1. Nhiệt độ phòng trung bình cho trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh nên được sinh hoạt, ngủ nghỉ trong không gian có nhiệt độ phòng khoảng 26 – 28 độ C. Tuy nhiên, không phải lúc nào mức nhiệt độ này cũng là lý tưởng, nghĩa là bạn có thể linh hoạt điều chỉnh theo điều kiện thực tế.
Chẳng hạn, ở những vùng có khí hậu nóng hay ấm áp, ngay từ khi sinh ra, trẻ đã thích nghi với điều kiện khí hậu này nên vẫn có thể “ăn ngủ” tốt khi nhiệt độ phòng cao hơn mức khuyến nghị. Hoặc khi trẻ lớn hơn một xíu, từ 3 tháng tuổi trở lên, bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ phòng thấp hơn, khoảng 20 – 24 độ C mà vẫn không gây ra vấn đề gì.
Nói chung, nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh có thể được điều chỉnh linh hoạt theo từng trường hợp. Quan trọng là bạn thấy bé thoải mái, dễ chịu, ngủ ngon; đồng thời, đảm bảo nguyên tắc an toàn là không hạ nhiệt độ quá thấp vào mùa hè hay bật chế độ sưởi ấm cao vào mùa đông. Ngoài ra, phòng của trẻ sơ sinh không được có gió lùa, không bị ẩm ướt, độ ẩm từ 40 – 60% để không gây ra các vấn đề về sức khỏe.
2. Làm sao để giữ nhiệt độ phù hợp cho trẻ sơ sinh?
Để đảm bảo nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh luôn ở mức lý tưởng, bạn hãy thực hiện các cách sau.
2.1 Để ý hoạt động của trẻ
Nếu nhiệt độ phòng thích hợp, bé sẽ ngủ ngon, bú tốt, người tươi tỉnh. Ngược lại, khi nhiệt độ phòng không phù hợp, quá nóng hoặc quá lạnh, bé sẽ mệt mỏi, quấy khóc, bú kém, ngủ giật mình, không ngon giấc hay thậm chí bị sốt, cảm lạnh, sổ mũi,… Do đó, để ý các hoạt động của bé cũng là cách giúp bạn biết được nhiệt độ phòng lý tưởng chưa, cần điều chỉnh không.
2.2 Sử dụng nhiệt kế đo phòng
Nhiều người chỉ chú trọng vào việc đầu tư và sử dụng máy điều hòa mà bỏ qua nhiệt kế đo phòng. Thực tế, nếu gia đình bạn sử dụng điều hòa 2 chiều, thường xuyên bật chế độ sưởi thì rất khó để kiểm soát nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh. Lúc này, nên trang bị thêm nhiệt kế đo phòng hay máy đo nhiệt độ phòng để biết chính xác nhiệt độ phòng bao nhiêu, từ đó có điều chỉnh phù hợp.
2.3 Dùng điều hòa đúng cách vào mùa hè
Rất nhiều người mắc sai lầm khi sử dụng điều hòa mùa hè. Theo đó, vì thời tiết nóng bức, nhiệt độ ngoài trời cao nên mọi người thường hạ thấp nhiệt độ của điều hòa để trong phòng mát mẻ. Tuy nhiên, cách này khiến nhiệt độ trong và ngoài phòng bị chênh lệch nhiều dẫn đến sốc nhiệt. Hay nhiệt độ quá thấp có thể làm trẻ sơ sinh bị cảm lạnh. Do đó, mùa hè, nên tăng nhiệt độ điều hòa cao hơn một xíu và kiểm tra nhiệt độ phòng thường xuyên.
2.4 Hạn chế để các thiết bị sinh nhiệt trong phòng
Nhiều trường hợp nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh ở mức lý tưởng, tuy nhiên, trẻ sinh hoạt hoặc nằm ngủ gần các nguồn nhiệt như bộ tản nhiệt, các thiết bị điện tử, cửa sổ gió lùa,… sẽ khiến cơ thể bé cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh. Vì vậy, bé sẽ bứt rứt, khó chịu, quấy khóc,… ảnh hưởng đến sự phát triển. Do đó, bạn cần hạn chế để các thiết bị sinh nhiệt trong phòng.
3. Lưu ý về nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh
Ngoài thực hiện các hướng dẫn trên, bạn cũng cần lưu ý các vấn đề sau để nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh luôn phù hợp, ổn định, giúp trẻ ngủ ngon và an toàn cho sức khỏe.
- Không dùng cảm nhận của người lớn để điều chỉnh nhiệt độ phòng bởi thân nhiệt của trẻ cao hơn người lớn. Khi chúng ta thấy lạnh, trẻ thấy mát; chúng ta thấy mát, trẻ thấy nóng,.. nên nhiệt độ phòng có thể thích hợp với chúng ta nhưng không phù hợp với trẻ.
- Cố gắng để nhiệt độ phòng của trẻ ở mức ổn định, không tăng giảm liên tục vì cơ thể trẻ chưa thích nghi được với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ. Điều này khiến trẻ bị sốc nhiệt, sốt hoặc cảm lạnh.
- Hạn chế di chuyển bé từ phòng này sang phòng khác. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các phòng khiến cơ thể bé không thích nghi kịp, gây ra các vấn đề như vừa nói ở trên.
- Đừng quá chú trọng vào việc làm mát cho bé mà bỏ qua việc giữ ấm, nhất là với bé sinh non hoặc khi thời tiết lạnh. Lúc này, nhiệt độ phòng có thể mát mẻ, nhưng chú ý cho bé mặc quần áo dài tay, đắp một chiếc chăn mỏng nhẹ ngang người bé để giữ ấm cho bé mà không làm bé bí bách, khó chịu.
- Nếu phòng có cửa sổ gió lùa, không nên để bé nằm cạnh cửa sổ. Đồng thời, không để quạt điều hòa hay quạt máy phà thẳng, thổi trực tiếp hơi gió vào người bé.
- Không để các thiết bị sinh nhiệt, tỏa nhiệt trong phòng và tránh để bé nằm gần các thiết bị này. Ngoài ra, cũng nên hạn chế bày trí nhiều đồ dùng trong phòng trẻ để tránh bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc,… tích tụ và gây bệnh.
- Ban ngày, nên mở cửa sổ hoặc ban công để ánh nắng chiếu vào trong phòng, giúp tiêu diệt vi khuẩn, tránh nấm mốc gây bệnh cho trẻ.
- Với phòng kín, nên hạn chế nhiều người ra vào phòng để tránh làm lây nhiễm bệnh cho trẻ.
Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn biết được nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là lý tưởng cùng những lưu ý về nhiệt độ phòng của bé. Ngoài nhiệt độ phòng, bạn cũng cần chú ý đến sức khỏe, dinh dưỡng, vận động, vệ sinh cá nhân,… trong quá trình chăm sóc bé.
Đặc biệt, nếu bé có những biểu hiện bất thường, cần chủ động đưa bé đi khám. Bạn có thể lựa chọn Chuyên khoa Nhi.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.