1. Trẻ gặp nguy hiểm vì gia đình tự điều trị sỏi bàng quang tại nhà
Bé trai N.Đ.Đ xuất hiện tình trạng đi tiểu ra máu, tái diễn suốt 3 tháng nay. Tình trạng kéo dài nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 2 – 3 ngày. Theo như mô tả của phụ huynh, trẻ đi tiểu nước tiểu kèm máu đỏ tươi, không vón cục, không tiểu dắt.
Trước bất thường về sức khỏe của con, thay vì đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, gia đình tự điều trị bằng trà râu ngô và thuốc kháng sinh.
Sau một thời gian tự điều trị, tình trạng tiểu ra máu của trẻ có dấu hiệu đỡ. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại tái phát với biểu hiện tương tự. Lúc này gia đình đưa trẻ đi thăm khám.
Bác sĩ khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, phát hiện trẻ có thói quen nhịn tiểu, thậm chí thường xuyên túm bộ phận sinh dục để nhịn tiểu.
Sau đó, trẻ được bác sĩ chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán. Trong đó, kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu, hồng cầu tăng, chỉ số Nitrit dương tính. Đặc biệt, trên hình ảnh siêu âm phát hiện thành bàng quang dày 10.2mm, trong có đám sỏi kích thước 13x5mm.
Bác sĩ kết luận tình trạng của trẻ là viêm bàng quang cấp trên nền bàng quang.
Trực tiếp thăm khám và điều trị trường hợp này, ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc – Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC cho biết: “Do sự chủ quan từ phía phụ huynh khiến tình trạng bàng quang của trẻ tái đi tái lại nhiều lần, là một trong những yếu tố nguy cơ cao và cũng là nguyên nhân hình thành bàng quang. Tình trạng này nếu tiếp tục tiếp diễn mà không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ. Đây cũng là bài học mà cha mẹ cần đặc biệt rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi con”.
Sau khi được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, cháu bé được kê đơn thuốc điều trị, sau 10 ngày thực hiện xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu tại nhà cho kết quả ổn định. Ngoài ra, khi toàn trạng trẻ ổn định, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát sẽ có kế hoạch điều trị sỏi bàng quang nhằm tránh nguy cơ tái phát.
2. Sỏi bàng quang – tình trạng hiếm ở trẻ, cha mẹ không nên chủ quan
Sỏi bàng quang nói chung và sỏi tiết niệu nói riêng ở trẻ em là một bệnh khá hiếm gặp, tỷ lệ này chỉ khoảng 7,2 đến 14,2 trường hợp trong 100.000 trẻ (dưới 18 tuổi)và chiếm khoảng 0,15% trên tổng số các bệnh nhân mắc sỏi đường niệu.
Theo ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc, nguyên nhân hình thành sỏi bàng quang ở trẻ bao gồm:
- Nội sinh: Di truyền, bệnh chuyển hóa, do sỏi thận, niệu quản;
- Ngoại sinh: Bao gồm các yếu tố về môi trường sống, lối sống, điều kiện kinh tế xã hội như ăn nhiều thức ăn nhanh, có quá nhiều muối và các chất điều vị, ít uống nước lọc, hay sử dụng các loại nước uống công nghiệp; lười vận động…;
- Bệnh lý suy dinh dưỡng và béo phì: Trẻ suy dinh dưỡng hay gặp sỏi có bản chất là sỏi ammonium ở vị trí bàng quang; còn trẻ béo phì hay gặp sỏi ở đường niệu trên là thận và niệu quản có bản chất là sỏi calcium;
- Nhiễm trùng đường tiểu: Trẻ có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang – niệu quản), hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh.
Theo đánh giá, sỏi bàng quang có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe của trẻ như tổn thương niêm mạc bàng quang, bàng quang cấp, viêm bàng quang mạn tính, teo bàng quang, rò bàng quang, viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng, suy thận.
Tùy theo tình trạng, vị trí và kích thước của viên sỏi, việc điều trị tình trạng sỏi bàng quang ở trẻ có thể áp dụng các phương pháp nội khoa hoặc xâm lấn tối thiểu như tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi.
3. Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ đi khám?
Cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan, cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của trẻ và chủ động đưa đi kiểm tra nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường dưới đây:
- Đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu;
- Trẻ dễ kích thích, quấy khóc, ói, thường xuyên nhiễm trùng đường tiết niệu biểu hiện qua triệu chứng la khóc mỗi lần đi tiểu;
- Tiểu khó, tiểu ngắt quãng (do sỏi cản trở đường ra của nước tiểu) và đi tiểu nhiều lần (do cổ bàng quang bị kích thích).
Nếu trẻ đang gặp các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ nguy cơ mắc bệnh lý đường tiết niệu, cha mẹ hãy đưa con đến bệnh viện uy tín để được thăm khám và tư vấn hướng xử lý kịp thời.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.