Các bệnh tim mạch không chỉ phổ biến ở người lớn mà còn có tỷ lệ xảy ra khá cao ở trẻ em. Các bệnh tim mạch thường gặp ở trẻ em thường có diễn biến nghiêm trọng nếu không được phát hiện, điều trị tích cực. Vậy đó là những căn bệnh gì?
1. Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em
Khi điểm qua 1 số bệnh về tim mạch ở trẻ em, bệnh tim bẩm sinh là đáng lưu ý nhất. Đây là những dị tật tim được hình thành ngay từ trong bào thai, do những bất thường trong quá trình phát triển của phôi thai.
Các dạng bệnh tim bẩm sinh phổ biến ở trẻ em hầu hết là bệnh tim thực thể với tỷ lệ mắc bệnh là 8/1.000 trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em chủ yếu là do bất thường cấu trúc gen, người mẹ trong quá trình mang thai bị nhiễm siêu vi (Rubella, sởi, quai bị, cúm,…), nhiễm độc chất (thuốc lá, rượu, tia xạ, hóa chất, thuốc an thần,…), mắc bệnh lý mãn tính như tiểu đường hay lupus ban đỏ,…
Có 3 loại tật tim bẩm sinh chính ở trẻ em là:
- Hẹp các thành phần trong tim: Hẹp van tim, hẹp các mạch máu ngoài tim,… Tình trạng này dẫn tới tắc nghẽn luồng máu chảy, ứ máu trong các buồng tim, gây dày giãn các buồng tim như hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi, hẹp van 2 lá;
- Có các lỗ thủng ở vách ngăn giữa các buồng tim (thông liên thất, thông liên nhĩ). Những lỗ thủng này cho phép máu chảy từ buồng tim bên này sang buồng tim bên kia (còn gọi là luồng thông). Khi áp lực ở buồng tim trái cao hơn, chiều luồng thông sẽ đi từ tim trái qua tim phải, dẫn tới tăng lượng máu lên phổi. Bên cạnh đó, luồng thông có thể không chạy qua các lỗ thủng mà chạy qua ống động mạch tồn tại sau khi sinh. Ống động mạch này nối giữa động mạch chủ với động mạch phổi. Khi có luồng thông từ động mạch chủ sang động mạch phổi thì sẽ làm tăng lưu lượng máu lên phổi;
- Các mạch máu chính xuất phát từ tim tại những vị trí bất thường như dị tật hoán vị đại động mạch. Bình thường, động mạch chủ xuất phát từ tâm thất trái mang máu đỏ và giàu oxy đi nuôi cơ thể. Động mạch phổi xuất phát từ tâm thất phải, mang máu đen đi nuôi phổi để trao đổi oxy. Với trẻ mắc tật hoán vị đại động mạch, động mạch chủ và phổi hoán đổi vị trí xuất phát cho nhau. Như vậy, máu đen từ tĩnh mạch về tim phải được bơm lên động mạch chủ đi nuôi cơ thể, khiến trẻ bị thiếu oxy, có biểu hiện toàn thân tím tái. Nếu không được phẫu thuật sớm thì trẻ sẽ tử vong;
- Hội chứng suy tim trái bẩm sinh: Phần bên trái tim không thể phát triển hoàn chỉnh.
Trong các bệnh tim mạch thường gặp ở trẻ em, bệnh tim bẩm sinh rất nguy hiểm. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn tới tim to, suy tim, tím tái nặng do thiếu oxy,… Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên bị nhiễm trùng phổi, chậm lớn, chậm phát triển tâm thần và vận động. Thậm chí, nếu bệnh nặng thì trẻ có thể bị tử vong.
Các bác sĩ khuyến nghị có thể phát hiện sớm các trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thông qua siêu âm tim bào thai khi thai được 16 tuần tuổi. Các bà bầu nên đi khám thai định kỳ, nếu bác sĩ thấy nghi ngờ sẽ kiểm tra siêu âm tim bào thai.
Hầu hết các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em đều có thể điều trị được bằng phẫu thuật hoặc bằng phương pháp thông tim can thiệp. Để phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em, phụ nữ trước khi mang thai nên chủng ngừa sởi, quai bị, Rubella, cúm, điều trị ổn định các bệnh mãn tính trước khi mang thai. Đồng thời, phụ nữ nên tránh hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc với các chất độc hại. Đặc biệt, mẹ bầu nên cẩn thận khi sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai, chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ sản khoa cho phép.
2. Bệnh tim mạch thường gặp ở trẻ em: Loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là cách gọi chung cho một số tình trạng hoạt động điện của tim, có rối loạn bất thường như nhanh, chậm hơn bình thường, làm giảm hiệu quả bơm máu của tim.
Các loại rối loạn nhịp tim gồm: Tim đập nhanh, tim đập chậm, hội chứng Q-T dài, hội chứng Wolff-Parkinson-White. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: Cơ thể yếu, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, ăn uống khó khăn,…
Việc điều trị bệnh rối loạn nhịp tim ở trẻ em chủ yếu phụ thuộc vào dạng bệnh mà trẻ mắc phải và mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của trẻ.
3. Hội chứng Eisenmenger ở trẻ em
Mặc dù không phải là một bệnh lý về tim mạch nhưng Eisenmenger thường dẫn đến một số hậu quả trên tim mạch. Hội chứng này là sự kết hợp của 3 triệu chứng sau:
- Chứng xanh tím, da xanh tái hoặc da xám do giảm oxy trong máu;
- Tăng huyết áp động mạch phổi;
- Đa hồng cầu nguyên phát.
Hội chứng Eisenmenger chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ vị thành niên và người trưởng thành đã mắc bệnh tim bẩm sinh nào đó. Tuy nhiên, kể cả trẻ sơ sinh cũng có thể bị tăng huyết áp động mạch phổi. Về căn bản, hội chứng này là tình trạng máu không được chảy đúng hướng từ bên trái tim sang bên phải tim. Nếu không được điều trị, hội chứng Eisenmenger có thể làm hình thành các cục máu đông, gây đột quỵ và suy thận.
Phương pháp điều trị hội chứng Eisenmenger phụ thuộc vào các triệu chứng của bệnh. Bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc để làm giảm huyết áp động mạch phổi, kết hợp trích máu từ tĩnh mạch để làm giảm tình trạng quá thừa hồng cầu lưu thông.
4. Các bệnh tim mạch thường gặp ở trẻ em: Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là tình trạng hình thành các mảng chất béo và cholesterol trong lòng động mạch. Các mảng xơ vữa càng nhiều thì lòng mạch càng cứng và hẹp lại, làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông và dẫn tới các cơn đau tim. Đây là căn bệnh tiến triển âm thầm, lâu dài nên ít gặp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.
Tuy nhiên, các yếu tố như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao,… có thể làm gia tăng nguy cơ trẻ em mắc chứng xơ vữa động mạch. Do đó, bác sĩ khuyến cáo nên kiểm tra nồng độ cholesterol và huyết áp cho những trẻ em bị thừa cân, béo phì hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường. Phương pháp điều trị bệnh xơ vữa động mạch ở trẻ em bao gồm: Thay đổi lối sống như tăng cường vận động và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
5. Bệnh tim mạch thường gặp ở trẻ em: Kawasaki
Đây là căn bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm các mạch máu ở tay, chân, miệng, môi và họng. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, sung huyết kết mạc mắt, môi khô nẻ chảy máu, lưỡi đỏ, hồng ban trên da, niêm mạc hầu họng đỏ rực, đỏ lòng bàn tay và bàn chân, bong da đầu ngón tay và ngón chân, sưng hạch bạch huyết. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh này vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA), bệnh Kawasaki là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch ở trẻ em (tỷ lệ là 1/5 trẻ mắc bệnh tim). Bệnh Kawasaki có thể dẫn tới biến chứng viêm, tắc động mạch vành, giãn phình động mạch vành và gây suy tim.
Việc điều trị bệnh Kawasaki phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, thường là sử dụng gamma globulin IV và aspirin. Bên cạnh đó, corticosteroid đôi khi được sử dụng để làm giảm các biến chứng của bệnh. Đồng thời, trẻ mắc bệnh Kawasaki thường phải kiểm tra tim mạch nhiều lần trong cả đời.
6. Các bệnh tim mạch thường gặp ở trẻ em: Bệnh thấp tim
Nếu không được điều trị triệt để, liên cầu khuẩn gây viêm họng và sốt scarlet có thể dẫn tới bệnh thấp tim ở trẻ em. Đây là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tổn thương vĩnh viễn cơ tim và van tim. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy tim cấp, gây nguy hiểm tới tính mạng và để lại các di chứng hở hẹp van tim dẫn tới suy tim mãn tính.
Thấp tim thường gặp ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường chỉ biểu hiện sau từ 5 – 20 năm. Dù nguy hiểm nhưng căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách điều trị dứt điểm bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn bằng thuốc kháng sinh.
7. Viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim là bệnh lý xuất hiện khi lớp màng mỏng bao quanh tim bị viêm hay nhiễm khuẩn. Lớp dịch dư thừa tích tụ giữa 2 lớp quanh tim khiến tim không thể thực hiện được chức năng bơm máu.
Viêm màng ngoài tim có thể xuất hiện sau khi phẫu thuật tim do bệnh tim bẩm sinh hoặc do nhiễm khuẩn, chấn thương vùng ngực hoặc do rối loạn mô liên kết ở bệnh Lupus ban đỏ. Việc điều trị căn bệnh này tùy thuộc mức độ nặng của bệnh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe của bé.
8. Bệnh tim do virus ở trẻ em
Virus cũng là tác nhân gây bệnh tim mạch. Nhiễm virus có thể dẫn tới viêm cơ tim, gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Các bệnh tim mạch do virus thường hiếm gặp, ít có triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng thường khá giống với bệnh cúm như khó thở, mệt mỏi, tức ngực. Lựa chọn điều trị bệnh tim do virus ở trẻ em bao gồm dùng thuốc và các liệu pháp làm giảm triệu chứng của viêm cơ tim.
Các bệnh tim mạch thường gặp ở trẻ em có thể dự phòng được hoặc không tùy từng bệnh lý cụ thể. Do vậy, cha mẹ nên quan tâm tới sức khỏe của trẻ để phòng ngừa, phát hiện kịp thời các bệnh lý tim mạch để điều trị tích cực, đảm bảo tương lai cho bé.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.