Tăng huyết áp ít khi gây ra triệu chứng nhưng lại âm thầm tác động xấu đến tim mạch, trong đó có những mạch máu của võng mạc mắt, gây ra bệnh võng mạc tăng huyết áp. Vậy, võng mạc tăng huyết áp là bệnh gì, triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị ra sao? Cùng Bác sĩ Hoa tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Bệnh võng mạc tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến một số cơ quan đích như tim mạch, thận, mạch máu não và võng mạc. Tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều tổn thương cho mắt trong đó bao gồm bệnh võng mạc, bệnh thần kinh thị giác và bệnh màng đệm.
Bệnh võng mạc tăng huyết áp là tình trạng tổn thương các mạch máu cung cấp máu cho võng mạc phía sau mắt, do huyết áp tăng cao trong thời gian dài hoặc tăng đột ngột. Áp lực dòng máu cao làm tổn thương thành các mạch máu lớn của võng mạc như động mạch võng mạc trung tâm và nhánh, tĩnh mạch võng mạc trung tâm và nhánh; khiến các thành phần của máu thoát ra khỏi mạch máu. Điều này dẫn đến giảm dòng máu lưu thông đến võng mạc.
Bệnh võng mạc tăng huyết áp trải qua các giai đoạn tùy vào mức độ kiểm soát huyết áp như sau:
- Giai đoạn co mạch: Do áp lực lòng mạch tăng cao, cơ thể có cơ chế tự điều hòa cục bộ tại võng mạc, làm co thắt và hẹp động mạch võng mạc, dẫn tới giảm lượng máu tới võng mạc.
- Giai đoạn xơ cứng: Trong giai đoạn này, các lớp của thành động mạch dày cứng hơn. Tình trạng thu hẹp động mạch ngày càng trầm trọng và có vết cắt/nứt ở đường nối động – tĩnh mạch.
- Giai đoạn tiết dịch: Lúc này, hàng rào máu não bị phá vỡ, lipid chảy vào bề mặt võng mạc gây ra xuất tiết, huyết tương và máu chảy vào bề mặt võng mạc gây ra phù võng mạc. Bên cạnh đó, sự co lại của mạch máu khiến võng mạc và dây thần kinh thị giác bị thiếu máu.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh võng mạc tăng huyết áp
Bệnh võng mạc tăng huyết áp thường không có biểu hiện rõ ràng trên mắt ở những giai đoạn đầu, thường chỉ khi bác sĩ soi đáy mắt mới biết được. Phần lớn người bệnh có những vấn đề toàn thân như đau ngực, khó thở (khi ngủ, khi vận động, khi hồi hộp), nhịp thở ngắn. Triệu chứng ở mắt chỉ xuất hiện trong trường hợp huyết áp tăng rất cao (trên 200/140 mmHg):
- Mờ mắt
- Sưng mắt
- Đau mắt
- Đau đầu
- Nhìn đôi
- Giảm thị lực
- Sợ ánh sáng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân bệnh võng mạc tăng huyết áp là gì?
Nguyên nhân gây bệnh là do xơ cứng động mạch võng mạc khi huyết áp tăng mạn tính hoặc đột ngột mà không được kiểm soát tốt. Huyết áp cao được định nghĩa là huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg. Huyết áp cao sẽ gây ra áp lực lớn lên thành động mạch khi máu lưu thông, từ đó khiến các động mạch bị tổn thương theo thời gian, trong đó có động mạch võng mạc.
Đa phần các trường hợp tăng huyết áp là vô căn. Bên cạnh đó, một số tình trạng bệnh lý có thể gây tăng huyết áp bao gồm:
- U tủy thượng thận
- Hội chứng Cushing
- Bệnh nhu mô thận
- Bệnh mạch máu thận
- Hẹp eo động mạch chủ
- Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
- Cường cận giáp và cường giáp.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Ăn mặn
- Ít vận động
- Béo phì, thừa cân
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều rượu
- Tiền sử gia đình
- Căng thẳng kéo dài
- Tăng huyết áp mạn tính
- Cholesterol cao
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh tim
- Xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã phát hiện ra yếu tố di truyền có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
Biến chứng
Bệnh võng mạc tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có. Các biến chứng bao gồm:
- Tắc động mạch võng mạc trung tâm hoặc nhánh
- Tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm hoặc nhánh
- Chứng phình động mạch võng mạc
- Tăng nhãn áp
- Bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ
- Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác
- Thuyên tắc động mạch võng mạc
- Xuất huyết dịch kính và màng trên võng mạc
- Hình thành màng biểu mô
- Bong võng mạc do co kéo
- Phù gai thị mạn tính, làm teo dây thần kinh thị giác khiến mắt mờ rất nhiều
- Phù hoàng điểm dạng nang
- Mất thị lực nghiêm trọng, không hồi phục.
Ngoài ra, tăng huyết áp kết hợp với bệnh tiểu đường làm tăng đáng kể nguy cơ mất thị lực. Bệnh nhân mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp càng ở giai đoạn sau sẽ càng có nhiều nguy cơ bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não và thậm chí tử vong.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh võng mạc tăng huyết áp?
Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán dựa vào:
- Tiền sử bệnh tăng huyết áp bao gồm chỉ số huyết áp, thời gian mắc bệnh, triệu chứng, biến chứng gặp phải và mức độ nghiêm trọng của bệnh, các thuốc đã dùng và mức độ tuân thủ điều trị
- Soi đáy mắt
- Chụp mạch huỳnh quang
- Khám tim mạch
- Khám phổi
- Khám thần kinh.
Sau đây là phân loại mức độ nặng nhẹ của bệnh võng mạc tăng huyết áp:
- Giai đoạn 1: Tăng huyết áp kéo dài + co nhỏ động mạch võng mạc
- Giai đoạn 2: Tăng huyết áp mức cao hơn + co nhỏ động mạch võng mạc + bắt chéo động – tĩnh mạch
- Giai đoạn 3: Huyết áp đã tăng tương đối cao trong thời gian dài + xuất huyết và xuất tiết võng mạc + tổn thương tim – não – thận – võng mạc + khó thở khi gắng sức
- Giai đoạn 4: Huyết áp tăng rất cao + các dấu hiệu mắt ở giai đoạn 3 và phù gai thị + tổn thương nghiêm trọng ở não – tim – thận – võng mạc.
Những phương pháp điều trị bệnh võng mạc tăng huyết áp
Việc điều trị bệnh võng mạc tăng huyết áp chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm soát và làm giảm huyết áp. Khi đã có biến chứng thì cần phải điều trị thêm những biến chứng này.
Giai đoạn 1 + 2
Người bệnh cần được hướng dẫn điều chỉnh lối sống, dùng thuốc hạ huyết áp và theo dõi liên tục. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kiểm tra đáy mắt mỗi 6 tháng 1 lần.
Giai đoạn 3
Lúc này, việc điều trị vẫn phải tập trung vào ổn định huyết áp, bằng cách thay đổi lối sống và thuốc. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá cơ quan đích để tìm hướng điều trị nếu có tổn thương.
Việc kiểm tra đáy mắt cần tiến hành thường xuyên hơn, mỗi 1-3 tháng 1 lần. Nếu thị lực dưới 3/10 và có sự hình thành mạch máu mới ở võng mạc, bác sĩ sẽ tiêm vào mắt chất chống tăng sinh mạch máu. Còn nếu có tân mạch hoặc tổn thương gây thiếu máu thì sử dụng laser quang đông. Với những trường hợp xuất huyết dịch kính kéo dài buộc phải cắt buồng dịch kính.
Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn tăng huyết áp ác tính, phải hạ huyết áp khẩn cấp. Khi bệnh nhân đã ổn định thì điều trị như giai đoạn 3.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh võng mạc tăng huyết áp?
Theo dõi và điều trị huyết áp cao thường xuyên là cách duy nhất giúp ngăn ngừa bệnh võng mạc tăng huyết áp phát triển.
Bệnh nhân cao huyết áp nên:
- Dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ
- Tập thể dục thường xuyên
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với nhiều trái cây và rau quả
- Hạn chế muối trong chế độ ăn
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế cafein và thức uống chứa cồn
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên.
Tiên lượng
Bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tăng huyết áp nặng có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên và đột quỵ. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân tăng huyết áp ác tính không được điều trị là 50% trong 2 tháng kể từ khi chẩn đoán và gần 90% trong vòng 1 năm.
Hầu hết các thay đổi ở võng mạc sẽ được cải thiện sau khi ổn định huyết áp. Tuy nhiên, ở giai đoạn 4, một số bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh thị giác và điểm vàng vĩnh viễn, giảm thị lực nặng không hồi phục, thậm chí mù lòa.
Nhìn chung, bệnh võng mạc tăng huyết áp nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có thể hồi phục được. Ở giai đoạn nặng thì tiên lượng sẽ kém hơn, đôi khi để lại những biến chứng vĩnh viễn. Đây là lý do mà mỗi người bệnh tăng huyết áp phải nâng cao ý thức trong việc kiểm soát huyết áp và thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm tổn thương và khắc phục kịp thời.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.