Di chứng liệt nửa người do tổn thương hệ thần kinh trung ương tạo ra gánh nặng về kinh tế và tinh thần cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người là 1 quá trình giúp cho người bệnh đạt được và duy trì tối đa các cấp độ chức năng về thể chất, giác quan, trí tuệ, tâm thần và xã hội qua đó giúp bệnh nhân tự phục vụ cá nhân, giúp bệnh nhân tự di chuyển, thích nghi với những di chứng còn lại, giúp đỡ bệnh nhân về nghề nghiệp.
1. Phục hồi chức năng là gì?
Phục hồi chức năng là tổng hợp các biện pháp y học, kinh tế xã hội, giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật phục hồi để làm giảm tác động của việc giảm khả năng và tàn tật từ đó giúp người khuyết tật có cơ hội bình đẳng để hội nhập hoặc tái hội nhập xã hội.
Phục hồi chức năng là huấn luyện người khuyết tật thích nghi với môi trường sống, tác động vào môi trường và xã hội, trả lại các chức năng bị giảm hoặc mất và giúp họ xử trí tốt hơn với tình trạng khuyết tật của mình.
Phục hồi chức năng là 1 quá trình với mục đích giúp cho người tàn tật đạt được và duy trì tối đa các cấp độ chức năng về thể chất, giác quan, trí tuệ, tâm thần và xã hội từ đó cung cấp cho người bệnh những công cụ để thay đổi cuộc sống, hướng tới sự độc lập ở mức cao hơn.
2. Mục đích của phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người
Phục hồi chức năng nhằm huấn luyện lại các vận động bình thường mà trước khi liệt người bệnh đã thực hiện được nhằm mục đích:
- Giúp bệnh nhân tự di chuyển, bao gồm cả việc hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các dụng cụ giúp đi lại.
- Giúp bệnh nhân làm được các công việc tự phục vụ mình như đánh răng, tắm rửa, vệ sinh, mặc quần áo,…
- Giúp bệnh nhân thích nghi với các di chứng còn lại.
- Giúp bệnh nhân trở lại với nghề cũ hoặc có nghề mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
3. Nguyên tắc phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người
Phục hồi chức năng phải được bắt đầu càng sớm càng tốt khi bệnh cảnh lâm sàng và tình trạng toàn thân của bệnh nhân cho phép.
Cơ thể con người là một khối thống nhất do đó trong quá trình tập luyện người bệnh và người tập không nên chỉ chú ý đến tay, chân bên bị liệt mà phải chú ý đến toàn bộ cơ thể. Các bài tập cần thực hiện cân xứng cả hai bên, không sử dụng các vận động của bên lành để bù trừ và thay thế cho bên bị liệt.
Tạo cho bệnh nhân chủ động tối đa thầy thuốc chỉ cần trợ giúp khi thật cần thiết.
Bệnh nhân cần tập ở các tư thế khác nhau từ đơn giản đến phức tạp dần, từ dễ đến khó nhằm đưa bệnh nhân ra khỏi giường càng sớm càng tốt.
Khi xuất viện cần được tiếp tục chăm sóc phục hồi chức năng tại cộng đồng để tạo sự hòa nhập với gia đình và xã hội.
4. Các bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người mỗi giai đoạn có các bài tập phục hồi khác nhau phù hợp với tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
4.1 Kỹ thuật vị thế
- Bố trí giường nằm: Nguyên tắc không để bệnh nhân nằm phía bên liệt sát tường.
- Bệnh nhân nằm nghiêng bên liệt, bên lành và nằm ngửa nhằm phòng ngừa thương tật thứ cấp co cứng, co rút.
- Thay đổi tư thế thường xuyên từ 2 – 4 giờ/ lần.
- Không để bệnh nhân nửa nằm nửa ngồi vì nguy cơ loét cùng cụt tăng.
4.2 Tập vận động ở tư thế nằm
Vận động chủ động giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn và có thể tự thực hiện được 1 phần vận động nào đó. Người tập luyện cần lưu ý chuyển đổi ngay phương pháp tập cho phù hợp.
- Tập lăn nghiêng sang phía bên liệt: bệnh nhân dùng tay không liệt nắm lấy cạnh giường bên liệt, dùng chân không liệt để tự xoay mình.
- Tập lăn nghiêng sang phía bên lành: bệnh nhân dùng tay không liệt đưa tay liệt ngang qua thân mình và dùng tay lành nắm lấy thành giường bên không liệt, chui bàn chân không liệt xuống dưới cổ chân liệt rồi xoay người.
- Tập trồi lên: bệnh nhân nằm ngửa, chân lành gập hông và gập gối, tay lành giữ thành giường nâng mạnh người lên.
- Tập trồi xuống: bệnh nhân nằm ngửa, bên lành gập hông và gập gối, tay lành giữ thành giường ấn mạnh xuống, tụt người xuống.
- Tập ngồi không có trợ giúp: bệnh nhân nằm ngửa, tay lành nâng tay liệt đặt lên bụng, bàn tay và khuỷu tay ấn mạnh xuống giường tự ngồi dậy.
- Tập ngồi có trợ giúp: buộc 1 sợi dây vào cuối chân giường, bệnh nhân cầm đầu dây kéo lên tự ngồi dậy.
- Tập ngồi dậy từ tư thế nằm nghiêng phía bên liệt: bệnh nhân dùng tay không liệt chống xuống giường gần chỗ vai liệt, đẩy mình lên đồng thời đẩy hai chân ra khỏi giường ngồi dậy.
- Tập vận động riêng từng khớp: giúp bệnh nhân kiểm soát được vận động riêng của các khớp và phối hợp với nhau để thực hiện các chức năng cụ thể.
4.3 Tập vận động ở tư thế ngồi
- Tập giữ thăng bằng ở tư thế ngồi thẳng, tập ngồi nghiêng sang bên không liệt, tập ngồi nghiêng bên liệt.
- Tập di chuyển từ giường sang ghế, xe lăn và ngược lại.
- Tập vận động tay liệt ở tư thế ngồi: vận động tay liệt với sự trợ giúp của tay lành, gập duỗi vai bên liệt ở các vị trí khác nhau.
- Tập vận động chân liệt ở tư thế ngồi:
- Tập ngồi bắt chéo chân liệt qua chân lành
- Dậm gót chân xuống sàn nhà
- Tập dồn trọng lượng về phía trước và đứng lên khi đang ngồi trên giường, ghế hoặc xe lăn
4.4 Tập vận động ở tư thế đứng và đi
- Tập đứng đồng thời giữ thăng bằng trong thanh song song với sức nặng cơ thể dồn lên 2 chân của bệnh nhân.
- Tập đứng và dồn trọng lượng của cơ thể lần lượt lên từng chân.
- Tập đi trong thanh song song, ngoài thanh song song, tập lên xuống cầu thang.
4.5 Tập các vận động tự chăm sóc bản thân
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh bài tiết, mặc quần áo, ăn uống.
- Hoạt động di chuyển trong nhà, bên ngoài, lên xuống cầu thang, lên xuống dốc, qua đường.
5. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người có kết quả tốt không?
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người đem lại kết quả rất tốt cho người bệnh, giúp người bệnh thực hiện được các vận động bình thường mà trước khi bị liệt người bệnh thực hiện được. Người bệnh có thể thích nghi với các di chứng còn lại và thích nghi với môi trường sống từ đó bệnh nhân có thể tự chăm sóc cho bản thân, trở lại với công việc cũ hoặc có công việc mới phù hợp, giảm được gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Khả năng phục hồi sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí tổn thương và thời điểm bắt đầu phục hồi chức năng cho người bệnh.
- Phục hồi được hoàn toàn thường xảy ra trong 2 hoặc 3 tháng đầu tiên, trong trường hợp này liệt nửa người là tạm thời.
- Tình trạng liệt nhẹ dần, cảm giác vẫn còn thì khả năng phục hồi nhiều nhất vào tháng thứ ba đến tháng thứ 6 và phục hồi tối đa sau một năm.
- 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hồi phục của bệnh nhân là quyết tâm và tính kiên nhẫn của bệnh nhân cùng sự khuyến khích của gia đình bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.