Điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C) hiệu quả cho người bệnh

Điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C) giúp giảm các triệu chứng gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị IBS-C đòi hỏi sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cùng tìm hiểu về các phương pháp điều trị hiệu quả nhất để giúp người bệnh giảm bớt triệu chứng và cải thiện sức khỏe đường ruột.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ CK I Nguyễn Trung Thành – Bác sĩ Nội soi – Nội tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Tổng quan hội chứng ruột kích thích kèm theo táo bón (IBS-C)

Hội chứng ruột kích thích kèm táo bón (IBS-C) – một dạng rối loạn tiêu hóa mãn tính, có các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng thường xuyên và khó đi ngoài. Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, IBS-C có thể gây khó chịu và làm gián đoạn sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Đến nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho IBS-C. Việc điều trị chủ yếu dựa vào thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, cùng với sự hỗ trợ của thuốc để giảm bớt các triệu chứng.

2. Cách điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C)

Thông thường, điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C) thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để giảm cơn đau bụng. Các biện pháp này có thể bao gồm thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất, kiểm soát căng thẳng và sử dụng các loại thuốc.

Mục tiêu của quá trình điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C) không chỉ là giảm nhẹ các vấn đề về hệ tiêu hóa mà còn là giảm đau bụng, cảm giác đầy hơi và các triệu chứng phổ biến của IBS-C.

2.1 Thay đổi chế độ ăn uống

Để kiểm soát các triệu chứng, điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày là phương pháp hữu hiệu. Tăng cường chất xơ giúp giảm táo bón và làm mềm phân, giúp người bệnh đại tiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh không đạt được lượng chất xơ theo khuyến nghị của các chuyên gia:  

  • 25 gam mỗi ngày đối với phụ nữ.  
  • 38 gam mỗi ngày đối với nam giới.

Nguồn chất xơ tốt bao gồm bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và đậu. Khi quyết định bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống, người bệnh cần thực hiện một cách chậm rãi vì thực phẩm có ảnh hưởng khác nhau đối với mỗi cơ thể. Một số người có thể gặp vấn đề như tiêu chảy và đầy hơi nếu tiêu thụ quá nhiều chất xơ cùng một lúc.

Mận khô, nước ép mận, hạt lanh xay và nước cũng có thể giúp cải thiện chất lỏng của phân. Ngoài ra, tránh cà phê, đồ uống có ga và rượu vì những thực phẩm này làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến việc điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C) trở nên khó khăn. Thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, bánh quy, bánh mì trắng và gạo cũng là các thực phẩm nên hạn chế.

Nếu triệu chứng kéo dài, bác sĩ có thể đề xuất chế độ ăn kiêng FODMAP nhằm giảm lượng carbohydrate cơ thể khó tiêu hóa. Những thực phẩm nên hạn chế hoặc tránh bao gồm táo, lê, sữa, bánh mì lúa mạch đen và lúa mì, măng tây, atisô, hành, tỏi. 

Việc tăng cường chất xơ trong chế độ ăn có thể giúp giảm táo bón và làm mềm phân.

2.2 Thực phẩm chức năng giúp bổ sung chất xơ

Thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ cũng có thể được dùng để điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C). Những chất này bổ sung chất xơ hòa tan vào phân, giúp phân dễ ra ngoài hơn bằng cách hấp thụ thêm nước trong ruột. Khi sử dụng các chất bổ sung này, bệnh nhân nên chú ý uống nhiều nước. Các loại chất bổ sung này bao gồm:

  • Cám lúa mì
  • Chất xơ từ ngô
  • Canxi polycarbophil (Fibercon)
  • Psyllium (Fiberall, Metamucil, Perdiem và các sản phẩm khác)

Những chất này có thể giúp giảm táo bón, nhưng không có tác dụng với các triệu chứng khác của IBS như đau bụng, khó chịu và sưng tấy. Thậm chí, việc sử dụng chất xơ bổ sung có thể làm tăng cường tình trạng đau bụng, đầy hơi và khó chịu. 

Bổ sung chất xơ giúp quá trình đi tiêu dễ dàng, hỗ trợ điều trị IBS kèm táo bón.

2.3 Thuốc nhuận tràng

Nhiều bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích đã chuyển sang sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm tình trạng táo bón. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rõ về hiệu quả và tác động của thuốc đối với tình trạng bệnh cụ thể của bản thân.

Thuốc nhuận tràng giúp người bệnh có thể đi đại tiện và có tác dụng tích cực đối với người thường xuyên gặp táo bón. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý rằng, lạm dụng thuốc thường xuyên có thể gây hại cho cơ thể.  

Điều này không có nghĩa là thuốc nhuận tràng không có hiệu quả trong điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C). Trong số nhiều loại thuốc nhuận tràng khác nhau, hiểu rõ thành phần và tác động của thuốc là điều cần thiết. Một số loại an toàn hơn trong việc điều trị táo bón lâu dài, trong khi các loại khác có thể gây phụ thuộc thuốc và có tác dụng có hại lâu dài.

  • Đối với thuốc nhuận tràng kích thích như bisacodyl (Correctol, Dulcolax), sennosides (Ex-Lax, Senokot), dầu thầu dầu và cascara thực vật, bệnh nhân sử dụng thận trọng vì chúng có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và co thắt dạ dày.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu như lactulose kéo nước vào đại tràng để làm mềm phân, giúp dễ đi ngoài hơn. Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp giảm táo bón và có thể làm các triệu chứng khác như đau bụng, khó chịu trở nên tồi tệ hơn. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu khá an toàn cho người bị IBS-C dùng lâu dài nhưng bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thường xuyên. Đặc biệt, hãy uống nhiều nước khi dùng thuốc để tránh mất nước.

2.4 Thuốc theo toa

Linaclotide (Linzess) được sử dụng để điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C) ở cả nam và nữ khi các phương pháp điều trị khác không đạt được kết quả mong muốn. Thuốc có dạng viên nang, uống một lần mỗi ngày khi đang đói và ít nhất 30 phút trước bữa ăn đầu tiên trong ngày. Lưu ý rằng, người dưới 17 tuổi không nên dùng thuốc này và tác dụng phụ phổ biến nhất là tiêu chảy.

Plecanatide (Trulance) là một loại thuốc kê đơn đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị táo bón mà không gây tác dụng phụ như chuột rút và đau bụng. Plecanatide tăng cường lượng dịch tiêu hóa trong ruột và tăng cường hoạt động của nhu động ruột. 

Linaclotide (Linzess) có dạng viên nang, được sử dụng để điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C) ở cả nam và nữ.

2.5 Thuốc chống trầm cảm

Bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc chống trầm cảm ở liều thấp để điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS). Cần lưu ý rằng, sử dụng thuốc này không đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang trong tình trạng trầm cảm. Nhóm thuốc chống trầm cảm có thể ngăn chặn não nhận thức về các cơn đau ở ruột.

2.6 Thuốc chống co thắt

Các loại thuốc chống co thắt như dicyclomine (Bentyl) và hyoscyamine (Levsin) được sử dụng để giảm co thắt dạ dày do hội chứng ruột kích thích (IBS) bằng cách làm giãn cơ trơn của ruột. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây táo bón và thường không được kê đơn điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C). Các tác dụng phụ khác bao gồm khô miệng, buồn ngủ và mờ mắt.

2.7 Tenapanor

Đối với Tenapanor, loại thuốc này được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Tenapanor hoạt động bằng cách tăng lượng chất dịch trong ruột, giúp thức ăn di chuyển nhanh chóng qua ruột. Thuốc có thể cải thiện kết cấu phân và giảm đau hoặc sự khó chịu ở bụng.

Để điều trị IBS kèm táo bón (IBS-C), người bệnh cần áp dụng một phương pháp tổng hợp bao gồm thay đổi lối sống, chế độ ăn uống hợp lý và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Kiên trì tuân thủ các hướng dẫn y tế, duy trì một lối sống lành mạnh và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên sẽ giúp giảm thiểu triệu chứng cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo