Bệnh tiểu đường là căn bệnh mãn tính do rối loạn chuyển hóa glucose trong máu, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của người bệnh. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tiểu đường. Cùng tìm hiểu thực đơn cho người tiểu đường ở bài viết dưới đây.
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị tiểu đường
Mục tiêu thiết lập chế độ dinh dưỡng cho người mắc tiểu đường là hướng đến sự ổn định của đường huyết sau khi ăn, từ đó giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe liên quan như bệnh tim mạch, tăng huyết áp và cao mỡ máu. Chế độ ăn uống hợp lý không chỉ tập trung vào việc cân nhắc các thành phần thức ăn mà còn đặt biệt chú trọng đến cách chúng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện.
Để duy trì sức khỏe và hạn chế biến chứng bệnh, người tiểu đường nên tuân thủ theo các nguyên tắc dinh dưỡng sau đây:
- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và mức độ hoạt động thể chất.
- Cân bằng dinh dưỡng bằng việc cung cấp đủ protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất.
- Ưu tiên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt và nước ngọt.
- Phân chia bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày. Việc chia nhỏ bữa ăn cần dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để tình trạng quá đói, hoặc quá no.
- Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 2 lít.
- Cần vận động sau khi ăn, tránh nằm, ngồi một chỗ sau ăn, dành thời gian tập luyện thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Tỷ lệ thành phần thức ăn so với tổng năng lượng được khuyến nghị:
- Carbohydrate: Chiếm 45-65% năng lượng. Nên chọn thực phẩm giàu chất xơ, có chỉ số GI thấp như: gạo lứt, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây ít ngọt. Lựa chọn thực phẩm GI thấp nên kết hợp với lượng carbohydrate và chất xơ tổng thể trong bữa ăn.
- Protein: Chiếm 15-20% năng lượng. Nên chọn thực phẩm giàu protein nạc như: cá, thịt nạc, trứng, sữa chua.
- Chất béo: Chiếm 20-30% năng lượng. Nên chọn chất béo tốt như: dầu ô liu, dầu dừa, quả bơ, cá béo.
2. Gợi ý món ăn phù hợp với người bị tiểu đường
Những thực phẩm người bệnh tiểu đường nên ăn bao gồm:
- Nhóm đường bột: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ… được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa rán, xào… Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nên nếu người bệnh tiểu đường ăn các loại này thì cần phải giảm hoặc cắt cơm.
- Nhóm thịt cá: Người bệnh tiểu đường nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ, các loại đậu đỗ… được chế biến đơn giản như hấp, luộc, áp chảo nhằm loại bớt mỡ.
- Nhóm chất béo, đường: Các thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường như dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, olive…
- Nhóm rau: Người bệnh tiểu đường nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như ăn sống, hấp, luộc, rau trộn nhưng không nên sử dụng nhiều loại sốt có chất béo.
- Hoa quả: Người bệnh tiểu đường cần tăng cường ăn trái cây tươi, không nên chế biến thêm bằng cách cho thêm kem, sữa, hạn chế ăn các loại quả chín ngọt như: sầu riêng, hồng chín, xoài chín,…
Gợi ý món ăn phù hợp với người bị tiểu đường
2.1 Thịt nạc heo xào cần tây
Công dụng: giúp những người mắc bệnh tiểu đường hạ đường huyết, đồng thời giúp hạ huyết áp đi kèm với bệnh.
Chuẩn bị:
- Thịt heo (50g): rửa sạch và thái nhuyễn
- Rau cần tây (300g): cắt bỏ rễ, rửa sạch và cắt khúc
- Trứng gà: 1 quả
- Khoai mài khô (15g): rửa qua nước và để ráo
- Vài lát gừng tươi thái nhuyễn
- 10g bột năng
- Hành tím: 1 củ, băm nhỏ.
- Gia vị: 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột ngọt và 2 muỗng cà phê dầu ăn.
Cách làm:
- Cho khoai mài vào chảo với ít nước và xào đến đi chín mềm, sau đó cho cần tây và gừng vào đảo đều. Nêm với ít muối, bột ngọt cho vừa miệng trước khi tắt bếp.Tiếp theo, trộn đều phần thịt heo, bột năng với trứng gà và ít muối.
- Khử dầu nóng với ít hành, sau đó cho hỗn hợp thịt vào đảo đều. Khi thịt chín, cho phần khoai đã xào vào đảo đều. Nêm lại gia vị cho vừa ăn và tắt bếp. Đây là món ăn cho người tiểu đường vừa bổ dưỡng vừa đơn giản dễ làm.
2.2 Thịt vịt hầm hạt sen
Công dụng: Món vịt hầm sen có tác dụng chữa chứng sưng phù, tỳ hư, hư thận ở những bệnh nhân tiểu đường
Chuẩn bị:
- Hạt sen (150g): tách bỏ tim sen
- Thịt vịt (350g): khử mùi với rượu và gừng
- Gia vị: 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng cà phê hạt nêm
Cách làm:
- Dùng nồi đất, cho hạt sen và thịt vịt vào, nêm thêm ít gia vị. Sau đó, đem nồi này hầm nhừ.
2.3 Ốc bươu bung củ chuối
Công dụng: Theo Y học cổ truyền, thịt ốc bươu có tính hàn, vị nhạt, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, tiêu viêm, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt, tiêu thũng, thông lâm (sỏi)…, trị bệnh tiểu đường.
Củ chuối hột có tính chất trị bệnh tiêu khát rất thích hợp với những bệnh nhân tiểu đường. Mùi vị món ăn này rất đậm đà, có đủ cả vị chua, vị chát làm giảm cảm giác khát nước, đói bụng của người mắc bệnh tiểu đường. Ốc bung củ chuối là món ăn cho người tiểu đường dân gian thường dùng.
Chuẩn bị:
- Ốc bươu, thịt lợn ba chỉ, đậu phụ rán, củ chuối hột non thái nhỏ, nghệ giã vắt nước, khế, mẻ, mắm tôm, gia vị…
Cách làm:
- Ngâm ốc bươu trong nước vo gạo trong cho ra hết nhớt, rửa sạch, sau đó khều lấy đầu, bỏ ruột. Thịt lợn thái mỏng, ướp với mẻ và nước nghệ, thêm ốc vào ướp cùng.
- Củ chuối thái mỏng, ngâm nước cho ra hết nhựa rồi cho vào nồi ninh nhừ trước chừng 1-2 giờ, ăn thử thấy mềm là được.
- Sau cùng cho tất cả các nguyên liệu vào, nêm gia vị vừa ăn, để chừng 30 phút cho ngấm rồi đun thêm 30 phút nữa cho ngấm đều gia vị và tắt bếp
2.4 Canh khổ qua nhồi thịt
Công dụng: Khổ qua từ xưa đã được biết đến là một loại quả có có khả năng chữa nhiều bệnh, trong đó có tác dụng hạ đường huyết vì nó có hoạt chất charantin, glycosid steroid tác động đến lượng đường glucose hoặc lượng hormone insulin. Mướp đắng có thể giúp đẩy mạnh quá trình tiết insulin, cải thiện khả năng tế bào hấp thu đường glucose, đồng thời cản trở gan tiết quá nhiều glucose. Ngoài ra, mướp đắng còn có khả năng chống oxy hóa giúp các tế bào trong cơ thể khỏe mạnh và chậm lão hóa.
Chuẩn bị:
- Mướp đắng, thịt nạc vai xay nhuyễn, mộc nhĩ thái nhỏ, hành, mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ.
Cách làm:
- Mướp đắng cắt đầu đuôi, bỏ hạt, rửa sạch, cắt thành khúc chừng 3-5cm.
- Thịt nạc vai xay nhuyễn trộn đều với mộc nhĩ thái nhỏ, thêm một chút gia vị cho vừa vặn rồi nhồi vào từng khúc mướp đắng vừa cắt. Đun nước sôi, sau đó cho từng khúc mướp đắng đã nhồi thịt vào nồi. Đun chừng 10 phút cho cả mướp đắng và thịt đều chín rồi cho hành, mùi tàu vào và tắt bếp.
2.5 Nấm xào cải xanh
Công dụng: dùng cho người mắc bệnh tiểu đường kèm bệnh động mạch vành, mỡ máu cao hoặc cao huyết áp.
Chuẩn bị:
- Cải xanh (350g): làm sạch và thái khúc
- Nấm hương tươi: 6 tai, cắt bỏ cuống, ngâm qua nước muối pha loãng
- 50g bắp non
- Hành tím: 1 củ, lột vỏ và băm nhỏ
- Gia vị: 1/3 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt và ít dầu ăn
Cách làm:
- Phi thơm hành tím với ít dầu, cho nấm vào xào. Khi nấm chuyển màu chín thì cho tiếp phần bắp non và rau cải xanh vào xào cùng. Đến lúc món ăn chín thì nêm lại gia vị cho vừa ăn và tắt bếp
2.6 Cháo cà rốt
Công dụng: Cà rốt có thể chữa trị và ngăn ngừa rất nhiều bệnh tật khác nhau. Ngoài các enzyme và các tiền chất vitamin A, nước ép cà rốt còn là nguồn cung cấp rất nhiều insulin thực vật có khả năng làm giảm lượng đường trong máu, hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và béo phì. Nếu bạn bị đái tháo đường kèm theo mỡ máu cao thì bạn nên ăn món cháo cà rốt.
Chuẩn bị:
- Cà rốt tươi, gạo ngon để nấu cháo.
Cách làm:
- Cà rốt rửa sạch, xắt miếng, nấu chung với gạo thành món cháo nhừ.
- Bạn có thể ăn cháo vào buổi sáng và chiều trong vài ngày liền để có được hiệu quả tốt nhất.
2.7 Canh trai nấu hẹ
Công dụng: theo Đông y, trai sông vị ngọt mặn, tính hàn, có tác dụng điều hòa và ổn định huyết áp, tiểu ít, huyết trắng… Món ăn này thích hợp với người bị đái tháo đường, lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm.
Chuẩn bị:
- Thịt trai sông: 150g
- Hẹ: 60 120g
- 1 quả mướp
- Nước lọc, gia vị
Cách làm:
- Phi hành với chút dầu ăn cho thơm. Cho trai vào đảo đều, thêm một chút hạt nêm.
- Đổ nước luộc trai (nên lấy phần trên khi nước đã lắng) vào nấu sôi, sau đó cho hẹ, mướp vào.Đun sôi thêm một lúc, nêm gia vị tùy theo ý thích.
2.8 Canh tía tô và rau thơm nấu
Công dụng: món canh tía tô giúp tán hàn giải biểu, dùng cho người bệnh tiểu đường kèm theo cảm lạnh.
Chuẩn bị:
- Gia vị: húng quế, húng lủi, kinh giới… Mỗi loại 10g
- Tía tô (30g): nhặt lấy lá
- 100g tôm nõn
Cách làm:
- Giã tôm nát và thả vào nồi nước sôi. Kế đến, cho tất cả các loại rau thơm và tía tô vào nấu chín. Sau đó, dùng nước canh này ăn mỗi ngày một bữa. Dùng cách nhau 3 ngày và dùng liên tục trong tháng.
3. Thực phẩm người bị tiểu đường cần tránh
3.1 Gạo trắng
Gạo trắng là thực phẩm phổ biến và không thể thiếu được trong mâm cơm của mỗi gia đình Việt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc ăn cơm được chế biến từ gạo trắng làm tăng lượng đường trong máu một cách đột biến. Do trong gạo trắng có chứa hàm lượng carbohydrate (tinh bột) và có chỉ số đường huyết cao. Vì thế, thay vì ăn gạo trắng bạn có thể sử dụng gạo lứt (nhiều chất xơ và ít tinh bột hơn) để sử dụng hằng ngày.
3.2 Trái cây sấy khô
Trái cây là thực phẩm có nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, trái cây sấy khô thì lại không bởi khi được sấy khô lượng nước và khoáng chất tự nhiên bị mất đi nhưng lượng đường bị tích tụ lại. Vì thế, dù chỉ ăn một lượng nhỏ trái cây sấy cũng có thể khiến đường huyết của bạn tăng cao.
3.3 Đồ ăn nhanh
Đồ ăn nhanh là món ăn khoái khẩu của nhiều người vì chúng ngon miệng là tiện lợi nhưng lại là kẻ thù của bệnh nhân tiểu đường. Bởi trong chúng có chứa hàm lượng chất béo bão hoà và chất bảo quản cao, điều này khiến các tế bào phải chịu sức ép lớn và dần bị kiệt sức, không đủ khả năng để sản xuất insulin kiểm soát đường huyết, từ đó khiến bệnh tình tiến triển nặng.
3.4 Đồ ngọt
Bánh, kẹo, nước ngọt,… là những thực phẩm ưa thích của nhiều người nhưng lại là thứ mà người bị tiểu đường phải tránh xa. Bởi thành phần chính là đường tác nhân làm tăng chỉ số đường huyết trong máu lên cao. Vì thế, nếu bạn bị tiểu đường hãy loại bỏ ngay đồ ngọt khỏi thực đơn hằng ngày nếu không muốn cơ thể gặp vấn đề.
3.5 Sầu riêng
Sầu riêng được biết đến là loại quả “gây nghiện” với nhiều người. Thế nhưng, đây lại là thực phẩm mà người bị tiểu đường cần phải kiêng dè. Bởi ngoài dinh dưỡng ra thì trong quả sầu riêng chứa một lượng đường khá lớn đủ để chỉ số đường huyết của bệnh nhân tiểu đường tăng cao.
3.6 Kết luận
Chế độ dinh dưỡng cho người bị tiểu đường không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm hợp lý và duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ biến chứng và sống khỏe mạnh hơn. Quan trọng nhất, người bệnh cần luôn lắng nghe cơ thể mình và thường xuyên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để điều chỉnh thực đơn sao cho phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mình.
Nếu có chi tiết nào trong bài viết có thể gây tranh cãi hoặc không đúng, vui lòng chỉ ra để chúng tôi cùng điều chỉnh và cải thiện.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.