1. Nhịp tim và huyết áp là gì?
Nhịp tim và huyết áp là 2 chỉ số khác nhau nhưng có sự liên quan chặt chẽ với nhau, phản ánh được tình trạng sức khỏe tim mạch của bạn.
Nhịp tim
Nhịp tim là số lần tim đập trong 1 phút. Ở người trưởng thành, sức khỏe bình thường, tim đập khoảng 60 – 100 lần/phút. Trong khi đó, nhịp tim ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khá cao, khoảng 120 – 160 lần/phút. Ngược lại, nhịp tim ở người già khá thấp, chỉ từ 60 – 80 lần/phút.
Huyết áp
Huyết có nghĩa là máu, áp tức là áp lực. Như vậy, huyết áp chính là áp lực của máu, cụ thể là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch khi tim thực hiện co bóp hoặc thư giãn.
Huyết áp bao gồm huyết áp tâm thu (đo được khi tim co bóp để bơm máu) và huyết áp tâm trương (đo được khi tim thư giãn giữa 2 lần đập). Chỉ số trung bình của huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương lần lượt là 90 – 130 mmHg và 60 – 80 mmHg.
Nhịp tim và huyết áp phản ánh rõ ràng tình trạng sức khỏe tim mạch
Mối liên quan giữa huyết áp và nhịp tim thể hiện ở việc huyết áp tăng thì nhịp tim nhanh và ngược lại, huyết áp giảm thì nhịp tim chậm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp huyết áp và nhịp tim không cùng tăng hoặc cùng giảm. Chẳng hạn, khi bạn tập luyện gắng sức hay xúc động mạnh, tim đập nhanh, nhịp tim tăng cao nhưng huyết áp có thể bình thường hoặc tăng nhẹ.
2. Yếu tố ảnh hưởng nhịp tim và huyết áp
Nhịp tim và huyết áp khác nhau ở mỗi người. Ngoài ra, vào mỗi thời điểm đo khác nhau, 2 chỉ số này cũng không giống nhau. Nếu luôn nằm trong ngưỡng trung bình thì không đáng lo ngại, nhưng nếu thường xuyên thấp hoặc cao hơn giới hạn, cần xác định nguyên nhân. Dưới đây là các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp và nhịp tim.
Tuổi tác
Càng lớn tuổi thì chỉ số nhịp tim, huyết áp càng thay đổi thất thường. Tình trạng này xảy ra do quá trình lão hóa của cơ thể, các cơ quan và bộ phận hoạt động yếu kém, trong đó có tim. Vì vậy, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh lý về tim mạch.
Nhịp tim, huyết áp của người già dễ tăng giảm thất thường
Di truyền
Tiền sử gia đình có người bị cao huyết áp hay rối loạn nhịp tim, suy tim bẩm sinh,… khả năng cao bạn cũng bị tương tự. Trong trường hợp này, bạn cần chủ động đi khám để bác sĩ đánh giá nguy cơ và can thiệp nếu cần thiết.
Cân nặng
Nhịp tim, huyết áp bị ảnh hưởng nhiều bởi cân nặng. Trong đó, tình trạng thừa cân, béo phì sẽ gây áp lực mạnh lên tim và mạch máu, khiến bạn dễ đối mặt với biến chứng tăng huyết áp, nhịp tim nhanh.
Thói quen
Bạn sẽ có một trái tim khỏe mạnh và huyết áp ổn định nếu ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý. Ngược lại, thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, uống rượu bia, hút thuốc lá, dùng chất kích thích, thức khuya,… sẽ tác động tiêu cực đến tim và mạch máu nói riêng cũng như sức khỏe tổng thể nói chung.
Vận động
Nếu bạn ít vận động, lười vận động, chất béo sẽ tích tụ trong cơ thể, hình thành các mảng bám chất béo trong động mạch gây xơ vữa, tắc nghẽn động mạch. Điều này không chỉ gây rối loạn nhịp tim, huyết áp bất thường mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hay khi bạn vận động mạnh, cường độ cao, huyết áp có thể không tăng hoặc tăng nhẹ, nhưng nhịp tim sẽ tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi. Nhưng tình trạng này thường không đáng lo ngại vì khi bạn ngừng tập luyện và nghỉ ngơi, chỉ số nhịp tim, huyết áp sẽ nhanh chóng về mức bình thường.
Huyết áp và nhịp tim sẽ khác nhau lúc vận động và nghỉ ngơi
Cảm xúc
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp là cảm xúc. Khi bạn căng thẳng, hồi hộp, lo lắng, 2 chỉ số này có xu hướng tăng. Nếu bạn có sức khỏe bình thường, có thể dễ dàng kiểm soát tình trạng này. Nhưng nếu mắc bệnh lý tim mạch, nên tránh xúc động mạnh.
Bệnh lý
Huyết áp, nhịp tim và các bệnh lý như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh thận,… có sự “tác động qua lại” với nhau. Bệnh lý có thể làm nhịp tim, huyết áp thay đổi. Hay huyết áp, nhịp tim sẽ phản ánh mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Vì vậy, khi mắc các bệnh lý mạn tính này, bạn cần theo dõi huyết áp và nhịp tim thường xuyên cũng như thực hiện tốt việc thăm khám và điều trị bệnh.
Thuốc men
Một số loại thuốc có thể làm thay đổi huyết áp và nhịp tim như thuốc giảm đau chống viêm, thuốc an thần, thuốc trị hen suyễn, thuốc trị trầm cảm,… Do đó, bạn không được tự ý dùng hay lạm dụng thuốc để tránh các tác dụng phụ.
3. Cách duy trì nhịp tim và huyết áp ổn định
Khi huyết áp và nhịp tim thường xuyên nằm ngoài ngưỡng trung bình, bạn không được chủ quan với tình trạng này vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang có vấn đề cần được can thiệp.
Nếu không kiểm soát tốt nhịp tim và huyết áp, bạn có thể đối mặt với các biến chứng suy tim, đột quỵ, tử vong. Do đó, ngoài thăm khám và điều trị, bạn cần chủ động thực hiện các việc sau để ổn định 2 chỉ số này.
- Thường xuyên đo nhịp tim, huyết áp tại nhà.
- Dùng thuốc nếu được bác sĩ kê toa.
- Tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc, protein tốt.
- Vận động hợp lý, phù hợp với tình trạng sức khỏe.
- Ngủ đủ giấc, không làm việc quá sức.
- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ; tránh xa căng thẳng, áp lực.
- Nói không với thuốc lá, rượu bia, chất kích thích,…
- Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo nếu có như tiểu đường, mỡ máu, rối loạn chuyển hóa acid uric.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
Nếu được kê thuốc ổn định nhịp tim, huyết áp, bệnh nhân cần sử dụng đúng toa
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về nhịp tim và huyết áp. Nếu nhận thấy 2 chỉ số này có bất thường, không xác định được nguyên nhân, bạn có thể đi khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC. Trước khi đến khám, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56 để đặt lịch.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.