Tuy không gây nguy hiểm nhưng với bản chất mạn tính, thường xuyên tái đi tái lại, hội chứng ruột kích thích gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Việc suy giảm năng suất lao động cũng như chi phí liên quan điều trị cũng tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Phương pháp điều trị chủ yếu cho hội chứng ruột kích thích là điều trị triệu chứng kết hợp với điều chỉnh các yếu tố nguy cơ làm khởi phát triệu chứng như chế độ sinh hoạt, chế độ ăn cũng như các vấn đề tâm thần kinh đi kèm. Tuy nhiên, quá trình điều trị hội chứng ruột kích thích thường kéo dài, khó dứt điểm và dễ tái phát khi ngưng điều trị. Vì thế các nhà nghiên cứu và lâm sàng vẫn không ngừng cố gắng tìm ra các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn cho hội chứng ruột kích thích.
1. Mục tiêu điều trị trong hội chứng ruột kích thích
Mục tiêu điều trị hội chứng ruột kích thích là nhằm giảm nhẹ triệu chứng, từ đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở tạo dựng được mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân tốt, đồng thời cá nhân hóa điều trị, điều chỉnh từ triệu chứng đến tâm lý cho từng bệnh nhân.
2. Điều trị hội chứng ruột kích thích không dùng thuốc
1. Tư vấn tâm lý
Tư vấn tâm lý cho bệnh nhân là một phần rất quan trọng trong quá trình điều trị và quản lý bệnh nhân hội chứng ruột kích thích, quyết định hiệu quả điều trị. Chỉ khi có sự tin tưởng và hợp tác giữa thầy thuốc với bệnh nhân thì mới khiến bệnh nhân tuân thủ điều trị, tạo thuận lợi cho các bước điều trị tiếp theo như thay đổi lối sống và dùng thuốc đúng cách thì điều trị mới có thể thành công. Trước hết, chúng ta cần lắng nghe bệnh nhân, tìm hiểu nguyên nhân khiến bệnh nhân đến khám, qua đó đánh giá được triệu chứng, mức độ của bệnh cũng như trạng thái tâm lý của bệnh nhân.
Sau đó ta nên giải thích rõ ràng về tình trạng bệnh kèm trấn an bệnh nhân rằng hội chứng ruột kích thích không phải bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng, nhưng bệnh dễ tái phát và quá trình điều trị có thể kéo dài. Cuối cùng, khi bệnh nhân đã hiểu về bệnh, chúng ra tiến hành thảo luận với bệnh nhân về hướng điều trị, tạo điều kiện cho bệnh nhân tham gia vào các quyết định điều trị, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cách tiết chế, thay đổi lối sống để hỗ trợ điều trị và thích nghi với bệnh.
2. Chế độ ăn trong hội chứng ruột kích thích
Chế độ ăn rất quan trọng ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. Biện pháp điều chỉnh chế độ ăn thích hợp dùng cho những bệnh nhân có quan tâm chú ý đến mối liên quan giữa thức ăn và triệu chứng của mình, và có quyết tâm thay đổi. Nên hướng dẫn bệnh nhân viết nhật ký ăn uống để theo dõi thực phẩm nào làm khởi phát triệu chứng từ đó có thể hạn chế sử dụng. Có một số chế độ ăn đã được khuyến cáo cho bệnh nhân hội chứng ruột kích thích:
Chế độ ăn truyền thống cho bệnh nhân hội chứng ruột kích thích khuyên rằng nên ăn uống thường xuyên và dành thời gian để ăn, tránh bỏ bữa hoặc để khoảng cách quá lâu giữa các bữa ăn; uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày, đặc biệt là nước lọc hoặc đồ uống không chứa caffein, hạn chế uống trà và cà phê ở mức 3 tách mỗi ngày, giảm uống rượu và đồ uống có ga; hạn chế ăn thực phẩm giàu chất xơ (chẳng hạn như bột nguyên cám hoặc bột mì nhiều chất xơ và bánh mì, ngũ cốc có nhiều cám và ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt); giảm tiêu thụ “tinh bột kháng” (resistant starch) (tinh bột kháng lại sự tiêu hóa ở ruột non và còn nguyên vẹn khi đến ruột già ), thường có trong thực phẩm đã qua chế biến hoặc nấu lại; hạn chế trái cây đến 3 phần mỗi ngày (1 phần khoảng 80g).
Những người bị tiêu chảy nên tránh sorbitol, một chất làm ngọt nhân tạo có trong đồ ngọt không đường và đồ uống, cũng như trong một số sản phẩm ăn kiêng dành cho giảm cân và bệnh nhân đái tháo đường. Những người bị đầy hơi và chướng bụng có thể thấy hữu ích khi ăn yến mạch (chẳng hạn như cháo hoặc ngũ cốc ăn sáng làm từ yến mạch) và hạt lanh (tối đa 1 muỗng canh mỗi ngày).
Chế độ ăn FODMAPs thấp FODMAPs (Fermentable Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides and Polyols) là các carbohydrate kém hấp thu ở ruột non, khi đi xuống đại tràng được vi khuẩn lên men làm tăng hơi và dịch trong ruột dẫn đến đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Chế độ ăn FODMAPs thấp là chế độ hạn chế ăn các loại thực phẩm FODMAPs cao, và nên bổ sung thêm các loại thực phẩm FODMAPs thấp.
Các thực phẩm có lượng FODMAPs cao là các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, trong các loại rau củ như atiso, bông cải, măng tây, củ cải đường, đậu lăng, đậu gà, hành tỏi, các loại trái cây như táo, lê, đào, cherry, xoay, dưa hấu, mơ, mận, trái cây sấy, các chế phẩm từ sữa như sữa bò, sữa chua; và hầu hết các chất tạo ngọt như mật ong, sorbitol, manitol, xylitol, maltitol, isomalat.
Các thực phẩm có lượng FODMAPs thấp gồm gạo, yến mạch, bắp. Rau củ có cải chíp, rau diếp, măng, giá, cà rốt, dưa leo, cà tím, khoai tây, gừng. Trái cây có chuối, việt quất, kiwi, cam, chanh, bưởi, đậu, dưa lưới. Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, đậu phộng, hạt mắc ca. Sữa có FODMAPs thấp thường là các thành phần sữa hạt, sức có nguồn gốc thức vật, hoặc sữa và các chế phẩm từ sữa không chứa lactose. Thịt, cá, trứng, đậu hũ là các loại đạm FODMAPs thấp hay gặp.
Thực hiện chế độ ăn FODMAPs thấp theo 3 giai đoạn: Giai đoạn tiết chế, giai đoạn thử ăn lại, và giai đoạn cá nhân hoá chế độ ăn. Giai đoạn tiết chế thường kéo dài từ 4 đến 6 tuần. Giai đoạn thử ăn lại bắt đầu từ 6 đến 10 tuần tiếp theo, trong giai đoạn này người bệnh sẽ dùng các thức ăn chứa từng loại FOODMAP riêng, tăng dần trong mỗi 3 ngày. Cuối cùng từ kết quả của giai đoạn thử ăn lại, người bệnh và bác sĩ sẽ cá nhân hoá lại chế độ ăn để có thể đưa ra một chế độ ăn phù hợp nhất với từng cá thể. Chế độ ăn FODMAP thấp là liệu pháp điều trị hiệu quả đối với triệu chứng toàn thể và đau bụng ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy. Tuy nhiên liệu pháp này khá phức tạp và cần có sự giám sát của chuyên gia dinh dưỡng.
Chế độ ăn không gluten và chế độ ăn dựa trên việc loại bỏ thực phẩm dựa trên kháng thể IgG không khuyến cáo ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. Còn với chất xơ thì chỉ chất xơ hòa tan là có hiệu quả. Chất xơ hòa tan có nhiều trong hạt mã đề, bắp, yến mạch, đại mạch, phần thịt của rau củ quả, calcium polycarbophil, methylcellulose. Dùng 25-35g/ngày, giúp giảm triệu chứng, đặc biệt là táo bón; nhưng không nên dùng quá nhiều hay tăng liều quá nhanh vì có thể làm tăng đầy hơi chướng bụng.
Có nhiều nghiên cứu so sánh hiệu quả của các chế độ ăn kể trên. Kết quả là có nghiên cứu cho rằng chế độ ăn truyền thống và FODMAP thấp có hiệu quả như nhau, nhưng cũng có nghiên cứu cho thấy chế độ FODMAP thấp tốt hơn truyền thống. Nhìn chung, với ưu điểm đơn giản, giá thành rẻ, dễ thực hiện thì chế độ ăn truyền thống vẫn được ưu tiên lựa chọn làm chế độ ăn đầu tay, còn FODMAP thấp là lựa chọn thay thế.
3. Vận động
Vận động rất có ích cho bệnh nhân hội chứng ruột kích thích vì không chỉ giúp giảm triệu chứng tiêu hóa, cải thiện chất lượng sống mà còn giúp ích cho tâm trạng, giấc ngủ, năng lượng, thể chất, vai trò xã hội của bệnh nhân.
4. Liệu pháp tâm lý
Dựa trên những hiểu biết về sự gia tăng các triệu chứng được kích hoạt bởi stress ở nhiều bệnh nhân, tình trạng đồng mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, và ảnh hưởng của não bộ đối với cảm nhận về cơn đau nội tạng. Các phương pháp trị liệu tâm lý sau đã được nghiên cứu trong HCRKT bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức, huấn luyện/thư giãn trị liệu, liệu pháp thôi miên, liệu pháp tâm lý đa thành phần, liệu pháp hành vi nhận thức tự quản lý/liên hệ tối thiểu, liệu pháp hành vi nhận thức trực tuyến, liệu pháp tâm lý động, huấn luyện thiền chánh niệm, quản lý căng thẳng, và huấn luyện nhận thức và biểu đạt cảm xúc.
Trong một nghiên cứu so sánh với nhóm đối chứng bao gồm giám sát triệu chứng hoặc chăm sóc thông thường trong hầu hết các thử nghiệm. Mặc dù có sự không đồng nhất đáng kể trong các nghiên cứu, các phương pháp trị liệu tâm lý nhận thấy giảm triệu chứng hội chứng ruột kích thích với RR là 0,69 (KTC 95% 0,62–0,76), với NNT là 4 (KTC 95% 3,5–5,5). Trong phân tích các hình thức khác nhau, liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp thư giãn, liệu pháp tâm lý đa thành phần, liệu pháp thôi miên, và liệu pháp tâm lý động hiệu quả hơn so với nhóm đối chứng với NNTs 4–6. Các phương pháp trị liệu tâm lý được khuyến cái bởi ACG (2D), UEG, và NICE
Tài liệu tham khảo
1. Drossman DA. Functional Gastrointestinal Disorders: History, Pathophysiology, Clinical Features and Rome IV. Gastroenterology. Feb 19 2016;doi:10.1053/j.gastro.2016.02.032
2. Oka P, Parr H, Barberio B, Black CJ, Savarino EV, Ford AC. Global prevalence of irritable bowel syndrome according to Rome III or IV criteria: a systematic review and meta-analysis. The lancet Gastroenterology & hepatology. Oct 2020;5(10):908-917. doi:10.1016/s2468-1253(20)30217-x
3. Quach DT, Vu KT, Vu KV. Prevalence, clinical characteristics, and management of irritable bowel syndrome in Vietnam: A scoping review. JGH open : an open access journal of gastroenterology and hepatology. Nov 2021;5(11):1227-1235. doi:10.1002/jgh3.12616
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.