Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Mặc dù tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim đã giảm nhờ sự tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng hậu quả và biến chứng sau vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Các loại nhồi máu cơ tim cấp thường gặp
Tim có vai trò quan trọng trong việc bơm máu đến các cơ quan khác. Tim được cung cấp oxy và các dưỡng chất từ 2 nhánh mạch máu: động mạch vành trái và động mạch vành phải.
Nhồi máu cơ tim cấp(đột quỵ tim) là tình trạng mạch máu nuôi cơ tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử cấp tính.
Về mặt bệnh học, nhồi máu cơ tim đồng nghĩa với sự chết tế bào cơ tim không hồi phục do thiếu máu cục bộ.
Về mặt lâm sàng, nhồi máu cơ tim là một hội chứng được nhận diện bởi một loạt các triệu chứng, trong đó đau ngực là triệu chứng nổi bật, kèm thay đổi ECG, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chứng tỏ có tổn thương và hoại tử cơ tim.
Nhồi máu cơ tim được phân thành năm loại:
- Nhồi máu cơ tim type 1
- Nhồi máu cơ tim type 2
- Nhồi máu cơ tim type 3
- Nhồi máu cơ tim type 4
- Nhồi máu cơ tim type 5
Triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp là:
- Cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay. Thời gian đau có thể kéo dài hơn 20 phút.
- Cơn đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
- Vã mồ hôi.
- Khó thở, thở khò khè.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Nôn, buồn nôn.
- Lú lẫn.
- Rối loạn tiêu hóa (gặp ở một số người)
Trong một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân không có hoặc có ít cảm giác đau sẽ khó nhận ra ra hơn. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Đặc điểm, triệu chứng của mỗi loại nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim type 1
Là tổn thương cơ tim cấp tính liên quan đến bệnh động mạch vành cấp tính. Bệnh có liên quan đến vỡ mảng xơ vữa hoặc xói mòn động mạch với sự hình cục máu đông hoặc xuất huyết vào mảng bám.
Chẩn đoán chính xác nhồi máu cơ tim type 1 có những tiêu chuẩn: Thay đổi tăng hoặc giảm các dấu ấn sinh học men tim (hiện nay thường sử dụng men tim Troponin I) theo thời gian, ít nhất 1 giá trị trên bách phân vị thứ 99 của giới hạn tham chiếu trên (URL) và có ít nhất 1 trong các giá trị sau:
- Dấu hiệu thiếu máu cơ tim cấp tính trên lâm sàng như bệnh nhân đau ngực sau xương ức điển hình
- Thay đổi trên điện tâm đồ như thay đổi sóng T, đoạn St hoặc block nhánh trái mới xuất hiện
- Xuất hiện sóng Q bệnh lý thể hiện cơ tim đã hoại tử
- Thăm dò chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc xạ hình tim ghi nhận rối loạn vận động vùng hoặc thiếu máu cơ tim cấp tính mới
- Ghi nhận huyết khối động mạch vành trên phim chụp động mạch vành hoặc mổ tử thi
Nhồi máu cơ tim type 2
Là tổn thương cơ tim cấp tính liên quan đến sự mất cân bằng giữa cung cấp oxy của cơ tim và nhu cầu thứ phát đối với các yếu tố kích hoạt không liên quan đến chứng xơ vữa động mạch vành cấp tính.
Tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim type 2 gồm:
Tăng hoặc giảm dấu ấn sinh học men tim theo thời gian ít nhất 1 giá trị của bách phân vị thứ 99 của giới hạn tham chiếu trên (URL), xác định được nguyên nhân làm mất cân bằng cung cầu oxy cơ tim và không liên quan đến bong tróc các mảng xơ vữa mạch vành cấp tính, kèm ít nhất 1 trong các tiêu chuẩn sau:
- Đau ngực sau xương ức điển hình
- Thay đổi trên điện tâm đồ gợi ý thiếu máu cơ tim cấp tính mới
- Xuất hiện sóng Q bệnh lý
- Thăm dò chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc xạ hình tim ghi nhận rối loạn vận động vùng hoặcthiếu máu cơ tim cấp tính mới.
Nhồi máu cơ tim type 3
Nhồi máu cơ tim type 3 vô cùng nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân hoại tử cơ tim, đột ngột tử vong.
Nhồi máu cơ tim type 3 là bệnh động mạch vành cấp tínhlàm bệnh nhân đột ngột tử vong hoại tử cơ tim cấp tính. Bệnh nhân có các dấu hiệu gợi ý thiếu máu cơ tim cấp,đau ngực, thiếu máu, thay đổi trên điện tâm đồ nhưng tử vong khi chưa kịp lấy máu xét nghiệm hoặc chưa có kết quả xét nghiệm các dấu ấn sinh học men tim.
Nhồi máu cơ tim type 4
Đột quỵ tim type 4 là loại nhồi máu cơ tim có liên quan đến can thiệp động mạch vành, được chia làm 3 loại: 4a, 4b và 4c.
- Type 4a: Nhồi máu cơ tim sau khi được can thiệp mạch vành. Dấu ấn sinh học (men tim): Troponin tăng ít nhất 5 lần mức trên của 99% bách phân vị hoặc tăng >20% so với ban đầu nếu giá trị này tăng. Điều này xảy ra sau quá trình can thiệp để mở rộng hoặc đặt stent vào động mạch vành. Bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng như thay đổi trên điện tâm đồ hoặc dấu hiệu của việc giảm lưu lượng máu trong mạch vành.
- Type 4b:Nhồi máu cơ tim liên quan huyết khối trong stent khi chụp mạch vành hay phẫu thuật. Lúc này, thời gian hình thành huyết khối so với thời điểm đặt stent mạch vành là vấn đề quan trọng cần ghi nhận.
Có thể chia thành các giai đoạn sau:
- Cấp tính: từ 0-24 giờ;
- Bán cấp: từ trên 24 giờ đến 30 ngày;
- Muộn: thời điểm trên 30 ngày đến 1 năm;
- Rất muộn: trên 1 năm từ thời điểm đặt stent.
- Type 4c: Nhồi máu cơ tim liên quan đến sự tái hẹp trong stent, hoặc tái hẹp sau khi nong động mạch vành bằng bóng ở vùng nhồi máu.
Nhồi máu cơ tim type 5
Là loại nhồi máu cơ tim sau phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành (CABG). Lúc này, chỉ số Troponin tăng ít nhất 10 lần mức trên của 99% bách phân vị.
Tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim type 5 bao gồm:
- Men tim tăng trên 10 lần so với giới hạn tham chiếu trên của đường bách phân vị thứ 99. Điều này thường chỉ ra sự tổn thương cơ tim đáng kể.
- Đường cơ sở men tim có thể là bình thường hoặc nếu men tim đã tăng trước đó, thì phải ổn định và men tim sau can thiệp mạch vành phải tăng lên ít nhất 20% so với giới hạn tham chiếu trên.
- Sóng Q hoại tử cơ tim mới xuất hiện.
- Có hình ảnh tắc động mạch vành mới khi chụp mạch vành.
- Ghi nhận dấu hiệu hoại tử cơ tim mới hoặc sự mất vận động vùng cơ tim trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm.
Cách chăm sóc người người mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp
Sau khi đã điều trị tình trạng cấp, bệnh nhân cần nằm viện để tiếp tục điều trị và theo dõi. Bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp, tăng dần để trở về bình thường.
Bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng thiếu máu cục bộ, cải thiện triệu chứng và chức năng tim. Đồng thời cần điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu (nếu có).
Sau khi ra viện, bệnh nhân cần đi bộ tối thiểu mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 20-30 phút và theo dõi nhịp tim, tránh nhịp tim tăng quá nhiều. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm nghiệm pháp đo gắng sức tim mạch (CPET) để đánh giá.
Đồng thời, bệnh nhân cần duy trì thói quen lối sống lành mạnh:
- Tập thể dục đều đặn.
- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc lá thụ động.
- Hạn chế uống rượu bia, nước ngọt.
- Ăn nhạt, giảm chất béo bão hòa, nhất là thịt mỡ động vật, thực phẩm đóng hộp.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, nên ăn nhiều cá và gà hơn là thịt heo, thịt bò.
- Hạn chế căng thẳng.
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những người có nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Mặc dù các loại nhồi máu cơ tim cấp có những đặc điểm và triệu chứng riêng biệt, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nhận diện và điều trị kịp thời để giảm thiểu tỷ lệ tử vong và hậu quả nặng nề sau cơn đau. Điều này bao gồm cả chẩn đoán chính xác từ các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm, cũng như chăm sóc hậu phẫu và điều trị dài hạn để ngăn ngừa tái phát. Vì vậy, việc tăng cường nhận thức và hành động phòng ngừa là cần thiết để giảm thiểu tác động của bệnh lý này đối với sức khỏe cộng đồng. Khi bạn có những triệu chứng nghi ngờ cần gặp bác sĩ ngay để được chuẩn đoán và điều trị.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.