Ngộ độc thực phẩm là tình trạng khá phổ biến do vi khuẩn, vi rút hoặc kí sinh trùng có trong thực phẩm gây ra. Hầu hết các trường hợp bệnh nhẹ sẽ khỏi trong vòng 1 tuần và chỉ khi bị nặng mới cần nhập viện. Vậy, triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ là gì? Biết điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị.
Trong trường hợp nhẹ, ngộ độc thực phẩm có triệu chứng gì?
Các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có thể giống với bệnh viêm dạ dày – ruột do vi rút gây ra, khiến nhiều người nhầm tưởng họ bị đau dạ dày. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện sau khoảng 1-3 ngày người bệnh ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Một số trường hợp chỉ cần 30 phút, hoặc thậm chí đến 3 tuần mới khởi phát.
Triệu chứng thường gặp
Ở hầu hết mọi người bị ngộ độc thực phẩm đều có các dấu hiệu sau đây:
- Tiêu chảy là dấu hiệu chính. Phân lỏng hoặc chảy nước ít nhất 3 lần 1 ngày. Nếu có nhiễm trùng, phân sẽ lẫn máu hoặc chất nhầy.
- Thường kèm theo buồn nôn, nôn mửa. Nếu nôn là triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ thì thường chỉ kéo dài 1 ngày.
- Đau quặn bụng theo từng cơn. Cơn đau có thể giảm nhẹ sau khi bạn đi đại tiện phân lỏng.
- Một số trường hợp có sốt với cảm giác nóng – lạnh xen kẽ, khiến bạn cảm thấy nóng bừng trong 1 phút rồi lại lạnh và run rẩy ngay sau đó, kèm theo đau nhức khắp người.
- Mệt mỏi, chán ăn trong vài ngày.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ thay đổi tùy theo tác nhân gây bệnh
Tùy vào nguyên nhân gây ngộ độc là loại tác nhân nào mà mỗi người có thể có biểu hiện khác nhau, thời gian xuất hiện triệu chứng cũng khác nhau. Dưới đây là triệu chứng điển hình mà bạn sẽ gặp phải tương ứng với từng nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm:
1. Vi khuẩn Salmonella
- Dấu hiệu: nhức đầu, sốt, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn
- Triệu chứng xuất hiện sau 6-72 giờ, kéo dài 2-5 ngày
- Thực phẩm ô nhiễm thường là thịt gia cầm chưa nấu chín, trứng sống, sốt mayonnaise, rau mầm, sốt tahini.
2. Vi khuẩn Campylobacter
- Dấu hiệu: sốt, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy (đôi khi có máu)
- Triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm xuất hiện sau 2-5 ngày, kéo dài khoảng 5 ngày
- Thực phẩm ô nhiễm thường là thịt gia cầm sống và chưa nấu chín, sữa chưa tiệt trùng, nước nhiễm bẩn.
3. Vi khuẩn Listeria
- Dấu hiệu: nhức đầu, sốt, mệt mỏi, đau nhức
- Triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ xuất hiện sau 3 ngày đến 10 tuần
- Thực phẩm ô nhiễm thường là phô mai mềm, sữa chưa tiệt trùng, thịt nguội ăn liền.
4. Vi khuẩn E.coli
- Dấu hiệu: tiêu chảy (thường có máu), đau bụng
- Triệu chứng xuất hiện sau 2-10 ngày, kéo dài khoảng 1 tuần
- Thực phẩm ô nhiễm thường là thịt bò chưa nấu chín, sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng, rau mầm, nước nhiễm bẩn.
5. Tụ cầu vàng
- Dấu hiệu: buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày, tiêu chảy
- Triệu chứng xuất hiện sau 30 phút đến 8 giờ
- Thực phẩm ô nhiễm thường là đồ ăn chưa nấu chín như thịt thái lát, bánh pudding, bánh ngọt, bánh mì sandwich.
6. Vibrio
- Dấu hiệu: tiêu chảy, buồn nôn, co thắt dạ dày, nôn mửa, sốt, ớn lạnh
- Triệu chứng xuất hiện trong vòng 24 giờ
- Thực phẩm ô nhiễm thường là động vật có vỏ còn sống hoặc chưa nấu chín, đặc biệt là hàu.
7. Clostridium perfringens
- Dấu hiệu: Tiêu chảy, co thắt dạ dày; rất ít khi nôn hay sốt
- Triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ xuất hiện trong vòng từ 6-24 giờ, kéo dài dưới 24 giờ
- Thực phẩm ô nhiễm thường là thịt heo, thịt gia cầm, nước thịt, các thực phẩm nấu với số lượng lớn và không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
8. Cyclospora
- Dấu hiệu: tiêu chảy, chán ăn, sụt cân, co thắt dạ dày, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, mệt mỏi
- Triệu chứng xuất hiện sau khoảng 1 tuần
- Thực phẩm ô nhiễm là trái cây, rau sống hoặc thảo dược.
9. Norovirus
- Dấu hiệu: sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy và nhức đầu
- Triệu chứng xuất hiện sau 24-48 giờ, kéo dài 1-3 ngày
- Thực phẩm ô nhiễm thường là động vật có vỏ chưa được nấu chín, thực phẩm ăn liền bị nhiễm vi rút.
10. Rotavirus
- Dấu hiệu: giống bệnh dạ dày hoặc bị cúm nặng
- Triệu chứng xuất hiện sau 24-48 giờ, kéo dài lên đến 8 ngày
- Mọi thực phẩm bị ô nhiễm đều có thể là nguyên nhân.
Phải làm gì khi có triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ?
- Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm chỉ cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước là sẽ nhanh chóng hồi phục. Bạn nên uống nước nhiều hơn, uống dung dịch điện giải hoặc truyền dịch để bù lại lượng nước và chất điện giải đã bị mất đi.
- Bạn cũng có thể quay lại ăn uống như bình thường khi có cảm giác thèm ăn.
- Sau khi hết triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ, bạn nên tự nấu ăn tại nhà vài ngày để đảm bảo an toàn vệ sinh.
Khi nào ngộ độc thực phẩm cần đi khám?
Khi rơi vào các trường hợp sau đây, bạn nên đi khám bác sĩ:
- Có triệu chứng của ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng
- Triệu chứng ngộ độc thực phẩm kéo dài trên 3 ngày
- Có dấu hiệu mất nước nặng bao gồm ít đi tiểu hoặc tiểu rất ít nước, khô miệng, khô cổ họng và/hoặc cảm thấy chóng mặt khi đứng lên
- Sốt cao từ 39 độ trở lên, không giảm khi dùng thuốc hạ sốt thông thường hoặc kéo dài từ 3 ngày trở lên
- Không thể giữ chất lỏng trong cơ thể trên 1 ngày (tiêu chảy, nôn mửa liên tục)
- Có máu hoặc chất nhầy trong dịch nôn
- Có máu hoặc chất nhầy trong phân.
Đặc biệt, nếu đối tượng mắc bệnh là người có hệ miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, bệnh nhân tiểu đường, ung thư, HIV/AIDS, bệnh thận, cấy ghép nội tạng,… thì phải thăm khám với bác sĩ ngay dù là nặng hay nhẹ. Bởi vì, ngộ độc thực phẩm có nguy cơ cao gây tử vong cho những đối tượng này.
Hi vọng những thông tin về triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ kể trên sẽ giúp bạn phần nào phán đoán mức độ bệnh của mình và có giải pháp xử trí phù hợp. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, hãy luôn lắng nghe dấu hiệu của cơ thể và đi gặp bác sĩ ngay khi nghi ngờ gặp tình trạng ngộ độc nghiêm trọng, đừng chủ quan bạn nhé!
[embed-health-tool-bmr]Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.