Thời gian bó bột khi bị gãy xương ở mỗi người, mỗi trường hợp sẽ khác nhau. Việc bó bột bao lâu thì tháo, sau 3 tuần có tháo bột được chưa sẽ được bác sĩ đưa ra câu trả lời sau khi kiểm tra tình trạng xương.
Bó bột là một phương thức thường thấy để điều trị các trường hợp gãy xương, giúp cố định xương theo đúng trục giải phẫu bình thường cho đến khi lành lại. Khi bó bột, người bệnh sẽ bị hạn chế cử động gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày. Do đó, việc bó bột bao lâu thì tháo, sau 3 tuần đã tháo bó bột được chưa là vấn đề mà nhiều người quan tâm tìm hiểu. Hãy cùng Bác sĩ Hoa đi tìm lời giải đáp qua bài viết sau đây nhé!
Quá trình lành xương sau khi gãy diễn ra như thế nào?
Dù là xương ở vị trí nào bị gãy thì quá trình lành xương cũng diễn ra như nhau. Quá trình này gồm 3 giai đoạn diễn ra liên tiếp nhau:
- Giai đoạn viêm: xảy ra ngay sau khi xương bị gãy và kéo dài vài ngày. Ở nơi xương bị gãy, máu sẽ chảy vào khu vực đó dẫn đến viêm và đông máu. Tình trạng này giúp ổn định cấu trúc ban đầu và định hình cho việc sản sinh tế bào xương mới.
- Sản sinh tế bào xương mới: bắt đầu khi các cục máu đông hình thành bởi quá trình viêm được thay thế bằng mô sợi và sụn (được gọi là can xương mềm). Khi quá trình chữa lành tiến triển dần, can xương mềm được thay thế bằng can xương cứng có thể nhìn thấy trên phim chụp X-quang sau vài tuần bị gãy xương.
- Tái cấu trúc xương: giai đoạn cuối cùng trong quá trình lành xương, diễn ra trong vòng vài tháng. Trong thời gian này, xương tiếp tục hình thành và trở nên cứng chắc, trở lại hình dạng ban đầu. Khi quá trình lành xương đã diễn ra đủ các giai đoạn, việc tăng sức chịu lực lên xương như đứng, đi bộ sẽ khuyến khích việc tái cấu trúc xương tốt hơn.
Bó bột sau khi gãy xương có tác dụng gì?
Trước khi tìm hiểu việc bị gãy xương sau 3 tuần tháo bột được chưa, bạn cần hiểu rõ tác dụng của bó bột. Khi bị gãy xương thì việc cố định xương là rất quan trọng vì bất kỳ chuyển động nào của các mảnh xương đều làm chậm quá trình lành thương. Do đó, bó bột có tác dụng giữ ổn định và bất động vị trí xương bị gãy theo đúng vị trí giải phẫu bình thường. Thêm vào đó, bó bột gây cản trở vận động nơi thương tổn giúp vùng mô xung quanh không bị căng quá mức khi cơ thể di chuyển cũng giúp giảm bớt cảm giác đau nơi bị gãy xương.
Vật liệu dùng để bó bột thường được làm từ hai loại:
- Thạch cao (bột có màu trắng)
- Sợi thủy tinh (fiberglass)
Bên cạnh đó, bông và các vật liệu tổng hợp khác được dùng để lót bên trong phần bột bó nhằm tạo sự mềm mại và là lớp đệm xung quanh các khớp xương như cổ tay, khuỷu tay.
Sau 3 tuần tháo bột được chưa, bó bột bao lâu thì tháo?
Thời gian tháo bó bột ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau, phụ thuộc vào quá trình lành xương nhanh hay chậm và tình trạng tổn thương của các mô xung quanh. Trước khi tháo bột, bác sĩ sẽ thăm khám và yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra xem xương đã lành hẳn chưa.
Thời gian bó bột trung bình theo các vị trí gãy xương bạn có thể tham khảo:
Vị trí gãy xương | Thời gian bó bột ở người lớn | Thời gian bó bột ở trẻ em 10 tuổi |
---|---|---|
Xương bàn tay/ bàn chân | 4-6 tuần | 2-3 tuần |
Xương thuyền | 8-12 tuần | 8-10 tuần |
Khối xương tụ cốt | 4-6 tuần | 2-3 tuần |
Xương trụ | 4-6 tuần | 3-4 tuần |
Xương quay | 4-6 tuần | 3-4 tuần |
Xương cánh tay | 4-6 tuần | 3-4 tuần |
Xương đòn | 4 tuần | 2-3 tuần |
Xương bả vai | 4 tuần | 2-3 tuần |
Xương cột sống | 6-8 tuần | 4-6 tuần |
Xương chậu | 6-8 tuần | 4-6 tuần |
Xương đùi | 8-10 tuần | 4-6 tuần |
Xương chày | 8-10 tuần | 4-6 tuần |
Xương sên | 6-8 tuần | 4-6 tuần |
Xương gót | 6-8 tuần | 4-6 tuần |
Xương ngón tay/ ngón chân | 4-6 tuần | 2-3 tuần |
Như vậy, sau 3 tuần có tháo bột được không? Ở người lớn trung bình ít nhất phải bó bột trong 4-6 tuần để xương lành mới có thể tháo bột được. Thời gian lành xương ở trẻ em nhanh hơn người lớn nên có thể tháo bột sớm hơn. Nhìn chung, sau 3 tuần thì bạn có thể chưa tháo bột được. Tốt nhất, bạn nên đi tái khám thường xuyên để bác sĩ kiểm tra và xác nhận tình trạng xương mới được tháo bột.
Sau khi tháo bột bạn nên làm gì?
Nhiều người thường thắc mắc sau khi tháo bột tay, chân thì nên làm gì? Thực tế sau một khoảng thời gian bó bột, vùng cơ xương tổn thương thường sẽ bị cứng, kém linh hoạt so với lúc đầu. Do đó, khi tháo bột xong bạn cần chú ý:
- Rửa sạch vùng da bó bột, sử dụng kem dưỡng ẩm, phơi nắng.
- Tập cơ bằng cách vận động từ từ, xoa bóp xung quanh.
- Ăn uống các thực phẩm giàu dinh dưỡng cung cấp các vitamin A, D, C, kali, protide… để cơ chắc khỏe
- Uống nhiều nước, ăn thức ăn nhiều canxi như nghêu, sò, cua, tôm…
- Phơi nắng để giúp chuyển hóa vitamin D giúp xương mau lành.
- Không nên đi lại ngay sau khi tháo bột mà cần vận động nhẹ nhàng cho lưu thông máu tốt rồi mới bắt đầu tập đi.
Xương vẫn sẽ tiếp tục lành sau khi đã tháo bột nên bạn vẫn cần chú ý chăm sóc ít nhất một vài tháng sau đó. Một số trường hợp sẽ cần đến vật lý trị liệu để phục hồi cơ, khớp và khả năng thăng bằng để bạn có thể quay lại cuộc sống bình thường an toàn.
Qua những thông tin trên chắc hẳn bạn đã biết sau 3 tuần có tháo bột được hay chưa cũng như quá trình lành xương và những điều cần làm sau khi tháo bột để nhanh hồi phục chức năng của cơ xương.
[embed-health-tool-bmi]Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.