Các dấu hiệu u não ở trẻ em

U não là bệnh lý không hiếm gặp ở trẻ em và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Căn bệnh này phổ biến và đứng thứ 2 sau bệnh ung thư máu. Vậy các dấu hiệu u não ở trẻ em là gì?

1. Bệnh u não ở trẻ em là gì?

U não là một sự tân tạo bất thường của một trong những tế bào thần kinh, tế bào hình gai, tế bào hình sao hoặc nguyên tủy bào thần kinh. U não ở trẻ thường xuất hiện khi có những tế bào phát triển bất thường trong bộ não hoặc tại cấu trúc, mô lân cận.

Khối u có thể được chia thành khối u nguyên phát bắt đầu trong não và khối u hậu phát lan rộng tới não từ nơi khác hay còn có thể được gọi là khối u di căn lên não.

Biểu hiện của bệnh u não cũng rất đa dạng với mọi lứa tuổi từ nhũ nhi tới tuổi thành niên. Bệnh u não ở trẻ khác với người lớn, vị trí thường gặp là ở vùng hố sau chiếm tới 50-55% tổng số u não ở trẻ em. Loại mô bệnh học thường gặp nhất đó là u tế bào thần kinh đệm trong đó đa số là u sao bào lông. Ngoài ra, một số loại mô bệnh học khác ít gặp hơn có thể kể đến như u màng não thất, u nguyên tủy bào, u sọ hầu, u nguyên bào thần kinh đệm, u tế bào mầm.

2. Nguyên nhân gây bệnh u não ở trẻ em

Hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về nguyên nhân gây tình trạng u não ở trẻ em. Cơ chế bệnh sinh ở hầu hết những khối u não trẻ em thường ít được biết rõ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thống nhất rằng u não ở trẻ em có nguyên nhân di truyền. Ngoài ra còn có những yếu tố về môi trường như phơi nhiễm phóng xạ cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển u não.

Khối u có thể hình thường ở hầu hết mọi loại mô hoặc tế bào trong não. Một số khối u xuất hiện dựa trên sự pha trộn của những loại tế bào. Những khối u khác nhau có xu hướng phát triển tại các vị trí khác nhau trong não và theo những cách nhất định. Một số loại u não có nhiều khả năng phát triển trong các mô lân cận, phát triển nhanh chóng so với những loại u khác.

U não trẻ em được chia thành hai loại u lều não và u hố sau, chia thành 4 cấp độ:

  • Phân độ thấp cấp độ I hoặc II: đây là những khối u có thiên hướng phát triển chậm hơn và ít có khả năng xâm lấn những mô lân cận.
  • Khối u cấp độ cao hơn cấp độ III hoặc IV có xu hướng phát triển nhanh chóng và có nhiều khả năng xâm lấn với các mô lân cận. Những khối u này cần phải điều trị chuyên sâu.

3. Các dấu hiệu u não ở trẻ

Triệu chứng u não ở trẻ tùy theo tuổi mắc bệnh, vị trí và tính chất mô bệnh học của khối u mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau.

3.1 Hội chứng tăng áp lực nội sọ

Triệu chứng u não ở trẻ em điển hình là hội chứng tăng áp lực nội sọ bao gồm những dấu hiệu sau:

  • Nhức đầu: lan toả, đầu đau âm ỉ sau đó đau tăng dần.
  • Buồn nôn, nôn: thường nôn vào buổi sáng, nôn xong thì triệu chứng đau đầu giảm.
  • Biến đổi ở gai thị giác như teo gai thị, phù gai thị
  • Động kinh có thể do u kích thích trực tiếp vào vỏ não nhưng có thể do ảnh hưởng của áp lực trong sọ não tăng lên.
  • Mạch chậm.
  • Rối loạn chức năng hô hấp.
  • Thay đổi tính cách: kích thích hoặc trầm cảm, có thể bị ảnh hưởng tới nhận thức, tiểu tiện không tự chủ, tri giác giảm dần, hôn mê.

3.2 Những triệu chứng thần kinh thay đổi phụ thuộc vào vị trí của khối u

  • Khối u tại bán cầu đại não: co giật, bất thường về phát âm như nói lắp, nói ngọng, bất thường về thị giác, yếu hoặc liệt nửa người, dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ, rối loạn hoặc mất cảm giác, thay đổi cá tính, sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ, buồn ngủ, lẫn lộn, ngủ gà.
  • Khối u ở thân não và đường giữa: co giật, rối loạn về nội tiết như lùn tuyến yên, đái nhạt, dậy thì sớm; rối loạn thị giác như nhìn đôi, giảm thị lực, mất thị lực, bán mạnh,… đau đầu, liệt thần kinh sọ, liệt nửa người, thay đổi về hô hấp, giảm khả năng tập trung, não úng thuỷ, chậm chạp, não úng thuỷ,…
  • Khối u tiểu não: đau đầu, nôn thường xuất hiện vào buổi sáng, rối loạn dáng đi, rối loạn phối hợp động tác.

4. Chẩn đoán u não ở trẻ em

Để chẩn đoán u não ở trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ sọ não. Từ đó, sẽ thấy khối u trong sọ, đường giữa bị đẩy lệch và có thể giãn não thất ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, một số kỹ thuật nhuộm soi và hoá mô miễn dịch sau khi phẫu thuật lấy khối u hoặc sinh thiết rất quan trọng để giúp phân loại tế bào học của tổ chức u nhằm đưa ra phác đồ điều trị đúng.

4.1 Chẩn đoán xác định

  • Dựa vào triệu chứng của bệnh u não đó là hội chứng tăng áp lực nội sọ, dấu hiệu thần kinh khu trú tuỳ thuộc vào từng vị trí u gây ra.
  • Hình ảnh não sẽ xác định được vị trí và phân loại khối u
  • Mô bệnh học sẽ xác định nguồn gốc của tế bào khối u

4.2 Chẩn đoán phân biệt

Khi chưa có hình ảnh chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ thì cần phân biệt với những nguyên nhân tăng áp lực nội sọ khác như xuất huyết não, viêm não, não úng thuỷ,… hoặc những bệnh lý thần kinh khác như rối loạn vận động, động kinh,… Khi có kết quả chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não thì cần phân biệt với xuất huyết não, đặc biệt là trường hợp khối u có xuất huyết, dị dạng mạch máu não, dị tật bẩm sinh não,…

5. Điều trị u não ở trẻ em

Điều trị u não ở trẻ sẽ dựa trên tuổi, loại khối u, kích thước của khối u, khả năng lan rộng,…

5.1 Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định ở hầu hết các loại khối u trừ những trường hợp có khối u nhỏ để điều trị xạ trị hoặc ở những vị trí không thể phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u càng nhiều càng tốt. Với những khối u lành tính thì việc lấy khối u có tính chất quyết định kết quả điều trị rất cao. Tuy nhiên, việc phẫu thuật lấy hết u rất khó thực hiện nếu như ranh giới và vị trí khối u không thuận lợi. Việc cắt bỏ một phần khối u cũng giúp cải thiện được những triệu chứng thần kinh, giảm áp lực nội sọ và đồng thời giúp cho chẩn đoán mô bệnh học để từ đó có kế hoạch cho việc xạ trị hoá chất và tiên lượng bệnh.

5.2 Xạ trị

Xạ trị có vai trò rất quan trọng trong điều trị u não ở trẻ. Phương pháp này giúp tiêu diệt những tế bào khối u còn sót lại sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, xạ trị ở trẻ em sẽ khác với người lớn bởi vì não trẻ trong thời kỳ phát triển nên rất dễ tổn thương do xạ trị, đặc biệt ở những trẻ dưới 3 tuổi. Do đó phương pháp này thường áp dụng với những trẻ trên 4 tuổi. Những biến chứng tổn thương do xạ trị giảm đi khi sự myelin hoá đã đầy đủ.

5.3 Hoá chất

Điều trị hoá chất thường áp dụng sau phẫu thuật, trong hoặc sau tia xạ, trước phẫu thuật đối với trường hợp phẫu thuật khó và khối u lớn. Liều lượng và cách dùng hoá chất phụ thuộc vào bản chất mô bệnh học và tuổi.

Tóm lại, u não ở trẻ xuất hiện khi những tế bào phát triển bất thường trong bộ não hoặc tại các cấu trúc, mô lân cận. Dấu hiệu u não ở trẻ thường không điển hình nên rất khó để phát hiện sớm. Do vậy, nếu thấy trẻ có những triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn, đau đầu, thay đổi tính cách, hành vi,… thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo