Ung thư cổ tử cung: Thực trạng, nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa

1. Ung thư cổ tử cung và thông tin tổng quan

1.1 Ung thư cổ tử cung là gì? 

Ung thư cổ tử cung được hiểu là bệnh lý được gây ra bởi những bất thường và sự phát triển không kiểm soát của tế bào trong cổ tử cung và tạo ra khối u trong cổ tử cung.

1.2 Thực trạng bệnh lý ung thư cổ tử cung 

Hiện nay, ung thư cổ tử cung được coi là mối đe dọa sức khỏe hàng đầu đối với nữ giới trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, trên toàn thế giới có 500.000 ca mắc mới và 250.000 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung. Những con số đáng báo động này được thống kê tại Việt Nam lần lượt là 4.123 và 2.223.

Ung thư cổ tử cung gây ra những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe phụ nữ
Ung thư cổ tử cung gây ra những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe phụ nữ

Đáng lo ngại, ước tính đến năm 2030, trên toàn cầu có 443.000 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung, con số này gấp đôi so với số ca tử vong liên quan đến các tai biến sản khoa.

1.3 Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung 

Nhiễm virus HPV được xác định là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung (90 – 100% ung thư cổ tử cung có HPV dương tính), trong đó HPV 16 và HPV 18 là hai chủng nguy cơ cao gây ra 70% tổng số ca ung thư cổ tử cung. Trong đó:

  • HPV 18 có liên quan đến ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô kém biệt hóa cổ tử cung;
  • HPV 16 có liên quan đến ung thư biểu mô sừng hóa (tỷ lệ tái phát thấp hơn).

Ngoài ra, một số yếu tố dưới đây được xác định có liên quan tới ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Hệ miễn dịch yếu: Phụ nữ có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ cao hơn mắc ung thư cổ tử cung. Tình trạng này có thể gặp ở các đối tượng mắc HIV/AIDS hoặc do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Hút thuốc lá: Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung. Điều này được lý giải bằng việc thuốc lá chứa chất độc làm tổn thương tế bào ở cổ tử cung.
  • Bắt đầu quan hệ tình dục sớm: Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên trước 20 tuổi làm tăng nguy cơ nhiễm HPV nói riêng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nói chung.
  • Thuốc tránh thai: Nghiên cứu cho thấy đối với những phụ nữ uống thuốc tránh thai kéo dài làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
  • Chế độ ăn uống và lối sống: Chế độ ăn uống kém, thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A, C, E, cũng như thiếu acid folic có thể làm tăng nguy cơ.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn người bình thường nếu gia đình có người mắc ung thư cổ tử cung.

Các yếu tố nguy cơ khác

  • Có nhiều bạn tình, số lượng bạn tình càng nhiều thì nguy cơ bị nhiễm virus càng cao;
  • Phụ nữ mang thai nhiều lần hoặc mang thai khi dưới 20 tuổi;
  • Sự chênh lệch mức độ phát triển kinh tế xã hội khiến đối tượng phụ nữ tại một số khu vực không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ, bao gồm sàng lọc ung thư cổ tử cung.

2. Nhận biết ung thư cổ tử cung bằng dấu hiệu nào? 

Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng khi bệnh tiến triển, có thể xuất hiện một số dấu hiệu nhận biết.

Dưới đây là dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà phụ nữ cần lưu ý:

2.1 Chảy máu âm đạo bất thường

Chảy máu không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu bất thường sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh.

2.2 Dịch âm đạo bất thường

Dịch âm đạo có mùi hôi, màu sắc khác thường (như màu vàng hoặc nâu) hoặc có lẫn máu.

2.3 Đau khi quan hệ tình dục

Khi quan hệ tình dục xuất hiện cảm giác đau hoặc khó chịu.

2.4 Đau vùng chậu

Đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng chậu, tình trạng này có thể kéo dài.

Đau vùng chậu là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung
Đau vùng chậu là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

2.5 Sụt cân không rõ nguyên nhân 

Sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân, kèm theo tình trạng cơ thể mệt mỏi kéo dài.

2.6 Tiểu tiện bất thường

Có cảm giác đau buốt khi đi tiểu hoặc tiểu ra máu.

2.7 Đau lưng và đau chân

Đau lưng dưới kéo dài, không rõ nguyên nhân.

2.8 Các dấu hiệu khác

  • Thường xuyên mệt mỏi;
  • Đi tiểu liên tục;
  • Kinh nguyệt bất thường: Kéo dài và số lượng máu kinh nhiều.

3. Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả 

Theo chuyên gia Y tế, ung thư cổ tử cung có khả năng chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn tiền). Do đó, việc phòng ngừa đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và hạn chế mối đe dọa của bệnh ngay từ những giai đoạn đầu, cụ thể bằng những biện pháp sau:

3.1 Tiêm vắc xin HPV

Thông qua việc phát triển khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại virus HPV, việc tiêm vắc xin HPV giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan.

Tiêm vắc xin HPV là biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Tiêm vắc xin HPV là biện pháp phòng ngừa hiệu quả

3.2 Quan hệ tình dục an toàn

Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, giảm số lượng bạn tình.

3.3 Tránh hút thuốc lá

Hút thuốc lá được xác định là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc.

3.4 Duy trì lối sống lành mạnh

Ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.

3.5 Hạn chế tình trạng căng thẳng 

Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, vì vậy hãy tìm cách kiểm soát và hạn chế tình trạng này thông qua các bộ môn như thiền, yoga hoặc các hoạt động giải trí.

3.6 Thăm khám và thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ 

Việc chủ động thăm khám và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc giúp phát hiện kịp thời những bất thường ở tế bào cổ tử cung cũng như những nguy cơ dẫn đến ung thư.

Thực tế cho thấy vai trò quan trọng của việc thực hiện thăm khám và sàng lọc định kỳ. Tuy nhiên, quá trình này còn gặp phải nhiều thách thức và rào cản đến từ sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế – văn hóa, hệ thống y tế phát triển không đồng đều và tâm lý e ngại của chị em phụ nữ khi đến trực tiếp các cơ sở y tế.

 

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo