Bật mí 4 cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh tại nhà hiệu quả

Bật mí 4 cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh tại nhà hiệu quả

Triệu chứng ho, ngứa cổ họng là tình trạng bệnh lý rất phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải ít nhất là một lần trong đời. Triệu chứng này thường là của bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể áp dụng nhiều cách khác nhau nhưng trong đó cách trị ho ngứa cổ họng bằng quả chanh luôn được sử dụng nhiều nhất vì cách làm đơn giản và nguyên liệu dễ tìm.

Chanh là loại trái cây quen thuộc, ai cũng có thể biết rằng chanh rất giàu vitamin C, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, sát khuẩn, chống viêm. Người bị ngứa cổ họng kèm ho có thể tận dụng tính sát khuẩn của chanh để làm giảm các triệu chứng này. Vậy, bạn đã biết đến những cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh chưa? Bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Bác sĩ Hoa sẽ tiết lộ cho bạn những biện pháp dùng chanh chữa ho ngứa cổ họng tại nhà vừa đơn giản, vừa hiệu quả.

Nguyên nhân gây ho ngứa cổ họng

Trước khi tìm hiểu cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh, cùng khám phá những nguyên nhân khiến bạn bị ho ngứa cổ họng.

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể, giúp loại bỏ dịch tiết hô hấp, đờm, chất gây kích ứng, dị vật đường hô hấp trên… Thông thường, triệu chứng ho thường đi kèm với nhiều biểu hiện khác, điển hình là ngứa cổ họng.

Ho ngứa cổ họng do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như:

  • Viêm nhiễm đường hô hấp: Các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm amidan, viêm xoang, chảy dịch mũi sau, viêm họng, viêm thanh quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD… khiến người bệnh bị ho kèm theo ngứa, đau rát cổ họng.
  • Dị ứng: Ngứa cổ họng đi kèm ho cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng dị ứng, như dị ứng thời tiết khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, dị ứng lông động vật, dị ứng phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc… Những tác nhân này gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp, dẫn đến ngứa họng, kích thích phản ứng ho để đẩy tác nhân gây dị ứng ra ngoài. Trong trường hợp, bạn ăn thực phẩm lạ hoặc dùng thuốc có triệu chứng ngứa cổ họng, nghiêm trọng hơn là khó thở, phù nề mí mắt, môi, ngứa ngoài da… thì cần đến cơ sở y tế gần nhất ngây lập tức. Bởi các triệu chứng này là dấu hiệu của tình trạng sốc phản vệ – nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của bạn. 
  • Khô cổ họng do thiếu nước: Thiếu nước, mất nước do sốt cao, tiêu chảy, hoặc đơn giản là uống không đủ nước hoặc thói quen ngủ mở miệng… có thể khiến niêm mạc họng bị khô, gây ngứa và ho khan. Tình trạng khô cổ do mở miệng khi ngủ rất hay gặp ở người béo phì, người có bệnh lý méo miệng do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hoặc người liệt nửa người do tai biến mạch máu não… Do vậy, những đối tượng bệnh nhân này cần được chăm sóc kỹ, tránh tình trạng làm khó chịu thêm bởi tình trạng ho khan, ngứa cổ họng.
  • Ô nhiễm môi trường: Môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm (chứa nhiều bụi mịn, kim loại nặng, khói độc…) có thể gây kích ứng niêm mạc hô hấp, dẫn đến ho, nghẹt mũi, ngứa cổ họng.
  • La hét, nói quá nhiều: La hét, ca hát, nói nhiều có thể khiến cổ họng bị khô, ngứa rát, thậm chí là gây viêm phù nề dây thanh quản cấp tính và tắt tiếng.
  • Các nguyên nhân khác: Những người bị trào ngược thực quản, uống nhiều rượu bia, ăn thực phẩm cay nóng… có nguy cơ cao bị ho ngứa cổ họng. Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp cũng gây nên tình trạng ho khan, nên nếu như bạn đang sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp và có tình trạng ho khan, ngứa cổ khó chịu thì bạn nên trao đổi lại với bác sĩ của mình để được đổi thuốc.

Đọc thêm

6 nguyên nhân ngứa cổ họng kèm ho kéo dài thường gặp và cách điều trị

Lợi ích của quả chanh đối với chứng ho ngứa cổ họng

cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh

Vì sao cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh có thể mang lại hiệu quả? Đó là nhờ những lợi ích tuyệt vời của quả chanh. Những người bị ho ngứa cổ họng, nhất là do nhiễm khuẩn, có thể hưởng lợi từ chanh. 

Từ lâu, quả chanh đã được sử dụng trong một số bài thuốc thảo dược dân gian. Loại quả này là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp kháng khuẩn, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin C trong chanh cũng có công dụng làm lành vết thương nhanh chóng.

Không những thế, quả chanh còn có các khía cạnh dược lý khác, như chống oxy hóa, chống loét, chống giun, diệt côn trùng… Những công dụng này là nhờ các hợp chất chống oxy hóa có trong quả chanh.

Ngoài ra, các chất chiết xuất và chất phytochemical có trong chanh cũng đã cho thấy được tiềm năng to lớn trong việc chống viêm, chống khối u, chống ung thư. Chiết xuất quả chanh còn có đặc tính bảo vệ gan và chống tăng đường huyết.

Từ những lợi ích trên, có thể thấy, việc sử dụng quả chanh làm cách trị ho ngứa cổ họng có thể mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Bật mí 4 cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh

1. Cách trị ho ngứa cổ họng bằng nước chanh ấm

cách trị ho ngứa cổ họng bằng nước chanh ấm

Cách đơn giản nhất để trị ho ngứa cổ họng tại nhà bằng chanh là uống nước chanh ấm. Nước chanh cung cấp hàm lượng cao vitamin C cho cơ thể người bệnh, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm, diệt khuẩn, nấm và các tác nhân gây bệnh. Nước ấm làm dịu cổ họng, giảm tình trạng kích ứng do tăng lưu lượng tuần hoàn, tăng số lượng bạch cầu đến để tiêu diệt vi khuẩn.

Hơn nữa, nước chanh ấm còn giúp bổ sung chất lỏng làm loãng đờm, dễ loại bỏ đờm và tác nhân gây ho ngứa cổ họng.

Hướng dẫn cách pha nước chanh ấm chữa ho ngứa cổ họng:

  • Bước 1: Rửa sạch một trái chanh rồi cắt ra, vắt lấy nước cốt cho vào ly.
  • Bước 2: Thêm 200ml nước ấm, khuấy đều.
  • Bước 3: Uống từng ngụm nhỏ chầm chậm để nước chanh làm ẩm cổ họng, đồng thời các dưỡng chất trong chanh thấm vào niêm mạc họng, phát huy tối đa công dụng.

Lưu ý

  • Không uống nước chanh ấm khi bụng đói do sẽ gây cho bạn cảm giác cồn cào khó chịu.
  • Người có vấn đề về dạ dày nên tham khảo các cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh khác, không nên áp dụng biện pháp này.

2. Nước chanh mật ong

Từ xa xưa, trà chanh mật ong và nước chanh mật ong đã được dùng như một phương pháp làm dịu cơn đau ngứa cổ họng. Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm, chống oxy hóa. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mật ong là một loại “thuốc” giảm ho hiệu quả, nâng cao sức đề kháng nói chung cho cơ thể.

Cách pha nước chanh mật ong trị ho ngứa cổ họng:

  • Bước 1: Vắt 1 thìa cà phê nước cốt cho vào ly nước ấm.
  • Bước 2: Thêm 1-2 thìa cà phê mật ong rồi khuấy đều.
  • Bước 3: Uống nước chanh mật ong vào mỗi sáng để giảm ho ngứa cổ họng.

Lưu ý là bạn chỉ nên dùng nước ấm, không dùng nước sôi vì có thể làm mất đi tác dụng của các enzym có trong mật ong và làm nước chanh có vị đắng hơn.

Đọc thêm

Bị ho nên uống gì để mau khỏi? 13 thức uống trị ho hiệu quả, đơn giản

3. Cách trị ho ngứa cổ họng bằng vỏ chanh, mật ong và tỏi

cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh mật ong và tỏi

Tỏi có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm rất mạnh, do đó, tỏi thường được sử dụng ăn trực tiếp hoặc chế biến thành món ăn, bài thuốc để làm tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh do vi khuẩn, virus gây viêm đường hô hấp – đặc biệt là lúc giao mùa.  Nếu như ăn tỏi tươi có vị rất cay nồng gây khó chịu cho người dùng thì sự kết hợp giữa tỏi, mật ong và chanh chắc hẳn là một công thức chữa ho ngứa cổ họng tuyệt vời mà bạn nên tham khảo.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 10 tép tỏi
  • Vỏ ½ quả chanh
  • 50ml mật ong

Hướng dẫn cách làm chanh ngâm mật ong và tỏi trị ho ngứa cổ họng:

  • Bước 1: Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ rồi cho vào lọ thủy tinh.
  • Bước 2: Thêm mật ong và vỏ chanh vào lọ.
  • Bước 3: Đậy kín nắp lọ rồi để ở vị trí tối trong 3 ngày.

Cách trị ho ngứa cổ họng bằng tỏi ngâm chanh mật ong:

  • Pha loãng một muỗng dung dịch tỏi ngâm vỏ chanh mật ong trong một ly nước ấm.
  • Uống trước khi ăn sáng mỗi ngày.

4. Cách trị ho ngứa cổ họng bằng nước chanh, mật ong, gừng

Theo y học cổ truyền, gừng tươi hay còn gọi là sinh khương có vị cay, tính ấm với công dụng kháng viêm, hỗ trợ điều trị ho do cảm lạnh, ho có đờm, viêm phế quản, khản tiếng, đau họng… 

Theo y học hiện đại, gừng có khả năng ức chế virus hợp bào ở đường hô hấp, giúp cải thiện ho, sưng họng và các triệu chứng liên quan đến cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn.

Sự kết hợp của chanh, gừng, mật ong trong bài thuốc dưới đây giúp chữa ho ngứa cổ họng tại nhà cực kỳ hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • 2 thìa nước cốt chanh
  • 4 thìa mật ong
  • 1 thìa gừng tươi băm nhuyễn 
  • 2 ly nước 

Cách làm chanh, gừng, mật ong trị ho ngứa cổ họng:

  • Bước 1: Cho nước, nước cốt chanh và gừng vào nồi, đun sôi rồi tắt bếp.
  • Bước 2: Để nguội khoảng 20 phút rồi lọc hỗn hợp lấy nước cho vào ly.
  • Bước 3: Thêm mật ong, khuấy đều.
  • Bước 4: Uống một lần/ngày đến khi cơn ho ngứa họng thuyên giảm.

Đọc thêm

7 cách chữa đau họng bằng gừng hiệu quả và đơn giản tại nhà

Mẹo làm giảm cơn ho ngứa cổ họng tại nhà đơn giản

cách tri ho ngứa cổ họng bằng chanh

Như vậy là bạn đã biết được 4 cách trị ho ngứa cổ họng bằng chanh vừa đơn giản, vừa hiệu quả với các nguyên liệu rất sẵn có trong mỗi nhà bếp. Ngoài việc áp dụng các biện pháp trên, bạn cũng nên tuân thủ theo những biện pháp chăm sóc sức khỏe sau để các triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm:

  • Uống nhiều nước ấm để làm ẩm và giữ ấm cho cổ họng.
  • Tắm nước ấm để tránh nhiễm lạnh làm các triệu chứng trầm trọng hơn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày để tránh tích tụ vi khuẩn.
  • Bạn cũng nên súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để làm sạch cổ họng, giảm bớt tình trạng viêm.
  • Vào mùa lạnh, cần đặc biệt giữ ấm vùng cổ họng, ngực, lưng, bàn tay, bàn chân.
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nhiều khói bụi, có các tác nhân gây dị ứng.
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ để cơ thể mau hồi phục.
  • Tránh khói thuốc lá, rượu bia, thức ăn cay nóng hoặc quá lạnh gây kích thích cổ họng khiến ho nhiều hơn.

Trên đây là những cách trị ho ngứa cổ họng bằng mật ong mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà. Với những nguyên liệu cực kỳ đơn giản và quen thuộc, bạn có thể dễ dàng “đánh bay” các triệu chứng ho, ngứa khó chịu ở cổ họng. Tuy nhiên, triệu chứng ho có thể là dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh lý khác nhau. Bạn cần theo dõi kỹ về thời gian ho đau lâu hay mới mắc? Có triệu chứng kèm theo như khạc đờm, sốt, khó nuốt…hay không? Nếu có, bạn hãy đến cơ sở y tế khám và điều trị cụ thể bởi bác sĩ chuyên khoa nhé!

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo