1. Như thế nào là huyết áp tâm trương cao?
Áp lực của dòng máu lên thành động mạch có sự khác nhau khi tim ở trạng thái co bóp và thư giãn. Cụ thể, khi tim co bóp để tăng cường hoạt động bơm máu, áp lực của dòng máu tăng, đạt mức cao nhất gọi là huyết áp tâm thu. Ngược lại, khi tim thư giãn, áp lực của dòng máu giảm về mức thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương.
Bình thường, huyết áp tâm thu dưới 130 mmHg, còn huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg. Nếu 2 chỉ số này lần lượt trên 130 mmHg và trên 80 mmHg gọi là tiền huyết áp. Và huyết áp là khi 2 chỉ số này lần lượt trên 140 mmHg và trên 90 mmHg.
Như vậy, huyết áp tâm trương cao là một dạng của cao huyết áp. Trường hợp người bệnh có huyết áp tâm thu bình thường nhưng huyết áp tâm trương tăng cao gọi là huyết áp tâm trương đơn độc (IDH). Tình trạng này không phổ biến, chủ yếu xảy ra ở người mắc bệnh thận mạn tính hay có tiền sử gia đình mắc căn bệnh này.
Huyết áp tâm trương cao khi kết quả đo được trên 90 mmHg
2. Huyết áp tâm trương cao do đâu?
Theo bác sĩ, huyết áp tâm trương cao do các nguyên nhân sau.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Hội chứng này có liên quan mật thiết đến huyết áp, cụ thể là làm huyết áp tâm trương tăng cao và người bệnh đối mặt với nhiều nguy hiểm.
- Rối loạn mạch máu thận: Các mạch máu thận bị thu hẹp làm huyết áp tâm trương tăng, thậm chí gây huyết áp kháng trị, khó kiểm soát huyết áp dù đã dùng thuốc.
- Bệnh tuyến thượng thận: Tuyến thượng thận hoạt động bất thường, sản xuất quá nhiều hormone điều hòa huyết áp aldosterone gây mất cân bằng kali và natri, cơ thể tích nước, tăng thể tích lòng mạch, dẫn đến tăng huyết áp.
Ngoài những nguyên nhân trên còn có các yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp tâm trương, bao gồm:
- Tuổi tác: Nếu huyết áp thường gặp ở người già thì tăng huyết áp tâm trương đơn độc (IDH) chủ yếu xảy ra ở người trẻ tuổi.
- Giới tính: Tỷ lệ nam giới bị tăng huyết áp tâm trương đơn độc (IDH) cao hơn nữ giới với tỷ lệ lần lượt là 4,5% và 2,2%.
- Gia đình: Nếu bố hoặc mẹ bị huyết áp mạn tính thì con sinh ra có nguy cơ cao bị tăng huyết áp tâm trương đơn độc (IDH).
- Thuốc lá, rượu bia: Người hút thuốc lá thường xuyên và lạm dụng bia rượu có thể có chỉ số huyết áp tăng trương cao.
- Ít vận động: Do ít vận động nên mảng bám chất béo tích tụ trong động mạch, gây xơ vữa và cứng động mạch, tim phải hoạt động “hết công suất” gây ra các bất thường về huyết áp.
- Bệnh lý: Có nhiều bệnh lý làm huyết áp tâm trương tăng cao như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, bệnh tuyến giáp, bệnh thận,…
Ngưng thở trong khi ngủ có thể là nguyên nhân tăng huyết áp tâm trương
3. Huyết áp tâm trương cao nguy hiểm không?
Thông thường, huyết áp tâm trương tăng đơn độc ít gây nguy hiểm, tuy nhiên khi kèm theo tăng huyết áp tâm thu và có những cơn tăng huyết áp kịch phát nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng có thể gặp như:
- Thiếu máu não, nhồi máu não, xuất huyết não,…
- Đau tim, suy tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim,…
- Đột quỵ, ngất xỉu, hôn mê, tử vong.
- Suy giảm nhận thức, lú lẫn.
- Giảm thị lực, thậm chí là mù.
- Tổn thương thận, suy thận.
4. Chẩn đoán và điều trị huyết áp tâm trương cao
Huyết áp tâm trương cao cần được chẩn đoán chính xác và điều trị tích cực để tránh biến chứng.
Chẩn đoán
Đo huyết áp bằng máy đo huyết áp là một trong những phương pháp chẩn đoán huyết áp tâm trương tăng. Người bệnh sẽ được chỉ định đo nhiều lần, kể cả lúc nghỉ ngơi và vận động để so sánh, đối chiếu kết quả giữa các lần đo. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định các phương pháp xét nghiệm và thăm dò chức năng khác để xác định tình trạng bệnh như.
- Xét nghiệm máu.
- Điện tâm đồ.
- Siêu âm tim, siêu âm bụng tổng quát, siêu âm mạch máu.
- Kiểm tra chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận.
Chẩn đoán tăng huyết áp tâm trương bằng máy đo huyết áp
Điều trị
Nếu kết quả cho thấy người bệnh bị tăng huyết áp tâm trương, bác sĩ có thể cho dùng thuốc để kiểm soát, điều hòa huyết áp. Song song với dùng thuốc, một phương pháp điều trị khác quan trọng không kém là thay đổi, điều chỉnh thói quen sinh hoạt.
- Giảm lượng muối tiêu thụ bằng cách từ bỏ thói quen ăn mặn, tránh xa thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn.
- Cắt giảm đường tinh luyện và loại bỏ chất béo bão hòa, cholesterol trong chế độ ăn hàng ngày.
- Hạn chế bia rượu và caffeine, nhất là với những người cơ địa nhạy cảm với chất kích thích.
- Bỏ thuốc lá.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa chất béo tốt, giàu vitamin và khoáng chất magie, kali, sắt,…
- Tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp duy trì trọng lượng cơ thể ở mức ổn định và cải thiện lưu thông máu.
- Thực hiện giảm cân an toàn nếu bị thừa cân, béo phì. Việc này giúp phòng ngừa hội chứng ngưng thở khi ngủ, từ đó, tránh bị tăng huyết áp.
- Xây dựng đời sống tinh thần vui vẻ, tránh xa những yếu tố gây căng thẳng, áp lực, mệt mỏi.
- Ngủ đủ giấc và giấc ngủ chất lượng. Nên đi ngủ trước 22 giờ và thức dậy trước 6 giờ, đảm bảo không gian ngủ yên tĩnh, thoáng đãng, có nhiệt độ và ánh sáng phù hợp.
- Kiểm tra huyết áp tại nhà thường xuyên cũng như tái khám theo đúng lịch trình
Ngủ đủ giấc, sống vui vẻ để huyết áp luôn ổn định
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu hơn về huyết áp tâm trương cao. Nếu đang có bất thường về huyết áp nói chung, bạn hãy đến khám tại Chuyên khoa Tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách có thể đặt lịch khám trước qua hotline 1900 56 56 56.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.