Bệnh tim thiếu máu cục bộ (BTTMCB) hay còn gọi là bệnh động mạch vành, có thể gây những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này để giúp bạn chủ động hơn trong việc nhận diện và phòng tránh thiếu máu cục bộ.
Hiểu về thiếu máu cục bộ
Bệnh tim thiếu máu cục bộ (BTTMCB) là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu đến tim sụt giảm khiến tim không nhận đủ oxy, việc nàybắt đầu khi chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ trên thành trong của động mạch tim. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch và sự tích tụ được gọi là mảng bám. Mảng bám có thể làm cho động mạch bị thu hẹp, cản trở lưu lượng máu; mảng bám cũng có thể vỡ ra, dẫn đến cục máu đông.
Cơn đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của BTTMCB, có các đặc điểm sau:
- Kéo dài từ 3-5 phút;
- Bệnh nhân có cảm giác bị bóp nghẹt, ép chặt vùng ngực, rát bỏng phía sau xương ức;
- Đau lan lên vai, cằm, cánh tay, lan xuống vùng thượng vị;
- Xuất hiện có tính quy luật, liên quan đến gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn thịnh soạn, hút thuốc lá;
- Giảm, đỡ khi hết tác nhân gây gắng sức hoặc khi dùng nitroglycerin.
Một số trường hợp đặc biệt người bệnh bị bệnh động mạch vành lại không có cơn đau ngực điển hình mà có các triệu chứng khác như khó thở, mệt… hoặc hoàn toàn không có triệu chứng gì (bệnh động mạch vành thầm lặng).
Ảnh hưởng của thiếu máu cục bộ đối với sức khỏe tim mạch
Như đã biết các mạch máu lớn cung cấp oxy cho tim trở nên hẹp, gây ra các triệu chứng như khó thở và cảm giác đau thắt ngực ở bệnh tim thiếu máu cục bộ điều này cũng có thể dẫn đến các loại bệnh tim khác thường gặp như:
- Suy tim: Theo thời gian, BTTMCB làm các động mạch ở tim bị thu hẹp, không cung cấp đủ oxy cho tim làm cho tim yếu đi hoặc cứng lại, tim hoạt động không như bình thường dẫn đến suy tim.
- Loạn nhịp tim: Nhịp tim của chúng ta được kích hoạt bởi các xung điện và được truyền xuống một con đường đặc biệt đi qua tim, những tế bào cơ tim gửi tín hiệu điện làm cho tim đập. Nếu tim không còn nhận đủ oxy vì BTTMCB, các tế bào cơ đặc biệt có thể bị tổn thương. Kết quả là nhịp tim có thể không đều hoặc tim có thể đập nhanh hơn hoặc chậm hơn hay còn gọi là loạn nhịp tim. Một số loại loạn nhịp tim như rung tâm nhĩ có thể khiến cục máu đông hình thành trong tim. Nếu cục máu đông di chuyển khắp cơ thể theo dòng máu, chúng có thể gây ra vấn đề nếu làm tắc nghẽn mạch máu ở nơi khác (ví dụ ở não có thể gây đột quỵ não). Một dạng rối loạn nhịp tim khác như nhịp nhanh thất xảy ra, có thể chuyển thành rung tâm thất và đe dọa tính mạng. Nhồi máu cơ tim: BTTMCB làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ngay cả khi trước đó nó không gây ra bất kỳ triệu chứng nào khác. Nhồi máu cơ tim xảy ra nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc gần như bị tắc nghẽn hoàn toàn, sự tắc nghẽn khiến một phần cơ tim không nhận đủ oxy. Nếu tình trạng này diễn ra quá lâu, phần cơ tim đó sẽ chết và tình trạng trở nên nguy hiểm đến tính mạng. Có hai loại nhồi máu cơ tim thường gặp: Nhồi máu cơ tim có đoạn ST chênh lên (STEMI) và nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI).
Tóm lại, cơn đau thắt ngực điển hình là dấu hiệu của BTTMCB, đồng thời có thể là cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim cấp. Nếu không kịp thời phát hiện và có hướng xử trí đúng đắn, bệnh nhân gặp các biến chứng khác như nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, đột tử.
Cách phòng tránh và kiểm soát thiếu máu cục bộ
Biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa và kiểm soát BTTMCB là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, có những yếu tố nguy cơ không thể can thiệp (như tuổi, tiền sử gia đình, chủng tộc), nhưng có những yếu tố nguy cơ người bệnh có thể thay đổi:
- Không hút thuốc và tránh xa nơi có khói thuốc: khói thuốc được coi là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra cơn đau tim.
- Chế độ ăn tốt cho tim mạch: ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, dung nạp protein từ cá và thịt trắng; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối và đường; không lạm dụng bia rượu,…
- Duy trì thói quen vận động: tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút/ngày.
- Duy trì trọng lượng cân đối.
- Giảm căng thẳng: căng thẳng là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng căng thẳng có xu hướng dẫn bạn tới những thói quen không tốt (ăn quá nhiều, uống rượu, ngồi quá nhiều). Vì vậy bạn có thể học cách giảm bớt căng thẳng như tập thể dục, thiền và thư giãn với bạn bè hay đến gặp bác sĩ tâm lý.
- Ngăn chặn các biến chứng khác: dựa trên tình trạng sức khỏe của mỗi người bác sĩ có thể chỉ định thêm các can thiệp khác ngoài các biện pháp thay đổi lối sống:
- Thuốc hạ cholesterol: Giúp giảm cholesterol xấu và sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Những loại thuốc này bao gồm statin, fibrate và chất cô lập axit mật.
- Thuốc aspirin: để ngăn ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ. Aspirin liều thấp có thể giúp ngăn ngừa bệnh cục máu đông và giảm nguy cơ đau tim và các biến chứng khác của bệnh tim mạch vành, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch máu nhỏ hoặc đái tháo đường.
- Ngoài ra một số trường hợp cần can thiệp sâu hơn như đặt stent, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, đặt máy khử rung,…
Sống khỏe mạnh với trái tim khỏe mạnh: Phát hiện và kiểm soát thiếu máu cục bộ để duy trì sức khỏe tốt nhất.
Một số điều cần lưu ý để sống chung với bệnh tim thiếu máu cục bộ và duy trì một trái tim khỏe mạnh:
1. Duy trì một lối sống lành mạnh cho tim
- Chọn thực phẩm tốt cho tim mạch: trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế chất béo bão hòa, muối, đường và rượu.
- Vận động thường xuyên: có thể giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành như cholesterol trong máu cao, huyết áp cao hoặc thừa cân và béo phì. Tuy nhiên phải lựa chọn mức độ vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe.
- Bỏ hút thuốc: Hút thuốc có thể làm hư và co các mạch máu của bạn. Có bằng chứng khoa học cho thấy nicotine và hương liệu có trong các sản phẩm thuốc lá điện tử có thể gây hại cho tim và phổi.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ không đủ giờ hoặc ngủ không ngon giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác. Thời gian khuyến nghị cho người lớn là ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi ngày.
- Kiểm soát cân nặng: Đạt và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể giúp bạn kiểm soát một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, chẳng hạn như cholesterol trong máu cao, đái tháo đường và huyết áp cao.
- Kiểm tra huyết áp và cholesterol: Theo dõi và kiểm tra thường xuyên.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Nồng độ đường trong máu cao có thể ảnh hưởng chức năng mạch máu.
- Hạn chế căng thẳng: thư giãn và hạn chế suy nghĩ căng thẳng có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
2. Theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên
- Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và không thay đổi lượng thuốc hoặc bỏ qua một liều trừ khi có chỉ định bác sĩ.
- Hãy liên hệ bác sĩ hay đến ngay cơ sở y tế khi bạn có bất kỳ triệu chứng mới nào, nếu các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng hơn hoặc nếu bạn gặp vấn đề về kiểm soát huyết áp hoặc lượng đường trong máu.
3. Quan tâm đến sức khỏe tinh thần
Sống chung với bệnh tim có thể gây ra sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và căng thẳng vì vậy người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ để được cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng bệnh, tránh tình trạng lo lắng không cần thiết, ngoài ra người bệnh có thể áp dụng các cách sau để giải tỏa căng thẳng:
- Gặp bác sĩ tâm lý: nếu người bệnh có dấu hiệu trầm cảm hoặc lo lắng quá mức, đôi khi cần dùng một số thuốc điều trị tâm lý hoặc các phương pháp điều trị khác để cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè: việc cho những người thân biết bản thân bạn cảm thấy thế nào và mọi người có thể làm gì để giúp bạn có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng và lo lắng.
- Nói chuyện với những bệnh nhân có tình trạng bệnh tương tự mình: điều này có thể giúp học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về bệnh, ngoài ra còn giúp tìm được sự thấu hiểu.
Kết luận
Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể gây đe dọa tính mạng nhưng bằng việc thay đổi lối sống có thể giúp điều trị và kiểm soát bệnh tốt, ngoài ra hãy nhớ tầm quan trọng của việc tái khám thường xuyên.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.