Dị vật và bã thức ăn đường tiêu hóa ở người lớn

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Triệu Thị Hồng Thái – Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Ở người lớn việc nuốt phải dị vật rất hiếm gặp và thường là tai nạn. Khoảng 80-90% dị vật nuốt phải tự ra khỏi cơ thể mà không cần can thiệp gì. Nội soi can thiệp lấy dị vật chỉ cần thiết ở 10-20% trường hợp và can thiệp phẫu thuật ít hơn 1%. Trong toàn bộ ống tiêu hóa, thực quản là chỗ hay bị tắc nhất. Dị vật hay thức ăn thường tắc nghẽn ở chỗ lòng thực quản bị hẹp sinh lý hay bệnh lý.

1. Chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa

Triệu chứng lâm sàng điển hình là nuốt khó xảy ra đột ngột. Các triệu chứng khác của kẹt dị vật thực quản có thể là nghẹn, không muốn ăn, tăng tiết nước bọt, đầy và đau sau xương ức, ợ trớ ra thức ăn chưa tiêu, khò khè, nước dãi có máu.

Chảy dãi kèm mất khả năng nuốt chất lỏng gợi ý đến tắc nghẽn thực quản. Các biến chứng của việc nuốt phải dị vật gồm: thủng, tắc nghẽn ống tiêu hóa, dò động mạch chủ – thực quản, dò khí quản – thực quản.

Khai thác bệnh sử cần làm rõ: loại dị vật, thời điểm nuốt phải dị vật, các triệu chứng đang có và diễn biến. Chảy dãi và mất khả năng nuốt chất lỏng là chỉ điểm của tắc nghẽn thực quản và cần đánh giá can thiệp nội soi cấp. Khám lâm sàng cần kiểm tra kỹ khoang miệng, hạ họng, cổ, ngực và bụng những bệnh nhân có triệu chứng tắc nghẽn thực quản hoặc thủng.

Chụp thực quản chỉ thực hiện ở những bệnh nhân không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gợi ý đến tắc nghẽn thực quản, nếu khai thác bệnh sử là nuốt phải dị vật không sắc nhọn, cản quang hoặc không rõ loại dị vật gì có thể chụp phim không thuốc.

Hiện tượng chảy dãi kèm mất khả năng nuốt chất lỏng có thể do tắc nghẽn thực quản

Chụp cắt lớp vi tính để đánh giá các bệnh cảnh sau:

  • Nghi ngờ thủng ống tiêu hóa dựa trên các bằng chứng chẩn đoán hình ảnh khác
  • Nuốt phải các vật sắc nhọn
  • Những bệnh nhân nghi nuốt phải các gói ma túy hoặc thuốc khác

Việc xác định vị trí của dị vật giúp định hướng các can thiệp cần thiết, tuy nhiên việc không xác định được vị trí dị vật cũng không loại trừ được sự tồn tại của chúng. Ở những bệnh nhân nghi nuốt phải thức ăn không có xương và không có biểu hiện của các biến chứng có thể can thiệp nội soi mà không cần chụp X Quang trước. Những bệnh nhân có triệu chứng thực quản kéo dài cần nội soi đánh giá ngay cả khi chụp XQ không phát hiện bất thường.

2. Các phương pháp điều trị can thiệp

Lựa chọn phương pháp can thiệp phụ thuộc các yếu tố sau:

  • Loại dị vật đã nuốt ( kích thước, có sắc nhọn hay không? chứa chất gì ? )
  • Vị trí tắc của dị vật
  • Các triệu chứng và mức độ trầm trọng
Lựa chọn phương pháp can thiệp hóc thực quản phụ thuộc vào tình hình cụ thể

Nói chung điều trị bảo tồn thích hợp đối với đa số các trường hợp nuốt phải dị vật khi dị vật di chuyển ra ngoài cơ thể không gây biến cố gì. Thời điểm cần can thiệp nội soi thay đổi tùy theo bệnh cảnh lâm sàng và loại dị vật.

Tất cả dị vật thực quản cần được lấy ra trong 24 giờ. Đa số dị vật đã xuống đến dạ dày có thể ra ngoài trong thời gian 4-6 ngày, điều trị bảo tồn thích hợp cho đa số bệnh nhân nuốt phải dị vật tù và không có triệu chứng.

Can thiệp nội soi cần thiết đối với các dị vật: sắc nhọn, có từ tính, dị vật có kích thước dài hơn 5cm hoặc >2cm đường kính, pin đĩa nằm trong dạ dày hơn 24h.

Bệnh nhân sau gắp dị vật nội soi thành công vẫn cần nhập viện trong các trường hợp sau:

  • Nuốt phải nhiều dị vật có nguy cơ biến chứng cao (ví dụ: vật sắc nhọn, pin, vật có từ tính, vật có kích thước > 5cm … )
  • Tổn thương niêm mạc rộng do quá trình nuốt phải dị vật hay do quá trình gắp dị vật ra.
Với dị vật sắc nhọn người bệnh cần can thiệp nội soi để lấy ra kịp thời

Nếu dị vật không thể lấy ra qua nội soi, chụp XQuang hàng ngày để theo dõi sự di chuyển của dị vật. Can thiệp phẫu thuật chỉ dành cho những bệnh nhân có biến chứng (thủng, tắc) và trường hợp dị vật không di chuyển (vật không sắc nhọn nằm ở tá tràng trong hơn 1 tuần hoặc vật sắc nhọn không thay đổi vị trí trong 3 ngày).

Dị vật hay bã thức ăn có tỷ lệ tái phát 10-20%. Cần nội soi lại để đánh giá mức độ lành niêm mạc đối với những bệnh nhân có tổn thương niêm mạc rộng ở lần soi đầu tiên.

Nội soi để sinh thiết chẩn đoán viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan hay để can thiệp các bất thường cấu trúc (ví dụ: nong các chỗ hẹp thực quản, vòng Schatzki ) nếu lần soi đầu tiên chưa can thiệp. Bệnh nhân không có bất thường về cấu trúc cần kiểm tra các bất thường về vận động thực quản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo