1. Thông tin khái quát về Hyaluronic Acid
Hyaluronic Acid (HA) tập trung nhiều trong mạng lưới mô liên kết, dịch khớp, da hoặc mắt và một số hệ cơ quan khác. Loại hoạt chất này này tương tự như một lớp đệm, hỗ trợ bôi trơn hệ thống khớp cùng các mô.
Hiện nay, người ta có thể tổng hợp Hyaluronic Acid theo nhiều dạng, phục mục đích thẩm mỹ, điều trị giảm đau khớp,… dạng điều chế phổ biến là dung dịch tiêm, gel bôi ngoài da, miếng dán và dạng dung dịch nhỏ mắt.
Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, MEDLATEC sẽ tập trung phân tích Hyaluronic Acid điều chế theo dạng tiêm dùng trong ngành thẩm mỹ, giảm đau khớp.
Hyaluronic Acid có thể điều chế theo dạng dung dịch tiêm
2. Công dụng của Hyaluronic Acid
Hyaluronic Acid đảm nhiệm chức năng quan trọng trong việc duy trì làn da khỏe mạnh, khớp chắc khỏe, hỗ trợ quá trình làm lành vết thương,… Theo đó, HA là thành phần quan trọng tham gia vào hoạt động cung cấp dinh dưỡng cho hệ thống sợi Collagen, giúp duy trì độ đàn hồi và độ căng của làn da.
Ngoài ra, hoạt chất này còn đem đến nhiều tác dụng khác cho cơ thể như:
- Giúp giảm đau khớp: Hyaluronic Acid giữ vai trò như chất bôi trơn, giảm bớt ma sát giữa đầu khớp xương với nhau.
- Giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản: Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc bổ sung HA sẽ giúp giảm bớt triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Bởi loại hoạt chất này có khả năng tác động lên niêm mạc thực quản, giúp làm lành nhanh tổn thương.
- Giảm tình trạng khô mắt: Hyaluronic Acid được chứng minh là có thể giúp duy trì độ ẩm tự nhiên trong mắt, ngăn chặn hiện tượng khô mắt. Chính bởi vậy, trong nhiều sản phẩm thuốc nhỏ mắt, các nhà sản xuất thường bổ sung 0.2% đến 0.4% Hyaluronic Acid, nhằm hỗ trợ giảm tình trạng khô mắt.
Hyaluronic Acid giúp giảm nếp nhăn xuất hiện trên da
3. Chỉ định và chống chỉ định
3.1. Chỉ định
Trường hợp chỉ định sử dụng phụ thuộc theo từng dạng điều chế, cụ thể như:
- Dạng dung dịch tiêm: Thường được chỉ định khi cần tiêm giảm đau khớp, tiêm thẩm mỹ xóa nếp nhăn hoặc loại bỏ khuyết điểm khác trên cơ thể.
- Dạng dung dịch nhỏ mắt: Chỉ định cho người bị khô mắt, người bị viêm kết mạc trong hoặc trước khi mổ mắt.
3.2. Chống chỉ định
Bất kỳ ai dị ứng với Hyaluronic Acid đều không nên sử dụng loại hoạt chất này. Đối với HA dạng tiêm dùng trong ngành thẩm mỹ, những trường hợp chống chỉ định bao gồm:
- Phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú.
- Người bị tiểu đường khó kiểm soát lượng đường huyết.
- Người bị nhiễm trùng da.
- Người mắc chứng rối loạn đông máu.
- Người dễ bị nhiễm Herpes trên vùng da mặt.
- Người có hệ miễn dịch kém.
- Người đang điều trị bệnh lý nặng, toàn thân.
Người dễ bị nhiễm Herpes trên vùng da mặt không nên tiêm Hyaluronic Acid
4. Liều dùng và cách dùng
4.1. Liều dùng
Liều lượng sử dụng Hyaluronic Acid cụ thể sẽ dựa trên dạng điều chế, tình hình bị bệnh lý của người dùng.
- Liều lượng khi tiêm giảm đau gối do chứng viêm khớp: Tiêm 1 lần/tuần, duy trì tiêm khoảng 3 đến 4 mũi.
- Liều lượng khi nhỏ mắt: Nhỏ 5 đến 6 lần/ngày, mỗi lần nhỏ 1 giọt.
Còn với tiêm thẩm mỹ, liều lượng tiêm Hyaluronic Acid còn phụ thuộc vào nhu cầu làm đẹp, khuyết điểm cần khắc phục. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn hãy lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp làm đẹp nào cần sử dụng Hyaluronic Acid.
Cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín khi muốn tiêm Hyaluronic Acid
Lưu ý rằng, chia sẻ về liều lượng sử dụng Hyaluronic Acid trong bài viết này không có giá trị thay thế cho lời khuyên của chuyên gia y tế. Chính vì vậy, bạn tuyệt đối không áp dụng nếu chưa kiểm tra sức khỏe cụ thể, chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
4.2. Cách dùng
Cách sử dụng Hyaluronic Acid khá đa dạng, thay đổi tùy theo mỗi dạng điều chế. Chẳng hạn như:
- Dùng theo đường uống.
- Dùng theo đường tiêm.
- Dùng để bôi tại chỗ, bôi ngoài da.
- Dùng để nhỏ mắt với dạng dung dịch nhỏ mắt.
5. Tác dụng phụ khi tiêm Hyaluronic Acid
Tác dụng phụ khi sử dụng Hyaluronic Acid thay đổi tùy theo từng cơ địa, dạng điều chế. Chẳng hạn nếu dùng HA tiêm thẩm mỹ, người dùng đôi khi có thể gặp phải tác dụng phụ không mong muốn như:
- Kích ứng ngoài da như da mẩn đỏ, ngứa sau khi tiêm HA.
- Vùng da tiêm thuốc bị sưng, bầm tím. Triệu chứng này thường mất dần sau vài ngày tiêm.
- Triệu chứng của nhiễm trùng da như xuất hiện u hạt sau tiêm.
Chính bởi nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn nên mọi người cần hết sức thận trọng khi tiêm Hyaluronic Acid.
Sau khi tiêm thẩm mỹ Hyaluronic Acid, không ít người thường bị ngứa da
6. Lưu ý khi dùng thuốc Hyaluronic Acid
6.1. Tương tác của thuốc
Hiện nay, chưa có thông tin cụ thể về khả năng tương tác của Hyaluronic Acid với những loại thuốc khác. Tuy vậy để tránh rủi ro không mong muốn, bạn không nên tự ý dùng các sản phẩm HA, đặc biệt là dạng dung dịch tiêm khớp hoặc tiêm thẩm mỹ.
6.2. Một vài lưu ý khác
Trước khi sử dụng hay áp dụng bất kỳ phương giảm đau, làm đẹp nào từ Hyaluronic Acid, bạn cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau:
- Không tự ý dùng sản phẩm từ Hyaluronic Acid khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn, nhất là HA dạng tiêm.
- Ưu tiên cơ sở làm đẹp uy tín, kiểm tra kỹ tình hình sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn áp dụng phương pháp thẩm mỹ bằng Hyaluronic Acid dạng tiêm.
- Theo dõi, phát hiện kịp thời triệu chứng bất thường của cơ thể sau khi dùng hay được tiêm Hyaluronic Acid. Nếu nhận thấy dấu hiệu khác lạ, bạn phải nhanh chóng đến cơ sở y tế kiểm tra.
Hyaluronic Acid giữ vai trò như chất bôi trơn, lớp đệm duy trì khả năng đàn hồi da, giảm ma sát giữa các khớp xương. Hiện nay, HA được sử dụng khá phổ biến trong ngành thẩm mỹ. Thế nhưng, phương pháp làm căng da, loại bỏ khuyết điểm từ HA tiềm ẩn không ít rủi ro. Do vậy trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp làm đẹp nào theo dạng can thiệp tiêm HA, bạn hãy đi kiểm tra sức khỏe, tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Một địa chỉ y tế uy tín bạn có thể tham khảo là chuyên khoa Da liễu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách có thể liên hệ theo số 1900 56 56 56.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.