Ung thư dạ dày có chữa được không luôn là thắc mắc của nhiều người, bởi phần lớn mọi người tin rằng ung thư là một căn bệnh khó chữa và rất ít người có thể vượt qua. Tuy nhiên, nhiều loại ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu xem ung thư dạ dày có thể chữa được không thông qua bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS. BS Lê Tấn Đạt – Bác sĩ Nội Ung bướu – Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu – Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Mức độ phổ biến của ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là sự phát triển không kiểm soát và tăng sinh đột biến của các tế bào trong dạ dày, hình thành nên khối u và có thể xâm lấn cục bộ hoặc di căn xa qua các cơ quan khác.
Đây là một trong những loại ung thư phổ biến trên thế giới, bệnh đứng ở vị trí thứ 3 ở nam và thứ 4 ở nữ về tỷ lệ mắc bệnh. Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày giúp điều trị hiệu quả hơn.
Ung thư dạ dày thường phát hiện ở người có độ tuổi trên 50. Theo nghiên cứu, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu ca mắc ung thư dạ dày và ước tính có 796.000 người tử vong vì bệnh này.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, xếp thứ 3 sau ung thư gan và ung thư phổi cho cả nam và nữ. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ca tử vong do bệnh thường không được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Ở các nước phương Tây, mặc dù y học tiên tiến, nhưng có khoảng 80% bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi không thể phẫu thuật hoặc phẫu thuật cũng không đem lại hiệu quả lâu dài, dẫn đến tỉ lệ sống thấp.
2. Ung thư dạ dày có chữa được không?
Bác sĩ sẽ xem ung thư dạ dày đã chữa khỏi nếu bệnh thuyên giảm hoàn toàn trong thời gian ít nhất là 5 năm. Sự thuyên giảm hoàn toàn có nghĩa là tất cả các xét nghiệm về ung thư ở người bệnh đều có kết quả âm tính trong thời gian này.
Chúng ta thường đợi 5 năm mới có thể đi đến kết luận ung thư của bệnh nhân đã được chữa khỏi vì hầu hết các loại ung thư có nguy cơ tái phát trở lại trong khoảng thời gian này, đặc biệt là trong những năm đầu tiên.
Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trong một nửa số người mắc ung thư biểu mô tuyến dạ dày sẽ tái phát sau khoảng 10-11 tháng.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày và việc lựa chọn phương pháp phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Một tin vui cho các bệnh nhân đang thắc mắc “ung thư dạ dày có chữa được không” là nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Tại giai đoạn sớm (ung thư chưa xuất hiện tình trạng di căn và chỉ bị tổn thương trên vùng bề mặt), bác sĩ có thể chữa trị bằng cách sử dụng phương pháp nội soi cắt hớt niêm mạc dạ dày (Endoscopic Mucosal Resection – EMR) để loại bỏ khối u mà không cần phẫu thuật hở hoặc hoá trị.
Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn khi ung thư đã xâm lấn sâu vào thành dạ dày hoặc có sự di căn đến các hạch thì phẫu thuật thường là phương pháp chính được lựa chọn. Bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày để điều trị ung thư. Khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng sẽ đối mặt với các nguy cơ sớm sau phẫu thuật cũng như như rối loạn dinh dưỡng, thiếu máu về lâu dài.
Sau phẫu thuật, người bệnh cũng cần được kiểm tra xem liệu bệnh đã di căn hay chưa để quyết định liệu trình hóa trị tiếp theo. Đôi khi, việc điều trị hóa trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật, sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra lại tình trạng bệnh trước khi quyết định tiếp tục với phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác như liệu pháp đích hay miễn dịch.
3. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc ung thư có chữa được không
Khả năng ung thư dạ dày có chữa được không còn phụ thuộc vào các yếu tố:
3.1 Giai đoạn của ung thư
Bác sĩ sẽ phân loại ung thư dạ dày thành các giai đoạn để ước tính tiên lượng của bệnh nhân và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất. Hệ thống phân loại ung thư dạ dày từ giai đoạn 0 đến 4 sẽ xem xét dựa trên:
- Kích thước của khối u ung thư.
- Số lượng hạch bạch huyết bị di căn.
- Ung thư có di căn đến các cơ quan ở xa hay không
Với câu hỏi “Ung thư dạ dày có chữa được không?” thì câu trả lời là không nếu ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn 3 hoặc 4. Vì khi bệnh ở giai đoạn cuối này, thì khối u đã di căn sang các bộ phận khác nên việc chữa khỏi là hoàn toàn không thể.
3.2 Tuổi tác và sức khoẻ tổng thể
Những bệnh nhân trẻ tuổi và có sức khoẻ tổng thể tốt có thể thực hiện các phương pháp điều trị chuyên sâu và mang lại cơ hội sống sót cao hơn. Nhìn chung, tỷ lệ sống sót đối với bệnh ung thư dạ dày cao nhất ở người dưới 20 tuổi và thấp nhất ở những bệnh nhân trên 75 tuổi.
4. Cần làm gì để phòng tránh ung thư dạ dày?
Bệnh ung thư dạ dày có chữa được không còn phụ thuộc vào cách người bệnh thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh:
- Điều trị triệt để các vấn đề liên quan đến dạ dày: Nếu gặp phải các vấn đề về dạ dày, mọi người đừng chủ quan mà hãy điều trị chúng đến tận gốc. Trong quá trình điều trị, hãy tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và không nên tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thuốc một cách quá mức, vì điều này có thể làm trở ngại cho quá trình điều trị.
- Chế độ ăn lành mạnh: Chọn lựa thực phẩm lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện sức khỏe dạ dày. Hãy tránh các thực phẩm có hại như đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm giàu muối và chất béo, thực phẩm lên men như dưa muối và cà muối, thức ăn cay nóng, rượu bia và thuốc lá. Thay vào đó, hãy bổ sung vào chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu chất xơ và vitamin như súp lơ và rau cải.
- Thói quen ăn uống: Hãy duy trì thói quen ăn chậm và nhai kỹ, ăn uống đúng giờ và không bỏ bữa. Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày và duy trì sức khỏe tốt.
- Thường xuyên vận động: Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe và đề kháng, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, bao gồm cả ung thư dạ dày.
- Tầm soát sớm: Thực hiện các xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư dạ dày, từ đó có thể điều trị kịp thời và cải thiện tiên lượng của bệnh.
- Giữ tinh thần thoải mái: Tránh căng thẳng bằng cách thực hiện các hoạt động giảm stress như yoga, thiền, đi bộ, nghe nhạc hoặc nấu ăn.
- Tránh tiếp xúc với chất độc hại: Hạn chế tiếp xúc với môi trường có chứa các hóa chất độc hại, và khi cần thiết, đảm bảo bạn đang mặc đồ bảo hộ lao động.
Qua bài viết trên cho thấy, ung thư dạ dày có chữa được không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh, và nguyên nhân gây bệnh. Trên thực tế, nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, chỉ khoảng hơn 5% số bệnh nhân sống sót trên 5 năm.
Vì vậy, nếu bản thân, gia đình hoặc bạn bè đối mặt với nguy cơ ung thư dạ dày, mọi người cần được tư vấn y tế chuyên môn, hãy đến thăm bác sĩ ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.