Bệnh zona hay có tên gọi khác là giời leo có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên người cao tuổi và những người có tình trạng sức khoẻ yếu có thể gặp nguy cơ biến chứng cao khi mắc bệnh zona. Triệu chứng của zona là sự xuất hiện các mảng ban đỏ, mụn nước mọc ở một số vùng trên cơ thể.
1. Bệnh zona là căn bệnh như thế nào?
Bệnh zona được bắt nguồn trong tiếng latin với nghĩa là thắt lưng, có thể là do khi bệnh phát ban thì thường xuất hiện thành dải hoặc giống như thắt lưng. Bệnh zona khởi nguồn từ những trường hợp người bệnh mắc thuỷ đậu. Sau khi được điều trị khỏi thì vẫn còn một số virus trú ngụ trong cơ thể nhưng không gây ra các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, sau này những virus này có thể hoạt động trở lại và tạo tên các mảng phát ban zona.
Bệnh zona ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. đặc biệt ở những người lớn từ 50 tuổi trở lên. Mặc dù vậy bệnh zona có thể gặp ở người lớn khỏe mạnh, nhưng bệnh có thể tăng nguy cơ ở những trường hợp bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm hoặc bị tổn thương. Khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể không đủ sức chống chọi lại với nhiễm trùng và cơ thể suy yếu. Những trường hợp này có thể gặp ở một số bệnh ung thư hoặc bệnh khác cản trở quá trình phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể. Hoặc những người bệnh đang thực hiện hoá trị để điều trị ung thư, hoặc những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị một số tình trạng như viêm khớp dạng thấp hoặc ngăn ngừa sự đào thải khi cấy ghép nội tạng hoặc những người bị nhiễm HIV.
2. Triệu chứng của zona như thế nào?
Bệnh zona có triệu chứng gì? Bệnh zona thường bắt đầu với những cảm giác bất thường như ngứa, rát hoặc ngứa ran ở một vùng da của cơ thể. Một số người có thể gặp thêm tình trạng sốt, mệt mỏi, đau đầu. Trong khoảng thời gian từ một đến hai ngày các phát ban hoặc mụn nước xuất hiện ở một bên cơ thể. Phát ban zona thường ảnh hưởng đến cơ thể tại các vị trí như: ngực, bụng và lưng. Tuy nhiên, phát ban có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Nếu các phát ban zona xuất hiện ở mắt thì có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực.
Người bệnh zona có thể xuất hiện các cơn đau từ mức độ nhẹ hoặc dữ dội và gây bỏng rát làn da. Cơn đau có thể bắt đầu vài ngày trước khi phát ban zona xuất hiện. Bên cạnh đó, cơn đau có thể giới hạn ở phần da bị ảnh hưởng bởi phát ban, nhưng cũng có thể làm nghiêm trọng ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh bao gồm cả giấc ngủ. Cơn đau xảy ra thường nặng hơn ở những trường hợp người bệnh có tuổi tăng cao. Trong khoảng từ 3 đến 4 ngày, mụn nước zona có thể trở thành vết loét hở, ở những người trưởng thành thì những vết loét này có thể được đóng vảy và không lây nhiễm vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, và những phát ban zona này có thể biến mất trong vòng ba đến bốn tuần. Sẹo có thể thay đổi màu da và tồn tại lâu kể cả trường hợp bệnh zona đã khỏi.
Trong hầu hết các trường hợp thì bệnh zona sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể liên quan đến biến chứng ở những trường hợp có sức đề kháng yếu, chẳng hạn như rối loạn cảm giác, đau dây thần kinh sau khi tổn thương ngoài da đã khỏi.
Các thể bệnh zona thường gặp: Mỗi người mắc bệnh zona có thể xuất hiện với những mức độ khác nhau, đồng thời vị trí bệnh zona xuất hiện cũng ảnh hưởng đến mức độ của bệnh, cụ thể:
- Zona ở mặt có thể thường xảy ra và xuất hiện trên vùng da trán, quanh môi hoặc quanh má. Do mặt có chứa khá nhiều cơ quan nhạy cảm và đây cũng là vùng da mỏng nên rất dễ bị tổn thương, cần có sự chăm sóc vết phát ban cẩn thận. Người bệnh cần sát trùng và giữ sạch suốt thời gian bị bệnh tránh để lại sẹo gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt. Ngoài ra, zona trên mặt còn dễ gây ra biến chứng lâu dài nên cần được điều trị tích cực và thăm khám thường xuyên
- Zona ở mắt thường xảy ra khoảng 10 đến 25% trường hợp mắc bệnh. Dây thần kinh ở mắt khá nhạy cảm nên virus gây bệnh zona có thể để lại biến chứng ở kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm giác mạc,… từ đó làm giảm thị lực, thậm chí có thể khiến cho người bệnh bị mù lòa vĩnh viễn.
- Zona ở tai thường hay gặp gây ra tình trạng đau tai, liệt mặt, ăn uống khó khăn, có thể loét ở trong tai, nổi hạch trước hoặc sau tai. Với trường hợp này rất dễ gặp biến chứng nặng và cần được điều trị tích cực.
- Zona ở miệng với các mụn nước mọc trong miệng hoặc ở niêm mạc vòm họng. Vết thương ban đầu của zona thường là những nốt mụn nước khá nhỏ, sau đó nhanh chóng bị vỡ ra và để lại vết loét khiến cho người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu, ăn uống khó khăn…
- Zona ở các vùng da khác trên cơ thể: Gây viêm da, phát ban do bệnh zona có thể ở trên các vùng da như lưng, ngực, cổ, eo… và bệnh có thể tiến triển rất nhanh, nhưng ít để lại biến chứng như mặt, mắt và tai. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần lưu ý vệ sinh sạch vùng da để tránh nhiễm trùng.
3. Điều trị bệnh zona như thế nào?
Điều trị bệnh zona thường bao gồm sự kết hợp giữa sử dụng thuốc kháng virus với thuốc giảm đau, bên cạnh đó các vùng da phát ban cần được vệ sinh và giữ sạch, khô ráo. Tốt nhất người bệnh nên tránh thoa kem dưỡng da lên vùng da bị ảnh hưởng, vì điều này có thể gây kích ứng da nhiều hơn nữa.
- Thuốc kháng virus để điều trị zona thường giúp ngăn chặn virus nhân lên, vùng da phát ban nhanh chóng được lành, đồng thời làm giảm mức độ nghiêm trọng, cũng như giảm thời gian đau. Thuốc kháng virus nên được chỉ định càng sớm càng tốt, vì hiệu quả của thuốc có thể phát huy tốt trong vòng 72 giờ sau khi phát ban của zona xuất hiện. Sau thời gian này thuốc kháng virus vẫn có thể hữu hiện nếu xuất hiện mụn nước.
- Thuốc giảm đau: Bởi vì bệnh zona có thể gây ra những cơn đau mức độ nhẹ đến nặng cho người bệnh bên cần được chỉ định thêm thuốc giảm đau cho người bệnh. Thuốc giảm đau thường bao gồm thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, naproxen. Nếu cơn đau nghiêm trọng hơn thì cần bác sĩ thăm khám và chỉ định sử dụng thuốc cụ thể.
- Thuốc kháng sinh cũng được sử dụng cho trường hợp mắc bệnh zona nếu có tình trạng phát ban bị nhiễm trùng.
Khi điều trị bệnh zona bằng các thuốc trên thì người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc bao gồm: buôn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng… Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để nâng cao hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.
4. Một số biện pháp phòng ngừa mắc bệnh zona
Cách tốt nhất giúp phòng ngừa bệnh zona chính là thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Bệnh zona có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm phòng vắc xin bệnh thủy đậu. Mặc dù ở một số người có thể bệnh zona vẫn phát triển khi đã được tiêm phòng nhưng vắc xin có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng, cũng như thời gian mắc bệnh. Hơn nữa, tiêm vắc xin cũng làm giảm nguy cơ đau dây thần kinh sau khi mắc zona – một trong những biến chứng của bệnh khiến cho cơn đau kéo dài sau khi mụn nước zona đã khỏi.
Xem thêm:Hướng dẫn chẩn đoán bệnh Zona
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.