Nội tiết tố nữ là gì? Có tác dụng thế nào và quan trọng ra sao?

Nội tiết tố nữ là gì? Có tác dụng thế nào và quan trọng ra sao?

Nội tiết tố (hormone) là một chất không thể thiếu trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Các chuyên gia cho biết, trong cơ thể người có chứa khoảng 50 loại nội tiết tố khác nhau. Vậy, nội tiết tố nữ là gì bạn đã biết chưa?

Nội tiết tố nữ hay hormone nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động chức năng của cơ thể phụ nữ. Trong bài viết này, Bác sĩ Hoa sẽ tìm hiểu về nội tiết tố nữ là gì và đóng vai trò quan trọng ra sao. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này thì hãy tham khảo bài viết sau nhé.

Nội tiết là gì?

Nội tiết tố là các chất hóa học được cơ thể tiết ra thông qua máu được vận chuyển đến các cơ quan, da, cơ và các mô khác nhau để thực hiện một số chức năng nhất định. Nội tiết tố rất cần thiết cho sức khỏe và giúp cơ thể biết phải hoạt động như thế nào.

Cơ thể cần nội tiết tố để duy trì hoạt động chức năng của các cơ quan và tế bào. Do đó, chỉ cần cơ thể thiếu hụt một lượng nhỏ nội tiết tố cũng đã gây ra những thay đổi lớn. Điều này, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng cho sức khỏe. 

Nội tiết tố nữ là gì?

nội tiết tố nữ là gì
Nội tiết tố nữ là gì? Nội tiết tố nữ là lượng hormone tiết ra từ các bộ phận sinh dục nữ

Nội tiết tố nữ là lượng hormone tiết ra từ các cơ quan sinh dục nữ (buồng trứng) để tạo nên những điểm khác biệt về sinh lý và hình thể so với nam giới. Có 2 loại nội tiết tố nữ là estrogen và progesterone. Ngoài ra, cơ thể phụ nữ cũng tiết ra một lượng nhỏ nội tiết tố testosterone (được cho là nội tiết tố nam).

1. Nội tiết tố estrogen 

Nội tiết tố nữ estrogen là gì? Estrogen là nhóm hormone giới tính được sản sinh từ buồng trứng và một lượng nhỏ được tiết ra từ tuyến thượng thận và tế bào mỡ, nên được gọi là nội tiết tố nữ. Trong giai đoạn mang thai, nội tiết tố này còn được tiết ra từ nhau thai. 

Estrogen đóng vai trò quan trọng đối với mọi giai đoạn cuộc đời của phụ nữ như ở tuổi dậy thì, tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và mãn kinh… Bên cạnh đó, estrogen cũng ảnh hưởng đến một số cơ quan trong cơ thể như não, hệ tim mạch, tóc, hệ cơ xương, da, đường tiết niệu… 

Nồng độ estrogen trong cơ thể được xác định qua xét nghiệm máu với đơn vị tính là picogram trên mililít (pg/mL). Mức độ nội tiết có thể khác nhau tùy cơ địa mỗi người nhưng nồng độ trung bình được xác định như sau:

  • Phụ nữ trưởng thành trong giai đoạn tiền mãn kinh: 15 – 350 pg/mL
  • Phụ nữ trưởng thành trong giai đoạn sau mãn kinh: 10 pg/mL
Trong độ tuổi sinh sản, nồng độ estrogen có thể thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.

2. Nội tiết tố progesterone

Nội tiết tố nữ progesterone là gì? Nội tiết tố progesterone được tiết ra từ buồng trứng sau khi rụng trứng. Ngoài ra, khi mang thai progesterone cũng được tiết ra từ nhau thai. Vai trò của nội tiết này gồm:

  • Làm đặc chất nhầy cổ tử cung
  • Hỗ trợ thai kỳ phát triển khỏe mạnh 
  • Làm mềm cơ tử cung, hạn chế tình trạng co bóp tử cung
  • Giúp cho lớp niêm mạc tử cung dày lên chuẩn bị cho phôi thai làm tổ

Nồng độ progesterone cũng được xác định bằng xét nghiệm máu với đơn vị tính bằng nanogram trên mililít (ng/mL). Trung bình mức nội tiết progesterone ở mỗi độ tuổi được xác định như sau:

  • Trước tuổi dậy: 0,1 – 0,3 ng/mL
  • Giai đoạn đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt (giai đoạn nang noãn): 0,1 – 0,7 ng/mL
  • Sau khi rụng trứng (giai đoạn hoàng thể của chu kỳ): 2 – 25 ng/mL

Ngoài ra, khi mang thai thì nồng độ progesterone trung bình trong cơ thể được xác định như sau:

  • 3 tháng đầu: 10 – 44 ng/mL
  • 3 tháng giữa: 19,5 – 82,5 ng/mL
  • 3 tháng cuối: 65 – 290 ng/mL

3. Nội tiết tố testosterone

Một lượng nhỏ nội tiết tố testosterone trong cơ thể phụ nữ được tiết ra từ tuyến thượng thận và buồng trứng. Testosterone đóng vai trò quan trọng như sau:

  • Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt
  • Kích thích ham muốn tình dục
  • Duy trì sức mạnh của xương và cơ

Xét nghiệm máu cũng có thể giúp xác định mức testosterone trong cơ thể phụ nữ. Mức độ testosterone trung bình đối với phụ nữ là 15 – 70 nanogram trên decilit (ng/dL).

Bên cạnh tìm hiểu nội tiết tố nữ là gì, nếu bạn đang bị rối loạn nội tiết tố thì có thể xin tư vấn của bác sĩ về 7 nhóm thuốc điều trị rối loạn nội tiết tố nữ trên Bác sĩ Hoa nhé.

Tác dụng của nội tiết tố nữ

Sau khi đã tìm hiểu nội tiết tố nữ là gì, bạn đã biết các nội tiết tố này rất cần thiết cho nhiều chức năng khác nhau của cơ thể phụ nữ. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn cuộc đời của người phụ nữ thì các nội tiết này sẽ có những tác dụng khác nhau. 

1. Tuổi dậy thì

nội tiết tố nữ là gì
Vai trò của nội tiết tố nữ là gì trong chu kỳ kinh nguyệt?

Độ tuổi dậy thì ở mỗi người sẽ khác nhau nhưng trung bình thì nằm trong khoảng 8 đến 13 tuổi. Vậy vai trò của nội tiết tố nữ là gì khi đến tuổi dậy thì? Khi bước vào tuổi dậy thì, tuyến yên sẽ tiết ra nhiều hormone hoàng thể hóa (Luteinizing hormone – LH) và hormone kích thích nang trứng (Follicle-stimulating hormone – FSH) hơn mức bình thường. Điều này giúp kích thích sự hoạt động của nội tiết tố nữ estrogen và progesterone. Từ đó, cơ thể các bé gái sẽ có những thay đổi như:

  • Ngực phát triển
  • Mọc lông ở mu và nách
  • Cơ thể trổ mã có hình dáng nữ tính hơn
  • Phát triển mỡ trong cơ thể, nhất là ở hông và đùi
  • Kích thích sự hoạt động của buồng trứng, tử cung và âm đạo
  • Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu hoạt động

>> Bạn có thể xem thêm: 5 dấu hiệu kinh nguyệt bất thường ở tuổi dậy thì bạn cần biết

2. Giai đoạn trưởng thành có kinh nguyệt

Ở các bé gái, kỳ kinh nguyệt đầu tiên (menarche) xảy ra khoảng 2 – 3 năm sau khi ngực bắt đầu phát triển. Thời điểm xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên khác nhau ở mỗi người; nhưng hầu hết các bé gái có kinh nguyệt lần đầu trong khoảng 10 – 16 tuổi. Sự ảnh hưởng của nội tiết tố nữ trong các chu kỳ kinh nguyệt như sau:

2.1 Giai đoạn nang trứng

Trong chu kỳ kinh nguyệt vai trò của nội tiết tố nữ là gì? Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, buồng trứng tiết ra progesterone nhiều hơn sau khi rụng trứng để giúp niêm mạc tử cung chế tiết dày lên chuẩn bị cho quá trình thụ thai. Khi không thụ thai, thì nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm xuống. Điều này khiến lớp niêm mạc tử cung bong ra và được đào thải ra ngoài cơ thể qua đường âm đạo. Hiện tượng này được gọi là hành kinh; và ngày đầu hành kinh được xem là ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.

Sau đó, tuyến yên bắt đầu sản xuất nhiều hormone kích thích nang trứng (Follicle Stimulating Hormone – FSH) giúp phát triển của các nang trứng trong buồng trứng. Trong mỗi chu kỳ, sẽ có một quả trứng phát triển trội hơn dưới sự chọn lọc của hormon, quả trứng trội này phát triển thành nang trứng trưởng thành, vỡ ra và giải phóng noãn bên trong được gọi là hiện tượng rụng trứng.

Khi nang trứng trưởng thành phát triển thì buồng trứng tiết ra nhiều estrogen hơn. Các nang trứng không trưởng thành khác sẽ bị thoái triển; đồng thời hormone hoàng thể hoá (Luteinizing hormone – LH) cũng được tiết ra nhiều hơn, đạt đỉnh khi đến ngày rụng trứng. Giai đoạn này kéo dài khoảng hai tuần trong chu kỳ kinh nguyệt.

2.2 Giai đoạn rụng trứng

Hormon LH tăng dần, đạt đỉnh dẫn tới hiện tượng rụng trứng giải phóng noãn bào bên trong của trứng trưởng thành. Giai đoạn này kéo dài khoảng 16 đến 32 giờ, được gọi là quá trình rụng trứng.

2.3 Giai đoạn hoàng thể

Trong giai đoạn hoàng thể vai trò của nội tiết tố nữ là gì? Giai đoạn hoàng thể bắt đầu sau khi trứng rụng, hormon progesterone được tiết ra tăng dần lên. Điều này giúp niêm mạc trong buồng tử cung dày lên sẵn sàng tiếp nhận trứng đã thụ tinh vào làm tổ.

Nếu quá trình thụ thai không diễn ra, nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm xuống và chu kỳ kinh nguyệt mới lại bắt đầu.

Toàn bộ chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 21 đến 35 ngày và ngày hành kinh có thể kéo dài khoảng từ 3 đến 7 ngày (tùy cơ địa mỗi người). Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể không đều trong vài năm đầu và sau đó sẽ dần ổn định hơn. Đôi khi, chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể thay đổi khi bạn sử dụng thuốc tránh thai nội tiết tố, mang thai hoặc bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về sức khỏe khác.

3. Kích thích ham muốn tình dục

nội tiết tố nữ là gì
Vai trò của nội tiết tố nữ là gì trong đời sống tình dục?

Các nội tiết tố estrogen, progesterone và testosterone đều đóng vai trò quan trọng giúp kích thích ham muốn tình dục ở phụ nữ. Do sự tăng lên của các nội tiết này nên phụ nữ dễ cảm thấy thăng hoa hơn khi quan hệ trước ngày rụng trứng.

Tuy nhiên, ham muốn tình dục có thể giảm nếu bạn sử dụng các biện pháp tránh thai bằng nội tiết hoặc vào tuổi mãn kinh. Bên cạnh đó, việc từng phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận hoặc buồng trứng cũng sẽ làm giảm ham muốn tình dục do giảm nội tiết tố.

4. Khi mang thai 

Như bạn đã biết, trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt sự gia tăng progesterone giúp tử cung chuẩn bị cho quá trình mang thai. Lúc này, niêm mạc tử cung chế tiết trở nên dày hơn, chứa nhiều chất dinh dưỡng và các chất lỏng khác để nuôi dưỡng phôi thai.

Vậy vai trò của nội tiết tố nữ là gì trong quá trình mang thai của phụ nữ? Sự tăng lên của progesterone làm đặc chất nhầy cổ tử cung để bảo vệ buồng tử cung khỏi vi khuẩn tấn công và tinh trùng xâm nhập vào. Đồng thời, nồng độ estrogen tăng cao cũng làm dày niêm mạc tử cung hơn, progesterone giúp làm mềm cơ tử cung. Cả hai loại nội tiết tố nữ trên cũng đều giúp ống dẫn sữa ở vú giãn ra chuẩn bị cho quá trình nuôi con.

Sau khi thụ thai, cơ thể bạn bắt đầu sản xuất hormone gonadotropin màng đệm ở người (Human chorionic gonadotropin – HCG). Hormone này được phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu giúp báo hiệu bạn đã có thai. Đồng thời, khi nội tiết estrogen và progesterone tăng giúp ngăn ngừa hình thành kinh nguyệt và giúp duy trì sự phát triển của thai kỳ.

5. Giai đoạn sau khi sinh và cho con bú

nội tiết tố nữ là gì
Sau khi sinh vai trò của nội tiết tố nữ là gì?

Nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu giảm ngay xuống về mức trước khi mang thai. Sự sụt giảm nội tiết tố đột ngột này được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.

Khi bạn cho con bú thì nồng độ estrogen sẽ giảm xuống giúp ngăn ngừa quá trình rụng trứng diễn ra. Tuy nhiên, bạn cũng vẫn có thể mang thai khi đang cho con bú. Do đó, nếu không muốn mang thai trong giai đoạn này thì bạn nên dùng biện pháp tránh thai nhé.

6. Tiền mãn kinh và mãn kinh

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, quá trình sản xuất hormone trong buồng trứng sẽ chậm lại. Nồng độ estrogen bắt đầu mất cân bằng trong khi progesterone bắt đầu giảm đều dần. Lúc này, âm đạo có thể bị khô hạn; thậm chí một số phụ nữ còn bị giảm ham muốn tình dục và chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Nếu trong 12 tháng không có kinh nguyệt thì bạn đã đến thời kỳ mãn kinh. Vào thời điểm này, nồng độ estrogen và progesterone đều ổn định ở mức thấp. Sự sụt giảm nội tiết tố nữ sau thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương và bệnh tim mạch đối với phụ nữ.

Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố nữ

nội tiết tố nữ là gì

Bên cạnh tìm hiểu nội tiết tố nữ là gì, bạn nên biết nồng độ nội tiết tố có thể dao động tăng giảm bất cứ lúc nào. Sự mất cân bằng nội tiết tố nữ có thể do các nguyên nhân sau:

Chú thích: Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố nữ là gì?

  • Tuổi dậy thì
  • Mang thai
  • Cho con bú
  • Tiền mãn kinh và mãn kinh
  • Sử dụng biện pháp tránh thai có sử dụng nội tiết tố

Ngoài ra, mất cân bằng nội tiết tố nữ cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Cụ thể:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS có thể gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Dư thừa nội tiết androgen: Đây là tình trạng cơ thể tiết ra quá nhiều hormone nam dẫn đến kinh nguyệt không đều, vô sinh, mụn trứng cá và hói đầu.
  • Rậm lông do có nhiều nội tiết testosterone: Rậm lông là tình trạng cơ thể mọc nhiều lông trên mặt, ngực, bụng và lưng. Tình trạng này xảy ra do hormone nam tăng quá mức và cũng có thể dẫn đến bệnh lý PCOS.

Bên cạnh đó, mất cân bằng nội tiết tố nữ cũng có thể do các nguyên nhân khác như:

  • Sảy thai 
  • Mang đa thai (sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn)
  • Khối u buồng trứng
  • Suy sinh dục nữ là tình trạng thiếu hụt nội tiết tố nữ. 

Các cách duy trì cân bằng nội tiết tố nữ

Nếu bạn đã hiểu nội tiết tố nữ là gì thì cũng cần lưu ý đến các yếu tố khiến bạn bị mất cân bằng nội tiết. Để duy trì cân bằng nội tiết tố nữ, bạn nên áp dụng các cách cân bằng nội tiết sau:

nội tiết tố nữ là gì
Bí quyết cân bằng nội tiết tố nữ là gì? Sống vui khỏe và thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh
  • Ngủ đủ giấc: Việc ngủ đủ và sâu giấc sẽ giúp cơ thể duy trì mức độ nồng độ nội tiết tố nữ ổn định.
  • Hạn chế uống rượu: Rượu có thể làm tăng mức estrogen nhưng nếu điều này kéo dài có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư.
  • Tập thể dục vừa phải: Tập thể dục vừa phải có thể giúp cân bằng năng lượng được nạp từ thức ăn và lượng mỡ trong cơ thể. Nhờ đó, bạn cũng có thể ngủ ngon hơn giúp cân bằng nội tố nữ tốt hơn.
  • Kiểm soát căng thẳng: Mức độ căng thẳng cao có thể khiến cơ thể sản xuất nhiều hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Khi các hormone gây căng thẳng tăng quá mức có thể làm mất cân bằng nội tiết tố nữ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Việc có một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cân bằng nội tố nữ tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có đường. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và chất béo lành mạnh (dầu ô liu, các loại hạt, hạt giống và cá) giúp cân bằng nội tiết tố nữ.

Như vậy, nội tiết tố nữ là gì? Nội tiết tố nữ là các chất hóa học trong cơ thể được tiết ra từ các cơ quan sinh dục nữ. Có hai loại nội tiết tố nữ chính là estrogen và progesterone. Ngoài ra, cơ thể nữ giới cũng tiết một lượng ít nội tố testosterone giúp duy trì ham muốn tình dục. Nội tiết tố nữ đóng vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời của phụ nữ. Nếu bạn đang bị thiếu hụt nội tiết tố nữ có thể tham khảo các thức uống tăng nội tiết tố được đăng trên website Bác sĩ Hoa nhé.

[embed-health-tool-ovulation]
 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Phone
Zalo
Messenger
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo