viện và cửa hàng kính uy tín. Bạn cũng nên lưu ý khi chọn tròng kính. Hãy lựa chọn kính chống ánh sáng xanh, tia cực tím và chống chói vì mắt cận vốn yếu hơn mắt bình thường.
3. Những lưu ý khi chăm sóc mắt cận
Người bị cận thị nên lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc mắt. Cụ thể như sau:
– Đeo kính đúng với độ cận, nhất là những trường hợp 2 mắt có độ cận thị lệch nhau. Bên cạnh đó, cần thực hiện thời gian đeo kính theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Thường xuyên khám mắt để theo dõi tình trạng mắt, phát hiện sớm bất thường và điều trị kịp thời.
– Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử: Máy tính và điện thoại là những thiết bị rất quen thuộc và cần thiết trong sinh hoạt và công việc. Tuy nhiên, bạn nên cố gắng hạn chế sử dụng những thiết bị này quá lâu nếu đặc thù công việc không cần đến. Trường hợp phải làm việc với máy tính trong một thời gian dài, bạn hãy thực hiện thư giãn mắt sau 30 đến 60 phút sử dụng. Đây là mẹo nhỏ nhưng rất hữu ích để hạn chế nguy cơ tăng độ cận.
Bạn nên hạn chế dùng điện thoại để bảo vệ mắt
– Bổ sung dưỡng chất cho mắt, đặc biệt nên tăng cường ăn những thực phẩm có chứa vitamin A, B, C, kẽm để tăng cường sức khỏe mắt.
– Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính chống tia UV, tránh tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bẩn, dùng thuốc nhỏ mắt,…
– Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như sắp xếp thời gian làm việc và học tập hợp lý, đảm bảo môi trường làm việc có đủ ánh sáng và thường xuyên vận động thể chất.
– Ngủ đủ giấc để mắt được nghỉ ngơi, thư giãn.
Người bị cận cần đi khám mắt thường xuyên
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn tìm được lời giải đáp cho thắc mắc “bị cận không đeo kính có sao không”, đồng thời là một số hướng dẫn chăm sóc mắt cận. Nếu cần được tư vấn thêm hoặc muốn đặt lịch khám mắt, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.