Viêm tai ngoài có tự khỏi được không?

[Góc giải đáp] Viêm tai ngoài có tự khỏi được không?

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm ở ống tai ngoài do nhiều yếu tố gây ra. Bệnh thường không gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm và tương đối dễ hồi phục. Bởi thế, nhiều người cho rằng viêm tai ngoài có thể tự khỏi được mà không cần điều trị bằng thuốc. Vậy thực chất khi bị viêm tai ngoài có tự khỏi không, cần chăm sóc tai đúng cách như thế nào? 

Khi tai thường xuyên tiếp xúc với nước (ở những người hay bơi lội) hoặc bị va đập, chấn thương sẽ dễ dẫn đến tình trạng viêm tai ngoài với biểu hiện thường thấy là sưng, đỏ, tiết dịch từ ống tai. Vậy bệnh viêm tai ngoài có tự khỏi được không? Bệnh sẽ kéo dài bao lâu và khi nào cần điều trị? Khi bị viêm tai ngoài cần lưu ý những gì? Mời bạn cùng Bác sĩ Hoa đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên qua bài viết sau.

1. Viêm tai ngoài là gì?

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm (sưng và đỏ) xảy ra ở ống tai ngoài – ống nối giữa phần tai ngoài và màng nhĩ. Nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm là do nhiễm trùng (thường là vi khuẩn, đôi khi có thể do nhiễm nấm) nhưng cũng có trường hợp liên quan đến các bệnh lý khác như chàm, dị ứng…

Các triệu chứng thường gặp khi bị viêm tiêm ngoài gồm:

  • Đau tai, nhất là khi chạm vào hoặc ngoáy tai và cơn đau có thể lan đến đầu, cổ hoặc một bên mặt
  • Sưng, đỏ ở ống tai ngoài
  • Ngứa trong ống tai
  • Chảy dịch hoặc mủ từ tai
  • Giảm hoặc mất thính lực tạm thời
  • Cảm thấy ù hoặc đầy tai
  • Sốt…

Viêm thường xảy ra một tai, ở bên bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây ra nhiễm trùng. Các triệu chứng này có khả năng giống với một vài tình trạng bệnh lý khác. Để biết chính xác vấn đề mình đang gặp phải là gì, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh.

2. Giải đáp thắc mắc: Viêm tai ngoài có tự khỏi không? Viêm tai ngoài kéo dài bao lâu? 

Một số trường hợp viêm tai ngoài có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc nhưng sẽ mất nhiều tuần để hồi phục. Nếu dùng thuốc nhỏ tai, các triệu chứng viêm sẽ cải thiện nhanh chóng trong khoảng vài ngày. Các loại thuốc nhỏ tai được dùng để điều trị viêm tai ngoài rất đa dạng nhưng nhìn chung sẽ cần nhỏ thuốc nhiều lần trong ngày và dùng trong khoảng 5-7 ngày.

Khi được điều trị và tự chăm sóc đúng cách, tình trạng viêm tai ngoài thường khỏi trong vòng 7-10 ngày. Các phương pháp điều trị được lựa chọn dựa trên các yếu tố như:

  • Tuổi, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh của người bệnh
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm
  • Khả năng dung nạp với các loại thuốc, phương pháp điều trị
  • Mong muốn của người bệnh.

Nếu các triệu chứng vẫn tiến triển nặng thêm hoặc không đáp ứng với việc điều trị ban đầu, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra và thay đổi cách điều trị khác triệt để hơn.

3. Viêm tai ngoài được điều trị như thế nào? Khi nào cần phải đi khám? 

Việc điều trị viêm tai ngoài bao gồm dùng một số loại thuốc nhỏ tai để thúc đẩy quá trình chữa lành diễn ra nhanh hơn kết hợp với những biện pháp tự chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng tại nhà, phòng ngừa xảy ra biến chứng.

Hiện có 4 loại thuốc nhỏ tai được sử dụng trong điều trị viêm tai ngoài, gồm:

  • Thuốc kháng sinh nhỏ tai: giúp điều trị tình trạng nhiễm trùng vốn là nguyên nhân gây ra viêm.
  • Thuốc corticosteroid: giúp giảm nhẹ tình trạng sưng, viêm.
  • Thuốc kháng nấm nhỏ tai: điều trị tình trạng nhiễm nấm trong trường hợp viêm tai ngoài do nhiễm nấm gây ra.
  • Thuốc nhỏ tai có tính axit: mang lại tác dụng tiêu diệt vi khuẩn.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng kết hợp các loại thuốc trên tùy theo tình trạng viêm của bạn. Sau đợt điều trị, bạn cần đi kiểm tra lại xem có còn vấn đề tiềm ẩn nào khác không.

Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc khác có tác dụng mạnh hơn như:

  • Thuốc giảm đau mạnh hơn như codein
  • Kháng sinh đường uống để điều trị nhiễm nặng, thường ưu tiên lựa chọn flucloxacillin
  • Điều trị các bệnh lý về da gây nên tình trạng viêm tai ngoài như viêm da tiết bã, bệnh vẩy nến hoặc chàm.

Nếu có u nhọt xuất hiện trong tai, bác sĩ có thể rạch dẫn lưu mủ bằng kim. Lưu ý, đây là một thủ thuật y khoa cần được thực hiện bởi người có chuyên môn, bạn không nên tự ý thực hiện việc này tại nhà mà phải đến bệnh viện.

4. Lưu ý khi điều trị viêm tai ngoài 

Trong thời gian điều trị viêm tai ngoài, bạn cũng cần chú ý tự chăm sóc đúng cách để giúp giảm nhẹ triệu chứng cũng như ngăn ngừa biến chứng:

  • Không để tai bị ướt, nếu bạn có sở thích bơi lội thì nên tạm ngừng đến khi khỏi bệnh
  • Lau khô dịch tiết ra từ tai nhẹ nhàng bằng tăm bông, chú ý không đưa tăm bông vào quá sâu bên trong lỗ tai
  • Tháo các thiết bị/ đồ vật có thể gây kích ứng ra khỏi tai, như máy trợ thính, nút tai…
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần biết cách dùng thuốc nhỏ tai đúng cách để đem lại hiệu quả tốt. Bạn nên nhờ người thân nhỏ thuốc giúp sẽ dễ dàng hơn:

  • Trước khi nhỏ thuốc, hãy nhẹ nhàng vệ sinh tai, lau sạch dịch bên trong tai hoặc lấy ráy tai ra ngoài bằng tăm bông.
  • Làm ấm thuốc nhỏ tai bằng cách nắm chai thuốc trong tay vài phút vì nhỏ thuốc ở nhiệt độ lạnh có thể khiến bạn bị chóng mặt.
  • Nằm nghiêng và đưa bên tai bị viêm hướng lên trên rồi nhỏ thuốc trực tiếp vào ống tai ngoài.
  • Nhẹ nhàng đẩy và kéo tai ra vào trong khoảng 30 giây để thuốc đi vào trong và đẩy không khí trong tai ra ngoài.
  • Nằm trong khoảng 3-5 phút để đảm bảo thuốc nhỏ tai không chảy ra bên ngoài. Sau đó, để yên cho ống tai khô tự nhiên.

Dù viêm tai ngoài nhẹ có thể tự khỏi nhưng để bệnh nhanh lành và ngăn ngừa những biến chứng khác thì bạn nên thăm khám và điều trị sớm. Các biến chứng viêm tai ngoài hiếm khi xảy ra nhưng bạn vẫn không nên chủ quan. Một biến chứng hiếm gặp của tình trạng này là viêm tai ngoài hoại tử khi nhiễm trùng lây lan từ ống tai vào đến xương xung quanh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị.

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo