Đau dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to) là bệnh lý thường gặp ở nhiều đối tượng bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân trong độ tuổi lao động, gây ra những hậu quả tiêu cực đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Tìm hiểu về nguyên nhân gây đau thần kinh toạ sẽ giúp bệnh nhân hiểu hơn về bệnh lý này, đồng thời lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp cho từng nguyên nhân.
1. Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa hay đau thần kinh hông to (thần kinh ngồi), là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau thường xuất hiện tại vùng cột sống thắt lưng, sau đó sẽ lan tới mặt ngoài của đùi, xuống mặt trước ngoài của cẳng chân và đến mắt cá ngoài, cũng có thể đi đến tận các ngón chân. Hướng lan, vị trí và mức độ thương tổn thường phụ thuộc vào rễ thần kinh bị tổn thương.
Đau dây thần kinh tọa thường xuất hiện một bên cơ thể, thường gặp ở những người phải lao động nhiều, đặc biệt là phụ nữ và đàn ông khoảng 30 – 50 tuổi.
2. Nguyên nhân đau thần kinh tọa
Các nguyên nhân gây đau dây thần kinh toạ bao gồm:
Thoát vị đĩa đệm
Các đĩa đệm của cột sống có chức năng giúp cột sống được linh hoạt, chúng hoạt động như một miếng đệm cho các đốt sống và giúp truyền đều tải trọng đặt lên cột sống. Phình và thoát vị đĩa đệm xảy ra thường xuyên xảy ra ở cột sống thắt lưng, đơn giản vì phần cột sống này chịu toàn bộ trọng lượng của phần trên cơ thể. Mà vùng thắt lưng cũng chính là nơi các rễ thần kinh của dây thần kinh tọa đi ra khỏi cột sống để xuống chi dưới.
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân vỡ ra hoặc vật liệu đĩa đệm bị đẩy ra ngoài, điều này có thể gây chèn ép lên các rễ thần kinh lân cận và chèn ép các mô thần kinh mỏng manh và gây ra đau thần kinh tọa. Sự chèn ép này thường xảy ra ở một bên của dây thần kinh tọa và chỉ gây ra các triệu chứng ở một bên của cơ thể. Một số ít trường hợp thoát vị nhiều địa đệm, hoặc thoát vị cả 2 bên có thể làm chèn ép và gây ra các triệu chứng ở cả hai bên của cơ thể. Vị trí thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm L4 – L5 hoặc thoát vị đĩa đệm L5 – S1, tại vị trí này gây chèn ép các rễ L5 hoặc S1 của dây thần kinh tọa.
Ngoài ra, đĩa đệm thoát vị không chỉ gây chèn ép trực tiếp rễ thần kinh tọa mà bản thân vật liệu đĩa đệm còn chứa một chất kích thích có tính axit hóa học là axit hyaluronic, hoạt chất này có thể gây viêm dây thần kinh.
Thoái hoá đĩa đệm
Về mặt cơ chế, thoái hóa đĩa đệm là một yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm hơn là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa, nhưng nó cũng dẫn đến đau thần kinh tọa nên chúng ta thường không thể loại trừ nó.
Thoái hóa đĩa đệm (Degenerative disc disease – DDD), là một tình trạng phổ biến và gần như không thể tránh khỏi của quá trình lão hóa. Theo thời gian, các đĩa đệm trải qua một quá trình khô đi được gọi là sự hút ẩm của đĩa đệm. Hàm lượng nước trong các đĩa đệm giảm xuống, khiến chúng trở nên yếu hơn, giòn hơn và dễ bị thoát vị hơn.
Hẹp ống sống thắt lưng
Rễ thần kinh cột sống phân nhánh ra ngoài từ tủy sống thông qua các lối đi được tạo bởi xương và dây chằng. Rễ thần kinh đi qua những lỗ này, kết hợp với nhau để trở thành dây thần kinh tọa và kéo dài xuống chi dưới.
Hẹp ống sống thắt lưng là một nguyên nhân phổ biến của đau thần kinh tọa. Khi chứng hẹp ống sống phát triển, các ống sống này trở nên hẹp hoặc bị tắc và các dây thần kinh bị nén. Việc giảm không gian trong ống tủy thường là kết quả của thoát vị đĩa đệm, nhưng cũng có thể do các vấn đề khác như:
- Chấn thương cột sống, chẳng hạn như gãy đốt sống hoặc trật khớp do chấn thương, trượt đốt sống do chấn thương.
- Sự phát triển của các gai xương, biến dạng đốt sống thường gặp trong thoái hoá cột sống, sự phát triển quá mức của xương, hoặc các khối u cột sống.
- Dày các dây chằng giữ cột sống.
Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là một rối loạn thường ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng. Nó xảy ra khi một đốt sống trượt về phía trước trên một đốt sống liền kề. Khi đốt sống bị trượt và bị di lệch, nó sẽ chèn ép lên các dây thần kinh hoặc rễ thần kinh bên dưới nó. Điều này cuối cùng gây ra sự chèn ép và thường dẫn đến các triệu chứng đau thần kinh tọa.
Ngoài ra, thoái hoá cột sống còn có thể gây ra gai xương, biến dạng cột sống, loãng xương… những yếu tố này càng thúc đẩy tình trạng đau thần kinh tọa.
Chấn thương
Trong một số trường hợp, chấn thương có thể trực tiếp gây ra đau thần kinh tọa. Ví dụ như tai nạn xe, té ngã và va chạm trong thi đấu thể thao. Tác động có thể làm tổn thương các dây thần kinh hoặc các mảnh xương gãy có thể chèn ép các dây thần kinh tọa.
Ngoài các chấn thương trên, các dạng chấn thương khác có thể gây đau thần kinh tọa bao gồm gãy xương chậu hoặc trật khớp háng (đau thần kinh tọa do lực kéo) khiến gân kheo gần đó bị rách và kích thích dây thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa cũng có thể là kết quả của các vật thể xuyên qua cơ thể và cắt xé dây thần kinh, chẳng hạn như dính đạn hoặc dao.
Hội chứng cơ hình lê
Hội chứng cơ hình lê được đặt tên theo cơ hình lê. Các cơn đau gây ra khi cơ kích thích dây thần kinh tọa. Cơ hình lê nằm ở phần dưới của cột sống, kết nối với xương đùi và hỗ trợ xoay hông. Dây thần kinh tọa chạy bên dưới cơ hình lê.
Hội chứng cơ hình lê có thể gây đau thần kinh tọa khi cơ co thắt hoặc bị viêm. Viêm có thể khiến cơ sưng lên và chèn ép dây thần kinh tọa trong khi co thắt cơ có thể ảnh hưởng đến những người có dây thần kinh tọa chạy qua chính cơ; điều này là do dây thần kinh tọa bị ép khi cơ co lại.
Cần lưu ý rằng hội chứng cơ hình lê có thể khó chẩn đoán và điều trị do thiếu kết quả chụp X-quang hoặc MRI.
Khối u
Các khối u cột sống là sự phát triển bất thường của các mô vùng cột sống, có thể là lành tính hoặc ác tính (ung thư). Các khối ung thư thường di căn, có nghĩa là chúng đã di căn đến cột sống do ung thư đã hình thành ở một nơi khác trong cơ thể. Các khối u lành tính ở cột sống có thể chèn ép dây thần kinh tọa bao gồm:
- Nang xương dạng phình: Đây không phải là khối u mà là những nang chứa đầy máu có xu hướng mở rộng nhanh chóng.
- Khối u xương tế bào khổng lồ: là những khối u thường tấn công các xương gần khớp.
- U xương dạng xương: Là những khối u được tìm thấy trong xương, có xu hướng nhỏ và không phát triển lớn hơn sau khi hình thành. Tuy nhiên, chúng có thể tạo ra xương mới ngoài ý muốn, hình thành ở khu vực bị ảnh hưởng hoặc xương hình thành xung quanh chính khối u.
Khi một khối u cột sống phát triển ở vùng thắt lưng sẽ có nguy cơ dẫn đến đau thần kinh tọa do chèn ép dây thần kinh. May mắn thay, các khối u cột sống thường rất hiếm gặp.
Các nguyên nhân hiếm gặp hơn
Một số nguyên nhân ít được biết đến của đau thần kinh tọa bao gồm:
- Lạc nội mạc tử cung tại dây thần kinh tọa, sự phát triển của các mô tử cung bên ngoài tử cung có thể tích tụ ở các khu vực bao quanh dây thần kinh tọa hoặc chính dây thần kinh tọa
- Nhiễm trùng ở cột sống gây ra áp xe hình thành và chèn ép vào dây thần kinh tọa hoặc làm tổn thương chính dây thần kinh tọa.
- Tổn thương dây thần kinh do bệnh đái tháo đường.
- Sự dịch chuyển của tử cung cùng với sự lớn lên của thai nhi trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến chèn ép dây thần kinh tọa.
- Tác dụng phụ của thuốc.
3. Các yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa
Ngoài tất cả những nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa, các đặc điểm giải phẫu, di truyền và lối sống cũng dễ gây ra đau dây thần kinh tọa. Một số yếu tố nguy cơ đau thần kinh tọa bao gồm:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao càng làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm và bệnh thoái hóa đĩa đệm. Và như đã biết, đây là hai trong số những nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa
- Béo phì: Trọng lượng cơ thể quá nặng sẽ tạo ra một trọng lực không quá lớn cho cột sống và tạo áp lực nhiều hơn lên đĩa đệm, có thể dẫn đến thoát vị hoặc các tổn thương khác.
- Công việc và hoạt động: Một số công việc nặng nhọc và thể chất, liên quan đến việc nâng và vặn người. Nâng và vặn người không an toàn có thể góp phần vào nguy cơ gây đau thần kinh tọa. Bên cạnh đó, những công việc ngồi quá lâu cũng có thể gây áp lực cho đĩa đệm.
- Chấn thương cột sống: Chấn thương vùng cột sống thắt lưng có thể làm suy yếu đĩa đệm và khiến chúng dễ bị thoát vị và tổn thương hơn.
4. Điều trị đau dây thần kinh tọa như thế nào?
Điều trị đau thần kinh tọa thường có thể được thực hiện thông qua việc tự chăm sóc tại nhà. Thực hiện những phương pháp như chườm nóng, chườm đá, dùng thuốc giảm đau giảm viêm không kê đơn như Paracetamol…
Khi cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định:
- Cung cấp thuốc theo toa, chẳng hạn như thuốc giãn cơ hoặc thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid – NSAIDs, thậm chí là các nhóm thuốc opioid nếu tình trạng đau ở mức độ nhiều.
- Vật lý trị liệu để giúp giảm áp lực lên dây thần kinh
- Tiêm thuốc Corticosteroid vào cột sống gần dây thần kinh bị ảnh hưởng để giảm viêm.
- Đề xuất các kỹ thuật thay thế để giảm các triệu chứng, chẳng hạn như châm cứu hoặc yoga
- Phẫu thuật chữa đau thần kinh tọa hiếm khi được áp dụng, nhưng các thủ thuật phổ biến nhất là phẫu thuật cắt bỏ một phần đĩa đệm bị thoát vị hoặc cắt đốt sống loại bỏ một phần đốt sống để tạo thêm chỗ trong ống sống.
5. Phòng bệnh đau thần kinh tọa
- Cố định tư thế cột sống luôn thẳng đứng trong hầu hết các hoạt động thường ngày, tránh phải đứng ngồi quá lâu, khi phải bất động một chỗ quá lâu cần mang đai lưng hỗ trợ tư thế.
- Tránh các vận động hoặc động tác sai tư thế, động tác với lực mạnh và đột ngột hoặc mang vác vật nặng.
- Thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao, Yoga, gym để tăng cường sức bền, sự dẻo dai và tính linh hoạt của xương và cơ.
Đau thần kinh tọa là một bệnh lý phổ biến ở những người trưởng thành và thường xuyên phải lao động mạnh. Hiểu được nguyên nhân gây ra chứng đau thần kinh tọa sẽ giúp bệnh nhân và thậm chí là bác sĩ biết được cách điều trị sao cho hợp lý nhất. Chẩn đoán và làm sáng tỏ nguyên nhân đau thần kinh tọa cũng là bước đầu tiên để bệnh nhân cảm thấy an tâm hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.