1. Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là gì?
Khi các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên xảy ra đột ngột, bất ngờ; các biểu hiện của bệnh “dồn dập” nhưng lại không kéo dài lâu được gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp.
Như vậy, nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là gì thì đây chính là tình trạng các cơ quan hô hấp trên như mũi, họng, thanh quản bị nhiễm trùng cấp tính do virus, vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn xâm nhập và gây bệnh. Bất cứ ai cũng có thể bị viêm đường hô hấp trên cấp. Người lớn có thể mắc ít nhất 1 lần/năm, trong khi đó, trẻ em và người già có thể bị nhiều hơn do sức đề kháng kém.
2. Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp nguy hiểm không?
Nói về tính nguy hiểm, nhìn chung, nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp không phải là vấn đề nghiêm trọng. Các bệnh lý này rất phổ biến như cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang,… và có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần, nếu cần điều trị cũng tương đối đơn giản.
Tuy nhiên, các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên hay trên cấp thường ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh có sức đề kháng kém, không tuân thủ việc điều trị hoặc điều trị không đúng cách, triệu chứng bệnh sẽ kéo dài hơn 2 – 3 tuần và có thể tiến triển thành nhiễm trùng đường hô hấp dưới, gây biến chứng viêm phổi, hen suyễn,…
Bên cạnh đó, nếu nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp xảy ra do vi khuẩn và có hiện tượng bội nhiễm, người bệnh sẽ đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng cũng như dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như:
- Biến chứng viêm mũi xoang bội nhiễm, viêm tai giữa cấp, viêm thanh khí phế quản cấp, viêm amidan cấp mủ…. Các bác sĩ Tai mũi họng sẽ kiểm tra và đánh giá tình trạng viêm có cần điều trị kết hợp kháng sinh và điều trị tại chỗ hay không khi viêm đường hô hấp trên đã kèm theo bội nhiễm.
- Biến chứng phổi, chẳng hạn như viêm phổi, áp xe phổi, xảy ra khi người bệnh không được điều trị sớm hoặc dùng thuốc (kháng sinh) không đủ liều.
- Biến chứng ngoài phổi, bao gồm nhiễm trùng máu, tràn dịch màng tim, suy đa phủ tạng,… có nguy cơ tử vong cao.
- Biến chứng tim mạch như rối loạn nhịp tim, suy tim,… do vi khuẩn phế cầu tấn công trực tiếp vào tim.
- Biến chứng hệ tiêu hóa, thường gặp ở trẻ em với triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, ăn kém,…
- Biến chứng hệ thần kinh do người bệnh bị sốt cao dẫn đến co giật, mê sảng, lú lẫn, mất tỉnh táo.
- Các biến chứng ít gặp hơn như viêm màng não, viêm tai xương chũm, viêm khớp.
3. Điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp như thế nào?
Phần trên giúp bạn biết được nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là gì và nguy hiểm không. Ở phần này, chúng ta cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị tình trạng nhiễm trùng này. Nhìn chung, tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Trường hợp dùng thuốc, các loại thuốc được kê trong điều trị viêm nhiễm đường hô hấp trên cấp bao gồm thuốc xịt mũi họng, thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc kháng histamin hay thuốc kháng sinh. Lưu ý, không phải trường hợp nào cũng được chỉ định tất cả các loại thuốc này.
Nếu viêm nhiễm đường hô hấp trên cấp do virus và các triệu chứng không quá nghiêm trọng, bạn có thể không cần dùng thuốc, chỉ chú ý nghỉ ngơi, ăn uống và rèn luyện thể chất. Trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên do bụi bẩn, nấm mốc hay các tác nhân dị ứng, bạn có thể được dùng thuốc kháng histamin để thuyên giảm triệu chứng. Đặc biệt, thuốc kháng sinh chỉ dùng nếu xác định nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp do vi khuẩn, có nguy cơ bội nhiễm.
Như vậy, việc sử dụng thuốc gì và điều trị như thế nào sẽ do bác sĩ chỉ định. Bạn không được tự ý dùng thuốc hoặc dùng thuốc không đúng hướng dẫn để tránh bệnh diễn tiến nặng và tiềm ẩn các tác dụng phụ không mong muốn.
4. Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp
Làm sao để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp và các bệnh lý hô hấp nói chung là vấn đề được nhiều người quan tâm.
- Chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết giao mùa hoặc chuyển sang lạnh để phòng ngừa nhiễm lạnh, cảm lạnh.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng để làm sạch vi khuẩn, virus, bụi bẩn bám dính trên tay.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng cách súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi sáng và tối.
- Tránh đưa tay lên chạm mắt, mũi, miệng để không làm lây truyền các tác nhân gây bệnh từ tay sang hệ hô hấp.
- Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là đến những nơi tập trung đông người hoặc khi đi qua công trường, nhà máy, xí nghiệp,…
- Dọn dẹp nhà cửa và môi trường sống xung quanh, không để bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn, virus,… tích tụ và gây bệnh.
- Trang bị máy lọc không khí và máy tạo ẩm để không gian sống sạch sẽ và cân bằng độ ẩm, tránh gây kích ứng hệ hô hấp.
- Dừng ngay thói quen hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Không tiếp xúc với người bệnh hoặc người đang bị ho, sổ mũi, hắt xì,…
- Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, uống đủ nước mỗi ngày, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, rèn luyện thể chất,…
- Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng ngừa bệnh hô hấp như vắc xin cúm, vắc xin phế cầu, vắc xin lao,..
Những thông tin trên giúp bạn giải đáp thắc mắc nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là gì, nguy hiểm không. Cùng với đó là cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả, hy vọng bạn sẽ biết cách chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và các thành viên trong gia đình.
Nếu vẫn còn thắc mắc, hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám và điều trị bệnh tại Chuyên khoa Hô hấp.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.