Trĩ ngoại: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Trĩ ngoại: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Trĩ ngoại là một bệnh lý phổ biến và gây nên cảm giác đau đớn khó chịu, cản trở các hoạt động thường ngày của bệnh nhân. Bệnh trĩ đặc biệt ngày càng trở nên phổ biến hơn bởi thói quen lười đi đại tiện, ngồi một chỗ thời gian dài hay chế độ dinh dưỡng nghèo chất xơ,… Trong bài viết này, hãy cùng Bác sĩ Hoa tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh, từ đó có cách điều trị và phòng ngừa trĩ ngoại phù hợp nhé!

Tìm hiểu chung

Bệnh trĩ ngoại là gì?

Bệnh trĩ là tình trạng những búi trĩ (cục u) xuất hiện bên trong hoặc xung quanh hậu môn (ở đoạn sau). Trĩ đôi khi được mô tả là tình trạng giãn tĩnh mạch ở hậu môn, xảy ra khi có một điểm yếu ở một bên ống hậu môn dẫn đến làm dày lớp niêm mạc. Các tĩnh mạch ở hậu môn có thể sưng lên, hình thành trĩ và kéo theo nhiều triệu chứng như chảy máu, đau đớn và khó chịu.

Bệnh trĩ chia thành trĩ nội và trĩ ngoại. Trong đó, bệnh trĩ nội hình thành ngay bên trong hậu môn, còn bệnh trĩ ngoại lại hình thành bên ngoài hậu môn.

Bệnh trĩ ngoại xảy ra dưới dạng cục u bên ngoài hậu môn. Máu bên trong những búi trĩ này có thể đông lại (cục máu đông) và các cục u có thể trở nên rất đau đớn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của trĩ ngoại

triệu chứng bệnh trĩ ngoại

Các triệu chứng của bệnh trĩ ngoại có thể bao gồm: 

  • Ngứa hoặc kích ứng ở vùng hậu môn 
  • Một hoặc nhiều cục cứng, mềm ở gần hậu môn 
  • Đau hậu môn, đặc biệt là khi ngồi 
  • Đi ngoài ra máu hoặc nhìn thấy máu trên giấy vệ sinh, bồn cầu. 

Các hoạt động cọ xát, vệ sinh hậu môn hay làm căng cơ có thể khiến cho triệu chứng của trĩ ngoại trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, với một số bệnh nhân, các triệu chứng của bệnh trĩ ngoại thường sẽ biến mất trong một vài ngày.

Nguyên nhân

Nguyên nhân trĩ ngoại là gì?

Trĩ ngoại thường được hình thành khi có quá nhiều áp lực lên các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Bệnh trĩ thường do táo bón (đi tiêu khó khăn), gây căng thẳng khi đi vệ sinh. Điều này tạo áp lực lên các mạch máu ở hậu môn, khiến chúng sưng lên và hình thành trĩ.

nguyên nhân trĩ ngoại

Nguyên nhân có thể xuất phát từ một số thói quen hoặc nguyên nhân bệnh lý sau đây: 

  • Chế độ ăn ít chất xơ
  • Táo bónhoặc tiêu chảy mãn tính
  • Căng thẳng khi đi tiêu
  • Ngồi trong nhà vệ sinh trong thời gian dài
  • Béo phì (thừa cân)
  • Sự suy yếu của các mô hỗ trợ hậu môn và trực tràng, thường gặp ở người lớn tuổi hoặc phụ nữ mang thai
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
  • Thường xuyên nâng vật nặng.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán trĩ ngoại?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng đang gặp phải và tiến hành kiểm tra trực tràng để tìm kiếm các mạch máu bị sưng. Tùy vào kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm chẩn đoán trĩ như sau:

  • Kiểm tra trực tràng bằng ngón tay: Bác sĩ sẽ đeo găng tay và bôi trơn ngón tay trước khi đưa vào bên trong trực tràng để cảm nhận các dấu hiệu bất thường. Xét nghiệm này có thể gây khó chịu nhưng thường không đau.
  • Nội soi trực tràng: Bác sĩ sử dụng ống soi trực tràng (vật dụng với ống rỗng có đèn nhỏ ở đầu) để quan sát bên trong trực tràng, giúp tìm kiếm các dấu hiệu sưng tấy hoặc bất thường khác. Nội soi trực tràng cũng có thể gây khó chịu nhưng không đau.
Nhiều người cảm thấy xấu hổ khi đi khám bệnh trĩ. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý khá phổ biến, bệnh nhân nên cởi mở và trung thực chia sẻ triệu chứng với bác sĩ, hợp tác thực hiện các xét nghiệm để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

Những phương pháp điều trị trĩ ngoại

Cách chữa trĩ ngoại tại nhà

Bạn có thể giảm đau (trường hợp trĩ nhẹ), sưng và viêm bằng các phương pháp điều trị tại nhà như:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ.
  • Dùng thuốc làm mềm phân hoặc bổ sung chất xơ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Không rặn khi đi đại tiện.
  • Không ngồi trong nhà vệ sinh trong thời gian dài.
  • Sử dụng các phương pháp kem bôi hay thuốc đặt tại chỗ để giảm đau, sưng và ngứa.
  • Thường xuyên tắm với nước ấm.
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn (aspirin, paracetamol hay ibuprofen) nếu cần để giảm bớt các cơn đau gây khó chịu.

Triệu chứng của bệnh trĩ ngoại có thể thuyên giảm sau một tuần điều trị tại nhà. Tuy nhiên, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn bị đau dữ đội hơn hoặc chảy máu hậu môn.

Các phương pháp điều trị ngoại khoa

cắt trĩ ngoại

Đối với các trường hợp trĩ gây đau đớn dữ dội hoặc chảy máu liên tục, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị như:

  • Phẫu thuật đốt búi trĩ ngoại bằng tia hồng ngoại.
  • Thắt dây cao su (băng) để cắt đứt nguồn cung cấp máu cho búi trĩ, từ đó, làm cho búi trĩ bong ra và đào thải khỏi cơ thể.
  • Liệu pháp xơ hóa, trong đó sử dụng một loại hóa chất tiêm vào búi trĩ, giúp làm giảm cơn đau, cầm máu và làm cho búi trĩ co lại.
  • Phẫu thuật cắt trĩ ngoại thường ít áp dụng hơn, cần thiết cho các trường hợp bệnh trĩ nặng.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa trĩ ngoại?

Bệnh trĩ có thể phòng ngừa bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh. Những thói quen giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa, đồng thời ngăn ngừa bệnh trĩ bao gồm:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ
  • Uống nhiều nước
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Đi đại tiện khi cần, không nhịn quá lâu
  • Tránh ngồi quá lâu và căng thẳng khi đi vệ sinh
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn ít chất béo và hạn chế uống rượu.
Chất xơ hoạt động hiệu quả hơn khi uống đủ nước, giúp ngăn ngừa táo bón và giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ. Vậy nên, bạn đừng quên bổ sung các loại rau xanh, trái cây tươi,… giàu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng cho gia đình.

Như vậy, bài viết trên đây của Bác sĩ Hoa đã tổng hợp các thông tin cơ bản về bệnh trĩ ngoại. Hi vọng đây sẽ là những kiến thức bổ ích giúp bạn bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là chủ động thăm khám và điều trị kịp thời các vấn đề về tiêu hóa nhé!

[embed-health-tool-bmr]
 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo