Bấm lỗ tai, hay xỏ khuyên tai, là một thủ thuật nhỏ nhưng có thể gây ra vết thương hở và cần đến vài tuần mới lành hẳn. Trong thời gian này, nếu vi khuẩn xâm nhập vào vết thương sẽ gây nhiễm trùng. Vậy, dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai là gì? Bạn phải làm sao trong trường hợp này? Cùng tìm hiểu nhé!
Các vị trí bấm lỗ tai có thể bị nhiễm trùng
Xỏ lỗ tai có thể thực hiện ở hai khu vực chính là:
- Xuyên qua dái tai
- Xuyên qua sụn ở vành tai
Với từng vị trí, nguy cơ xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai và tốc độ phục hồi cũng khác nhau. Dái tai có nhiều thịt và mỡ, lưu lượng máu lưu thông mạnh nên khi bấm khuyên cũng lành nhanh chóng, ít có nguy cơ xỏ khuyên dái tai bị nhiễm trùng. Trong khi đó, vành tai là sụn – mô dày cứng và lưu lượng máu thấp nên nguy cơ nhiễm trùng khi bấm lỗ tai ở đây cũng cao hơn, đôi khi tình trạng nhiễm trùng sẽ rất nghiêm trọng.
Có đến hàng triệu người xỏ lỗ tai mỗi năm và hầu hết họ không có biến chứng nào đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc đeo khuyên mới thường xảy ra tình trạng kích ứng nhẹ và nhiễm trùng. Thật may là phần lớn trường hợp nhiễm trùng không nghiêm trọng và sẽ khỏi nhanh chóng. Một thống kê đã chỉ ra rằng, có tới 35% trường hợp người xỏ lỗ tai gặp một hoặc nhiều biến chứng sau:
- Nhiễm trùng nhẹ: 77%
- Phản ứng dị ứng: 43%
- Hình thành mô sẹo (sẹo lồi): 2,5%
- Rách do chấn thương: 2,5%.
Dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai là gì?
Mới xỏ khuyên tai mà bị đau, sưng tấy và đỏ là điều bình thường. Những triệu chứng này là một phần của quá trình lành vết thương thông thường chứ không phải biểu hiện của nhiễm trùng khi bấm lỗ tai.
Bên cạnh đó, nếu bạn phát hiện có các nốt sưng ở phía sau khuyên tai thì chưa chắc đã bị nhiễm trùng. Những nốt sưng nhỏ đó được gọi là u hạt, đôi khi hình thành xung quanh lỗ xỏ khuyên. Chúng chứa chất lỏng bị tích tụ lại.
Dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai sẽ bao gồm:
- Chảy dịch từ lỗ xỏ khuyên
- Sốt
- Ngứa, đỏ, ấm hoặc sưng xung quanh lỗ xỏ khuyên
- Đau ở dái tai hoặc sụn nơi bấm lỗ.
Nếu không điều trị, vết xỏ khuyên bị nhiễm trùng có thể nặng hơn hoặc bị áp xe (vùng sưng tấy chứa đầy mủ). Trong đó, xỏ lỗ tai ở vùng sụn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn. Nếu không điều trị có thể tiến triển thành viêm màng sụn. Thậm chí, nhiễm trùng còn có nguy cơ lây lan vào cơ thể, gây ra nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể khiến lỗ xỏ khuyên của bạn bị tịt (bít) lại.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai vừa kể trên kèm theo biểu hiện:
- Ớn lạnh
- Khuyên tai hoặc móc cài khuyên tai không di chuyển mà bị kẹt trong tai
- Chảy mủ màu vàng có mùi hôi.
Vì sao bạn có dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai?
Vi khuẩn xâm nhập vào lỗ xỏ khuyên mới có thể dẫn đến nhiễm trùng. Lỗ xỏ khuyên mới có nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn có hại trong những trường hợp như:
- Xỏ lỗ tai trong môi trường mất vệ sinh hoặc bằng dụng cụ không được khử trùng kỹ lưỡng
- Chạm vào lỗ tai bằng bàn tay bẩn
- Tháo khuyên tai trước khi lỗ xỏ khuyên lành lại
- Không làm sạch lỗ xỏ khuyên mới hàng ngày
- Bơi hoặc ngâm tai trong hồ bơi, bồn nước nóng, hồ hoặc sông trước khi vết xỏ khuyên lành hoàn toàn.
Bên cạnh đó, một số người có nguy cơ bị nhiễm trùng khi bấm lỗ tai cao hơn người khác. Đó là những đối tượng sau đây:
- Bệnh nhân tiểu đường
- Bệnh nhân tim mạch
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu (bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS, người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch,…)
Nếu bạn đang dùng thuốc steroid hoặc thuốc làm loãng máu thì hãy hỏi bác sĩ xem có nên xỏ khuyên hay không.
Phải làm sao khi có dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai?
Trong trường hợp, bạn thấy dấu hiệu xỏ khuyên sụn bị nhiễm trùng, bạn nên đi khám bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Với tình huống có triệu chứng nhiễm trùng khi bấm lỗ dái tai, hãy chú ý vệ sinh cẩn thận vùng lỗ xỏ khuyên bằng nước muối sinh lý vô trùng theo hướng dẫn sau đây:
- Đầu tiên, rửa tay bằng xà phòng và nước
- Sau đó, chuẩn bị dung dịch nước muối gồm 1 cốc (0,24 lít) nước với khoảng 1/2 thìa muối, khuấy đều cho đến khi muối tan
- Để khuyên tai tại chỗ, ngâm một miếng bông gòn vào dung dịch nước muối kể trên và đặt nó lên vùng bị nhiễm trùng
- Nhẹ nhàng lau khô vùng đó bằng gạc sạch hoặc khăn sạch
- Sau đó, bôi một lượng nhỏ kem kháng sinh không kê đơn (neosporin, bacitracin hay những loại khác) theo hướng dẫn sử dụng của từng loại
- Xoay đồ khuyên tai vài lần để tránh khuyên dính chặt vào da.
Bạn hãy thực hiện quy trình vệ sinh này 3 lần một ngày cho đến khi dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai được cải thiện. Ngoài ra, hãy lau sạch điện thoại bằng cồn và thay vỏ gối sạch 2 ngày một lần.
Bên cạnh đó, bạn có thể chườm khăn ấm sạch lên vùng nhiễm trùng để giảm sưng.
Khi nghi ngờ tình trạng của mình đang nặng hơn hoặc không cải thiện sau 3 ngày, bạn cũng nên đi khám nhé!
Tùy vào mức độ nhiễm trùng mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Họ có thể cho bạn tiếp tục vệ sinh tai và bôi thuốc mỡ kháng sinh. Nếu nhiễm trùng nặng thì cần phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh đường uống. Bác sĩ cũng có thể tháo khuyên và thay bằng sợi chỉ để lỗ xỏ khuyên thông thoáng trong thời gian điều trị nhiễm trùng.
Khi được chăm sóc tốt, hầu hết tình trạng nhiễm trùng sẽ khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu vẫn không cải thiện, bạn nên đến gặp bác sĩ để tái khám sớm.
Cách phòng ngừa nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên tai
Nếu may mắn chưa có các dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai, hãy phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, bao gồm:
- Đeo khuyên tai cả ngày lẫn đêm cho đến khi vết khuyên lành hoàn toàn, quá trình này có thể mất đến 6 tuần
- Rửa tay sạch với xà phòng và nước trước khi chạm vào dái tai hoặc sụn
- Rửa lỗ xỏ khuyên 2 lần mỗi ngày bằng xà phòng nhẹ hoặc sữa rửa mặt, thấm khô nhẹ nhàng với khăn sạch
- Thoa cồn và/hoặc thuốc mỡ kháng sinh lên vùng da đó 2 lần mỗi ngày
- Nhẹ nhàng xoay khuyên tai hàng ngày sau khi bôi thuốc mỡ kháng sinh hoặc cồn để bôi trơn lỗ tai.
Không khó để bạn nhận ra dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai. Nhìn chung, tình trạng này hiếm khi nghiêm trọng nhưng bạn cũng không được phép chủ quan. Nếu đã sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà mà không đỡ cần phải đi khám ngay nhé!
[embed-health-tool-bmi]Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.