Miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo khác nhau như thế nào?

1. Hiểu về hệ miễn dịch

Trong cơ thể chúng ta tồn tại một hệ thống tự nhiên cực kỳ phức tạp có chức năng chống sự xâm nhập của các mầm bệnh khác nhau, gọi là hệ miễn dịch. Hệ thống này bao gồm khả năng miễn dịch tự nhiên mà cơ thể sản sinh ra cũng như những cách hỗ trợ của y học, gọi là miễn dịch nhân tạo. Hầu hết những tiến bộ y học liên quan đến tiêm chủng đều bắt nguồn từ việc hiểu rõ cách thức hoạt động của hệ miễn dịch tự nhiên.

Bên cạnh đó, còn có miễn dịch thích ứng – một khía cạnh đặc biệt hơn trong hệ thống miễn dịch với khả năng xác định, tấn công các loại virus, vi khuẩn và những mầm bệnh khác với độ chính xác cao. Vì sử dụng nhiều loại tế bào nên miễn dịch thích ứng thường mất nhiều thời gian hơn và được chia ra làm hai dạng là miễn dịch qua trung gian tế bào và miễn dịch qua trung gian kháng thể.

2. Miễn dịch tự nhiên

Trong miễn dịch tự nhiên được chia làm hai dạng: chủ động và thụ động. Hãy cùng tìm hiểu xem chúng khác nhau như thế nào.

2.1. Miễn dịch chủ động tự nhiên:  

Đây là hệ thống miễn dịch phức tạp của cơ thể, có chức năng xác định, định vị và tiêu diệt các mầm bệnh cũng như độc tố. Hệ thống này bao gồm các tế bào tìm vi khuẩn hoặc virus; các tế bào T và B tiêu diệt những tế bào nhiễm virus hoặc tế bào ung thư và cuối cùng là các tế bào ghi nhớ kẻ xâm nhập.

2.2. Miễn dịch thụ động tự nhiên:

Trường hợp này thường xuất hiện ở thai nhi vì loại miễn dịch này có kháng thể do người khác sản xuất ra. Trong thời kỳ mang thai, các kháng thể từ mẹ truyền đến thai nhi thông qua nhau thai. Chúng bảo vệ thai nhi khỏi những mối nguy hiểm tiềm tàng và duy trì cho đến khi thai nhi bắt đầu tự sản xuất kháng thể. Tương tự, quá trình này cũng xảy ra khi mẹ cho con bú.

3. Miễn dịch nhân tạo

Điểm đặc biệt của miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo là cả hai đều chia ra hai dạng chủ động với thụ động. Trong đó, chủ động nhân tạo có thể hiểu là tiêm vắc-xin chứa vi khuẩn hoặc virus đã chết hoặc suy yếu vào cơ thể, còn thụ động nhân tạo là tiêm kháng thể được sản xuất bên ngoài vào cơ thể.

3.1. Miễn dịch chủ động nhân tạo

Tình trạng này xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh được đưa từ bên ngoài vào, qua đó phát triển khả năng chống lại nó trong tương lai. Đây là khái niệm chính của việc tiêm chủng. Những vi khuẩn hoặc virus đã chết hoặc yếu đi sẽ được tiêm vào cơ thể.

Dạng mầm bệnh này không đủ khả năng khiến cơ thể nhiễm bệnh mà sẽ “huấn luyện” cho hệ miễn dịch biết về nó, qua đó tăng cường mức độ cảnh giác và sẵn sàng tiêu diệt nếu mắc bệnh trong tương lai.

3.2. Miễn dịch thụ động nhân tạo

Đây là trường hợp khi bác sĩ tiến hành tiêm kháng thể cần thiết để tiêu diệt virus, vi khuẩn vào cơ thể. Vì yếu tố khẩn cấp cần có ngay kháng thể bổ sung, thường loại hình miễn dịch này sẽ không tồn tại quá lâu. Bù lại, phương pháp này có tác dụng rất cao trong việc tiêu diệt ngay những vi khuẩn, virus gây hại nếu chúng chưa phát triển quá mạnh.

4. Tầm quan trọng của việc kết hợp cả miễn dịch tự nhiên lẫn nhân tạo đối với sức khỏe

Nhìn chung, mặc dù hai loại hình miễn dịch này có thể khác nhau về phương thức, đặc điểm nhưng đều có chung mục đích là bảo vệ cơ thể trước những mối nguy hại và tiêu diệt những vi khuẩn, virus xấu đang tồn tại. Hệ miễn dịch tự nhiên rất quan trọng nhưng nếu y học không tạo ra các kháng thể hoặc vắc xin để cung cấp miễn dịch nhân tạo thì cách duy nhất để cơ thể tạo ra kháng thể là chúng ta phải bị nhiễm bệnh tự nhiên.

Không ai có thể đảm bảo rằng cơ thể đủ sức tự bảo vệ chúng ta trước mọi dạng bệnh. Do đó, việc kết hợp giữa hệ miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo có thể xem như gấp đôi khả năng phòng ngự cho cơ thể. Điều này sẽ giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn, nhận biết mối nguy hiểm tốt hơn và hạn chế các biến chứng hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, tiêm chủng và các biện pháp miễn dịch nhân tạo khác không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trong xã hội. Nhờ vào những tiến bộ y học, chúng ta có thể phòng ngừa và kiểm soát nhiều bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo