Nhiều người thường hay nhầm lẫn là bệnh đái tháo đường (tiểu đường) chỉ xảy ra với người lớn, rất ít người biết rằng trẻ em cũng có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường ở trẻ em ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì thế, việc tìm hiểu về bệnh đái tháo đường ở trẻ em và trẻ vị thành niên là rất cần thiết.
Làm thế nào để có thể nhận biết các biểu hiện lâm sàng ở trẻ em mắc bệnh đái tháo đường?
Đái tháo đường là bệnh lý liên quan đến quá trình chuyển hóa đường ở trong máu, làm cho lượng đường ở trong máu luôn duy trì ở mức cao. Đái tháo đường thường sẽ có nguy cơ dẫn đến các bệnh lý đi kèm như: Suy thận, cao huyết áp, suy tim ,… Vậy chúng ta có thể nhận biết được bệnh tiểu đường ở trẻ em thông qua các biểu hiện lâm sàng thường thấy như sau:
- Trẻ em thường xuyên ở trong trạng thái khát nước: Khát nước là một biểu hiện khá phổ biến ở người bị mắc bệnh tiểu đường nói chung và trẻ em nói riêng. Con bạn sẽ luôn trong tình trạng khát nước vì lượng đường tích tụ ở trong máu cao luôn duy trì ở mức cao . Nồng độ đường trong máu tăng khiến thận phải lọc liên tục và cơ thể cần phải cung cấp nước để thận thực hiện quá trình lọc đấy.
- Đi tiểu nhiều lần: Việc trẻ uống nhiều nước và thận lọc liên tục là nguyên nhân dẫn đến việc đi tiểu nhiều lần trong ngày của trẻ. Đến khi thận không còn khả năng để hoàn thành quá trình này, lượng đường dư thừa trong máu sẽ được bài tiết ra ngoài cùng với nước tiểu. Việc đi tiểu nhiều làm cho trẻ dễ bị mất nước và điện giải. Trẻ cứ uống nước để bù lại lượng mất đi và càng ngày uống càng nhiều nước.
- Bạn nhỏ sẽ thường xuyên cảm thấy đói: Việc thiếu hụt hoặc insulin mất khả năng hoạt hóa nên lượng đường trong các mô giảm mạnh. Từ đó làm cho trẻ luôn ở trong trạng thái đói bụng, ngay cả sau khi trẻ vừa mới ăn cơm xong.
- Cảm thấy mệt mỏi và mất năng lượng vận động: Có thể lí giải nguyên nhân này là do lượng đường cơ thể chuyển hóa được rất ít, lượng đường ở trong máu cao không được hấp thu mà thải ra ngoài cùng nước tiểu. Ngoài ra, việc đi tiểu nhiều lần trong ngày cũng sẽ làm cho trẻ luôn bị mất nước dẫn đến mệt mỏi và uể oải.
- Trẻ bị giảm cân một cách bất thường: Trẻ sẽ ăn nhiều hơn bình thường để giảm các cơn đói liên tục nhưng các mô lại không được nhận năng lượng từ đường có trong thức ăn. Khi đó, các mô bắt buộc phải lấy năng lượng từ những mô mỡ đã được dự trữ trước đó. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao trẻ ăn nhiều và liên tục nhưng vẫn bị sụt cân.
- Mắt nhìn mờ: Lượng đường trong máu tăng cao sẽ rút dịch từ các mô trong đó có mô thủy tinh thể của mắt. Nếu không điều trị đái tháo đường sớm có thể dẫn đến hình thành những mạch máu mới ở võng mạc và tổn thương các mạch máu ở đây. Thời gian đầu, đái tháo đường chưa ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể gây mất thị lực và mù lòa.
Trên đây là các biểu hiện phổ biến và hay gặp ở trẻ bị đái tháo đường. Ngoài ra cũng sẽ có các biểu hiện lâm sàng khác ít gặp hơn như: hôn mê, co giật, mất trí giá,…Những triệu chứng này thường chỉ xuất hiện khi bệnh trở nặng.
Các biến chứng cấp tính nguy hiểm nào có thể sẽ xảy ra ở trẻ mắc bệnh tiểu đường?
Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường là vấn đề y tế nghiêm trọng mà người bệnh đái tháo đường có thể gặp phải. Những biến chứng này thường xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn và có thể đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp. Vì vậy bố mẹ trẻ cần nắm các thông tin về biến chứng cấp tính đái tháo đường để có thể nhận biết và biết cách xử lý kịp thời cho trẻ:
– Hạ đường huyết: đây là tình trạng mà lượng đường trong máu hạ xuống thấp dưới mức bình thường. Được xem là biến chứng cấp tính nguy hiểm ở người mắc bệnh đái tháo đường cần được xử lý kịp thời.
+ Có thể do trẻ nhịn đói, bỏ bữa ăn. Trẻ vận động quá sức hoặc sử dụng thuốc cho trẻ không đúng liều
+ Biểu hiện của biến chứng cấp này có thể: có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi, nhịp tim tăng, tim đập mạnh, tay chân run rẩy. Nếu nặng có thể gây co giật, hôn mê hoặc tử vong.
+ Xử lý: Nếu hạ đường huyết nhẹ có thể cho trẻ ăn một ít bánh, kẹo,hoa quả hoặc đồ ngọt. Tình trạng không đỡ thì có thể cho trẻ uống nước đường, sau 15 phút đo đường huyết lại cho trẻ. Nếu tình trạng vẫn không đỡ thì nên nhanh chóng, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
– Nhiễm toan Ceton: Do cơ thể lấy chất béo để chuyển hóa làm tăng sản xuất nhiều Ceton gây toan máu. Biến chứng xảy ra khi cơ thể thiếu hụt Insulin và thường xuất hiện ở bệnh nhân ĐTĐ type 1.
+ Biểu hiện của biến chứng: Tiểu nhiều, khát nhiều, đau bụng và buồn nôn. Ngoài ra trẻ có thể bị hạ huyết áp, tim đập nhanh, hạ thân nhiệt, xuất hiện tình trạng lờ mờ, hôn mê,…
+ Xử lý: Nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện trên chúng ta cần ngay lập tức đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán xác định phương án điều trị cho trẻ.
Biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường là biến chứng nghiêm trọng xảy ra nhanh, đột ngột và có thể để lại hậu quả nặng nề. Vì vậy bốmẹ hãy nắm rõ những thông tin về cách phòng tránh sau đây để cho trẻ phát triển một cách tốt nhất nhé.
- Nên xây dựng cho trẻ một chế độ ăn hợp lý với giàu thực phẩm tốt cho sức khỏe.
- Bố mẹ nên khuyến khích bé ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: rau củ quả, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc,… Hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ như : Gà rán, viên chiên, xúc xích chiên,…
- Hạn chế cho trẻ uống nhiều đồ ngọt hay bánh kẹo chứa nhiều đường. Nó có thể làm cho trẻ tăng cân quá mức, tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ.
- Động viên, khuyến khích trẻ tham gia hoặc chơi một bộ môn thể thao nào đó như: cầu lông, bơi lội, đá cầu, đạp xe hoặc chí ít có thể chạy bộ. Bố mẹ nên tập làm bạn với con tham gia để tạo cho con sự vui vẻ và thú vị hơn nhé.
Bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa được. Chúng ta thậm chí không thể biết ai sẽ mắc bệnh hay sẽ không mắc căn bệnh này. Bệnh đái tháo đường không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy trẻ em và thanh thiếu niên không thể mắc bệnh từ người khác hoặc truyền bệnh cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.
Ngược lại đái tháo đường type 2 đôi khi có thể được ngăn ngừa. Tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động sẽ là những nguyên nhân làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 2. Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, do số lượng trẻ em thừa cân/béo phì ngày càng tăng nhanh. Bố mẹ cần quan tâm đến sức khỏe và đời sống của con nhỏ để giúp trẻ phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện nhé.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.