Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất trên thế giới. Ước tính đến năm 2050, có đến một nửa dân số thế giới bị cận thị. Vậy nên, ngày càng nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến dấu hiệu của cận thị nhẹ để có cách kiểm soát và ngăn ngừa cận thị tiến triển.
Trong bài viết này hãy cùng Bác sĩ Hoa tìm hiểu các dấu hiệu của cận thị nhẹ, cách nhận biết và biện pháp ngăn ngừa cận thị hiện nay nhé!
Cận thị nhẹ là gì?
Cận thị cũng được chia thành 3 cấp bậc là cận thị nhẹ và cận thị trung bình và cận thị nặng. Cụ thể như sau:
- Cận thị nhẹ là những người bị cận dưới 3 diop.
- Cận thị trung bình là những người bị cận từ 3 đến 6 diop.
- Cận thị nặng là những trường hợp cận thị trên 6 diop.
Trẻ em bị cận thị sớm sẽ có nguy cơ tăng độ cận dần theo thời gian và thường ổn định ở khoảng tuổi 20.
Dấu hiệu của cận thị nhẹ
Một số trẻ em bẩm sinh đã bị cận thị nhưng còn số khác, trẻ bị mắc tật khúc xạ như cận thị trong quá trình trưởng thành, cũng xuất phát từ một số thói quen không tốt. Để phát hiện sớm và kịp thời can thiệp, bố mẹ cần chú ý những dấu hiệu của cận thị nhẹ sau đây ở trẻ:
Mỏi mắt
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mắt khi tập trung nhìn màn hình điện tử trong thời gian dài sẽ giảm số lần chớp mắt. Điều này khiến mắt dễ bị khô và mỏi mắt. Mỏi mắt là một triệu chứng thường tự khỏi nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy mắt của chúng ta làm việc quá sức và cũng là dấu hiệu của cận thị.
Ngoài ra, tình trạng được định nghĩa là mỏi mắt kỹ thuật số là khi mắt của chúng ta liên tục tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, laptop. Nhiều nhà khoa học cũng cảnh báo tác động của ánh sáng xanh lên thị lực, tăng nguy cơ cận thị.
Đau đầu
Đau đầu là một triệu chứng khá phổ biến cho các vấn đề về sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn quan sát thấy trẻ thường xuyên đau đầu do mỏi mắt thì đây có thể là dấu hiệu của cận thị nhẹ. Bố mẹ không nên chủ quan mà cần cho trẻ đi khám sức khỏe và kiểm tra thị lực.
Thường xuyên phải nheo mắt khi nhìn
Trẻ có dấu hiệu bị cận thị thường sẽ phải nheo mắt để nhìn rõ hơn, khó nhìn thấy các vật ở xa, chẳng hạn như biển báo đường bộ hoặc bảng đen ở trường.
Bố mẹ có thể quan sát thấy dấu hiệu này qua việc trẻ thường xuyên phải đưa sách báo, điện thoại sát vào mắt khi đọc hoặc đến gần ti vi hơn.
Cách ngăn ngừa cận thị tiến triển
Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang không ngừng tìm kiếm các giải pháp giúp làm chậm quá trình tiến triển của cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên. Dưới đây là một vài liệu pháp có triển vọng cao:
Thuốc nhỏ mắt atropin
Thuốc nhỏ mắt atropin thường được chỉ định trong các trường hợp trước và sau khi mổ cận. Nhỏ mắt atropin ở liều thấp có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển cận thị ở 80% trường hợp.
Liệu pháp Ortho-K
Liệu pháp Ortho-K sử dụng kính tiếp xúc cứng để điều chỉnh tật khúc xạ vào ban đêm, trong lúc ngủ (từ 6h-8h). Nhờ đó mà ban ngày, bạn có thể tạm thời nhìn rõ mà không cần đeo kính gọng hay kính áp tròng cận.
Tăng cường hoạt động ngoài trời
Dành nhiều thời gian tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời trong thời thơ ấu, thời niên thiếu trong nhiều năm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ cận thị.
Cách phòng ngừa cận thị tại nhà
Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng việc tuân thủ lối sống lành mạnh và bảo vệ mắt có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ cận thị. Dưới đây là một số lời khuyên để bạn tăng cường bảo vệ mắt cho bản thân và cho con trẻ:
- Nếu phải làm việc với máy tính hay các công việc phải tập trung nhìn gần, cứ sau 20 phút, bạn nên nhìn vào vật gì đó cách xa ít nhất 6 mét trong vòng 20 giây.
- Bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời và ánh sáng xanh.
- Đeo kính bảo hộ khi chơi thể thao hoặc làm việc trong môi trường có thể gây tổn thương mắt.
- Sử dụng nguồn ánh sáng phù hợp khi đọc sách và làm việc.
- Thường xuyên vệ sinh kính gọng và kính áp tròng.
- Ăn uống lành mạnh với nhiều chất chống oxy hóa từ rau quả tươi.
- Thường xuyên tập thể dục.
- Kiểm soát các vấn đề sức khoẻ có thể gây ảnh hưởng đến mắt như tiểu đường, tăng huyết áp.
- Không hút thuốc lá.
- Kiểm tra thị lực thường xuyên, ít nhất 6 tháng một lần.
Hi vọng bài viết trên đây của Bác sĩ Hoa có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu của cận thị nhẹ. Bố mẹ cũng cần chú ý các biểu hiện bất thường của con, để kịp thời đưa con đi kiểm tra thị lực và hạn chế cận thị tiến triênr nhé!
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.