Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai, thường xảy ra từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ. Đây là tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ insulin để đáp ứng nhu cầu tăng lên trong thai kỳ, dẫn đến tăng đường huyết. Mặc dù tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh,nhưng nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
Các yếu tố nào gây ra tiểu đường thai kỳ ?
Khi cơ thể chuyển hóa thức ăn, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để vận chuyển glucose vào tế bào và dùng nó để tạo năng lượng, phục vụ cho các hoạt động của cơ thể. Như vậy, chỉ số đường huyết khi đói và sau ăn sẽ luôn được điều hòa và ổn định.
Sự thay đổi Hormone : Ở cơ thể phụ nữ có thai, bánh nhau thường tăng sản xuất một số loại hormone khiến đường huyết tăng cao hơn bình thường. Nếu tuyến tụy có thể sản xuất đủ insulin để xử lý lượng đường huyết này thì cơ thể mẹ bầu sẽ không xảy ra bất thường. Tuy nhiên, trong trường hợp, tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết hoặc cơ thể mẹ bầu có sự đề kháng với insulin sẽ gây ra tình trạng tăng đường huyết. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Bên cạnh đó, những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ như :
- Tiền sử bị bệnh tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Đã từng sinh em bé ≥ 4000g trước đó.
- Tuổi ≥ 35 là yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ.
- Đang thừa cân.
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh đái tháo đường.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật.
- Chủng tộc: Châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao.
Cách giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ
Mặc dù bất kỳ biến chứng thai kỳ nào cũng đáng lo ngại nhưng vẫn có tin tốt. Khi mang thai, bạn có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ bằng cách ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục và dùng thuốc nếu cần thiết. Kiểm soát lượng đường trong máu có thể giúp bạn và em bé khỏe mạnh và ngăn ngừa việc sinh nở khó khăn.
Đây là những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hiệu quả:
- Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… là lựa chọn tuyệt vời.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Thay vì ăn ba bữa lớn mỗi ngày, hãy chọn ăn nhiều bữa nhỏ hoặc đồ ăn nhẹ ít carbohydrate sau mỗi hai đến bốn giờ.
- Uống Nước Đầy Đủ: Uống đủ nước mỗi ngày giúp cơ thể duy trì chức năng thải độc và hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
- Vận động thường xuyên: Hãy dành 30 phút vận động hợp lý, nhẹ nhàng mỗi ngày như tưới cây, lau dọn nhà cửa, đi bộ… cũng rất tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi.
- Giữ cân nặng hợp lý khi có ý định mang thai: Thừa cân – béo phì tiền mang thai là căn nguyên của một loạt vấn đề sức khỏe xảy đến trong thai kỳ, chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non… Do đó, nếu bạn thừa cân và đang có kế hoạch sinh em bé, hãy giảm cân để tạo nền tảng cho một thai kỳ khỏe mạnh.
- Tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cho biết mức tăng cân hợp lý dành cho bạn, tùy thuộc vào cân nặng cũng như thể trạng của bạn và thai nhi.
- Theo dõi lượng đường trong máu: Thông thường, nên đo lượng đường trong máu sau mỗi bữa ăn, nhưng bác sĩ có thể khuyên bạn nên kiểm tra trước bữa ăn và ngay cả vào buổi sáng.
- Khám thai định kỳ: Đi khám thai đều đặn để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Kết Luận
Tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi. Tuy nhiên, việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh có thể giúp bạn quản lý và kiểm soát tình trạng này hiệu quả. Hãy luôn duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân đối và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.