1. Tổng quan về hở van tim
Trong các bệnh lý tim mạch, hở van tim là bệnh lý rất phổ biến. Và đúng như tên gọi, hở van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim không thể đóng kín. Khi tim co bóp để bơm máu đi nuôi cơ thể, máu không được giữ lại ở mạch máu ở thì tâm trương mà bị trào ngược lại buồng tim. Điều này khiến tim phải tăng cường hoạt động dẫn đến nhiều biến chứng.
1.1 Phân loại hở van tim
Hở van tim được chia thành nhiều mức độ. Và đây cũng là một trong những yếu tố quyết định hở van tim sống được bao lâu. Trong đó, hở van tim 1/4 là nhẹ nhất, hở van tim 2/3 và 3/4 là trung bình, hở van tim 4/4 là nặng nhất.
Ngoài ra, dựa vào loại van tim bị hở, hở van tim cũng được chia thành 4 dạng, bao gồm hở van 2 lá, hở van 3 lá, hở van động mạch chủ và hở van động mạch phổi. Mỗi dạng hở van tim sẽ khiến dòng chảy của máu (bị trào ngược) có sự khác nhau.
1.2 Nguyên nhân hở van tim
Nguyên nhân gây hở van tim có thể do bẩm sinh hoặc do bệnh lý. Bẩm sinh tức là ngay từ khi sinh ra, van tim đã có bất thường về cấu trúc và chức năng. Còn bệnh lý có thể do biến chứng của bệnh thấp khớp, van tim thoái hóa do tuổi cao, van tim bất thường do chấn thương,…
1.3 Triệu chứng hở van tim
Người bệnh hầu như không có triệu chứng nếu bị hở van tim 1/4. Ngược lại, hở van tim từ 2/4 trở lên có thể làm xuất hiện các triệu chứng sau.
- Thường xuyên cảm thấy khó thở, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi có hoạt động thể chất mạnh.
- Dễ bị mệt mỏi dù không vận động nhiều.
- Khi cố gắng làm việc gì đó, họ thường gặp khó khăn và cảm thấy tim đập nhanh, cùng với cảm giác hồi hộp thường xuyên.
- Ho nhiều, chủ yếu là ho khan.
- Hoa mắt, chong mắt, dễ ngất.
- Mắt cá chân và bàn chân bị sưng phù.
2. Người bị hở van tim sống được bao lâu?
Hở van tim khiến tim luôn trong tình trạng hoạt động không được hiểu quả để vận chuyển máu đến các cơ quan. Nếu nhẹ, người bệnh sẽ đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi,… Nếu nặng, người bệnh đối mặt với biến chứng tăng áp động mạch phổi, hình thành cục máu đông, suy tim, sốc tim, rung tâm nhĩ, đột quỵ, tử vong.
Với thắc mắc hở van tim sống được bao lâu, các bác sĩ Tim mạch cho rằng điều này tùy thuộc vào mức độ van tim hở, loại van tim hở, tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và thói quen sinh hoạt của người bệnh.
Nếu hở van tim nhẹ, sức khỏe người bệnh tốt, phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả, người bệnh có thói quen sinh hoạt lành mạnh thì thời gian sống sẽ được kéo dài. Ngược lại, trường hợp hở van tim nặng, đã gây biến chứng, người bệnh mắc bệnh lý mạn tính, phác đồ điều trị kém hiệu quả,… thì thời gian sống sẽ bị rút ngắn.
3. Yếu tố quyết định thời gian sống của bệnh nhân hở van tim
Như đã nói, bệnh nhân hở van tim sống được bao lâu do nhiều yếu tố quyết định. Vậy đó là những yếu tố nào?
3.1 Mức độ hở van tim
Hở van tim mức độ 1/4 và 2/4 là nhẹ và trung bình nhẹ, người bệnh có thể có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, ho,… nhưng nếu điều trị tốt sẽ không quá nguy hiểm và có thể sống thọ. Tuy nhiên, hở van tim mức độ 3/4 và 4/4 là trung bình nặng và nặng, người bệnh đã xuất hiện các biến chứng suy tim, sốc tim, phù phổi,… nếu không theo dõi và điều trị có thể gây đột quỵ, tử vong.
Mức độ hở van tim ảnh hưởng rất lớn đến thời gian sống của người bệnh
3.2 Loại hở van tim
Người bị hở van 3 lá và hở van động mạch phổi ít gặp biến chứng và tiên lượng sống tốt hơn người bị ở van tim 2 lá và hở van động mạch chủ. Đặc biệt, bệnh nhân bị hở van tim nặng, các van tim bị tổn thương nghiêm trọng rất dễ gặp biến chứng hở van tim cấp. Lúc này, nguy cơ đột tử là rất cao.
3.3 Phương pháp điều trị
Bệnh nhân hở van tim sống được bao lâu phụ thuộc rất lớn vào phương pháp điều trị. Nếu hở van tim mức độ nhẹ, loại van tim hở không nguy hiểm, người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa là có thể duy trì. Tuy nhiên, nếu áp dụng điều trị nội khoa cho bệnh nhân hở van tim nặng, có nhiều bệnh lý nền thì tỷ lệ sống trên 5 – 10 năm không cao.
3.4 Sức khỏe của người bệnh
Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định thời gian sống của bệnh nhân hở van tim nói riêng và người bệnh nói chung. Nếu người bệnh còn trẻ tuổi, không mắc bệnh lý nên thì đương nhiên, khả năng chống chọi với bệnh tật sẽ tốt hơn người già, người có bệnh mạn tính. Vì vậy, thời gian sống cũng sẽ lâu hơn.
3.5 Thói quen của người bệnh
Đối với người bị hở van tim hay mắc bệnh lý tim mạch, cần chú ý đến thói quen sinh hoạt. Để tăng hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống, cần thực hiện các biện pháp sau.
- Ăn uống lành mạnh, cắt giảm lượng đường, muối và chất béo trong khẩu phần ăn; gia tăng lượng protein tốt, vitamin và khoáng chất.
- Tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Ngủ đủ giấc, kiểm soát tốt chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy,…
- Không hút thuốc lá, hạn chế tiêu thụ rượu bia, cà phê,…
- Tránh làm việc quá sức, tránh để tinh thần căng thẳng hay xúc động mạnh.
- Kiểm soát tốt bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh cao huyết áp.
- Tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị mà bác sĩ đã chỉ định. Nếu gặp bất kỳ bất thường nào trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.