1. Thông tin khái quát về Trimebutine
Thuốc Trimebutine chứa thành phần cơ bản là hoạt chất Trimebutine. Loại thuốc này hiện được xếp vào nhóm thuốc chống co thắt. Dạng bào chế và hàm lượng của Trimebutine tương đối đa dạng. Cụ thể như:
- Dạng viên nén và viên nén có bao phim: Hàm lượng 100mg và 200mg.
- Dạng dung dịch tiêm: Hàm lượng 50mg/ml.
- Dạng dung dịch bổ sung theo đường ống: Hàm lượng 4.8mg/ml×250ml hoặc 4.8mg/ml × 125ml.
2. Công dụng của Trimebutine
Tác dụng chính của thuốc Trimebutine là giúp điều hòa hoạt động của nhu động dạ dày. Ngoài ra, loại thuốc này còn hỗ trợ phòng ngừa co thắt thông qua cơ chế tác động đến Meissner và Auerbach (một mạng lưới thần kinh tại chỗ thuộc khu vực niêm mạc dạ dày tham gia vào quá trình điều hòa hoạt động của đường tiêu hóa).
Điểm đặc biệt của Trimebutine là thuốc có khả năng tương tác hai chiều, đồng thời ức chế và kích thích quá quá trình vận động của đường ruột.
3. Chỉ định và chống chỉ định
3.1. Chỉ định
Trimebutine được chỉ định phổ biến trong điều trị bệnh lý liên quan đến rối loạn chức năng tại đường tiêu hóa. Đơn cử như:
- Điều trị bệnh lý dạ dày tá tràng.
- Điều trị giảm triệu chứng khó chịu như đầy hơi, khó tiêu, rối loạn chức năng tại ống tiêu hóa.
- Điều trị chứng tắc liệt ruột sau khi thực hiện phẫu thuật ở nhiều người bệnh.
- Điều trị các cơn đau bụng cấp tính, mạn tính ở người bị rối loạn chức năng tại đường ruột, chẳng hạn như hội chứng rối loạn ruột kích thích.
- Hỗ trợ điều trị chứng dạ dày thực quản.
3.2. Chống chỉ định
Trường hợp chống chỉ định của thuốc Trimebutine bao gồm:
- Người bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong Trimebutine.
- Trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
4. Liều dùng và cách dùng Trimebutine
4.1. Liều dùng
Liều dùng Trimebutine cụ thể được điều chỉnh dựa vào tình trạng bệnh lý, độ tuổi của từng bệnh nhân. Trong đó:
- Ở người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi: Liều lượng tương đương 300mg/ngày, tương ứng 3 viên, chia thành 3 lần uống/ngày, mỗi lần uống 1 viên. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được điều chỉnh tăng liều nhưng không quá 600mg/ngày.
- Ở trẻ em: Liều dùng Trimebutine vào khoảng 5ml/kg/ngày.
Lưu ý, phần hướng dẫn về liều lượng sử dụng Trimebutine cho người trưởng thành và trẻ em trên đây chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho tư vấn của bác sĩ. Vì vậy cho mọi trường hợp, bạn không nên tự ý dùng Trimebutine nếu chưa kiểm tra sức khỏe cụ thể, chưa tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên môn.
4.2. Cách dùng
Với Trimebutine điều chế theo dạng viên nén, thời điểm thích hợp để uống thuốc này trước bữa ăn. Thời gian dùng thuốc thường là từ 3 cho đến 7 ngày. Theo đó, nếu không xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng, thời gian dùng thuốc có thể kéo dài trong 7 ngày.
5. Tác dụng phụ của Trimebutine
Tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Trimebutine phải kể đến là:
- Hôi miệng.
- Khô miệng.
- Đi ngoài ra phân lỏng hay tiêu chảy.
- Khó tiêu.
- Táo bón.
- Cảm thấy buồn nôn.
- Xuất hiện cơn đau tại vùng thượng vị.
- Cơ thể mệt mỏi, hay buồn ngủ.
- Chóng mặt.
- Đau nhức đầu.
- Da bị mẩn đỏ, ngứa ngáy, sưng phù.
Bên cạnh đó trong một số trường hợp, người dùng thuốc còn đối mặt với một vài vấn đề như đau tại vùng vú, thính lực suy giảm nhẹ, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, khó đi tiểu, men gan tăng, tức ngực,… Trường hợp nhận thấy tác dụng phụ có xu hướng diễn biến nghiêm trọng, bạn phải trao đổi ngay với bác sĩ hoặc tìm đến cơ sở y tế để kiểm tra.
6. Lưu ý khi dùng thuốc Trimebutine
6.1. Tương tác của thuốc
Trimebutine dễ khiến người bệnh gặp phải nhiều tác dụng phụ khi kết hợp cùng những loại thuốc dưới đây:
- Thuốc nhóm Benzodiazepine khiến hệ thần kinh trung ương có nguy cơ bị ức chế khi kết hợp cùng Trimebutine.
- Các loại thuốc như Acetaminophen, Aceclofenac, Acemetacin,… có khả năng làm chậm tốc độ đào thải, khiến nồng độ Trimebutine tăng.
- Thuốc Acetazolamide sẽ làm giảm tác dụng của Trimebutine.
- Thuốc Acarbose và Acetohexamide khi kết hợp cùng Trimebutine có khả năng gây tình trạng tụt huyết áp.
- Nhịp tim có xu hướng chậm lại khi người bệnh dùng chung Trimebutine và Acebutolol.
6.2. Xử lý khi uống quá liều, quên liều
Sử dụng quá liều đôi khi có thể là nguyên nhân gây tình trạng nhịp tim nhanh hoặc chậm hơn bình thường, buồn ngủ,… Thậm chí trong một số trường hợp, người dùng thuốc còn bị hôn mê, co giật.
Vì vậy ngay khi nhận ra vừa uống quá liều Trimebutine, bạn phải nhanh chóng trao đổi bác sĩ để được hướng dẫn xử lý hoặc tìm đến cơ sở y tế để được hỗ trợ. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh rửa dạ dày, điều trị triệu chứng khi dùng quá liều lượng thuốc Trimebutine.
Còn trong trường hợp quên liều, bạn hãy uống bù nếu kịp nhớ ra. Trường hợp sắp tới lúc phải uống liều tiếp theo như thường lệ, bạn không cần phải uống liều vừa quên.
6.3. Một vài lưu ý khác
Nếu muốn thuốc Trimebutine phát huy hiệu quả, hạn chế rủi ro không đáng có, bạn hãy ghi nhớ những lưu ý quan trọng dưới đây:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều dùng Trimebutine.
- Liệt kê chính xác từng loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng để bác sĩ kịp thời đưa ra tư vấn về cách dùng Trimebutine phù hợp.
- Chú ý lắng nghe cơ thể, phát hiện sớm triệu chứng bất thường, thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý.
- Nếu đang mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chị em tốt nhất không nên dùng Trimebutine.
- Trimebutine dễ gây tình trạng buồn ngủ, mất tập trung. Vì vậy người hay phải vận hành thiết bị máy móc, phương tiện giao thông cần thận trọng khi dùng thuốc.
- Không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá trong thời gian điều trị bằng thuốc Trimebutine.
- Tuyệt đối không uống gấp đôi liều Trimebutine trong cùng một lần.
- Không dùng thuốc khi đã hết hạn.
- Bảo quản thuốc tại môi trường khô ráo, nhiệt độ không quá 30 độ C.
Thuốc Trimebutine có tác dụng chống co thắt, thường dùng trong điều trị một vài bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Tuy nhiên nếu dùng quá liều, không đúng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ.
Vì vậy thay vì tự ý dùng Trimebutine hay những loại thuốc tương tự tại nhà, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe. Nếu chưa biết nên chọn địa chỉ y tế nào uy tín, bạn hãy tìm đến Chuyên khoa Tiêu hóa.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.