1. Tìm hiểu chung nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý là dung dịch nước muối với thành phần chính là nước (H2O), còn muối (NaCl) được pha với nồng độ 0,9%. Với tỷ lệ thành phần này, nước muối sinh lý sở hữu tính chất gần như giống với dịch trong cơ thể.
Về công dụng, nước muối sinh lý được sử dụng để bù tuần hoàn trong trường hợp cơ thể mất nước nghiêm trọng do tiêu chảy, nôn ói,… dẫn đến mất cân bằng điện giải. Lúc này, việc uống nước đun sôi chỉ đơn thuần bù nước, không cung cấp chất điện giải nên không hiệu quả. Và tiêm nước muối sinh lý vào tĩnh mạch là giải pháp giúp bù điện giải cho cơ thể.
Ngoài ra, nước muối sinh lý còn được dùng để nhỏ mắt hay vệ sinh mũi, họng, tai (tai ngoài). Chính nhờ công dụng này mà các mẹ bỉm hay dùng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh nhà mình.
2. Cách dùng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh
Khi sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh, bạn cần thực hiện theo các hướng dẫn sau.
2.1 Dùng nước muối nhỏ mắt
Những ngày đầu sau sinh, mắt của trẻ hay rỉ dịch, đóng ghèn. Để loại bỏ dịch, ghèn và tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, việc nhỏ mắt cho bé bằng nước muối sinh lý là cần thiết. Khi nhỏ mắt, bạn cần chú ý:
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và lau khô tay. Đồng thời, móng tay của bạn cũng nên cắt tỉa gọn gàng để tránh làm tổn thương cho bé.
- Đặt trẻ nằm trên giường hoặc một người khác ôm bé nằm ngửa. Không được vừa ôm bé, vừa nhỏ mắt cho bé.
- Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mắt bé. Nên nhỏ nhẹ nhàng từng giọt để nước muối không chảy ra ngoài và bé cũng không khó chịu.
- Dùng miếng gạc vô trùng thấm và lau nhẹ mắt bé theo chiều từ đầu mắt đến đuôi mắt.
- Thực hiện tương tự cho bên mắt còn lại.
2.2 Dùng nước muối vệ sinh mũi họng
Mũi họng của trẻ sơ sinh cũng cần được vệ sinh bằng nước muối sinh lý để phòng tránh các bệnh về hô hấp. Cách thực hiện như sau.
- Cắt ngắn móng tay và rửa tay sạch sẽ với xà phòng.
- Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, có thể dùng chăn gối để cố định tư thế hoặc một người khác giữ tư thế này.
- Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào trong mũi bé rồi để im trong 1 – 2 phút. Sau đó bế bé dậy, dùng gạc vô trùng thấm phần nước muối chảy ra ngoài.
- Nếu mũi bé có gỉ, đợi nước muối làm gỉ mềm ra rồi dùng tăm bông hoặc dụng cụ lấy gỉ mũi để khều gỉ mũi ra ngoài.
- Thực hiện tương tư cho bên mũi còn lại.
2.3 Dùng nước muối vệ sinh tai (tai ngoài)
Việc vệ sinh tai bằng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh cần thận trọng, tránh để nước muối chảy vào trong tai, gây viêm tai. Bạn chỉ được nhỏ nước muối ở tai ngoài, tức là phần vành tai theo các bước sau:
- Vẫn tuân thủ nguyên tắc rửa tay sạch sẽ, cắt ngắn móng tay.
- Đặt trẻ nằm nghiêng trên giường.
- Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào trong vành tai rồi dùng tay day nhẹ vành tai để nước muối chảy đều khắp vành tai.
- Dùng miếng gạc vô trùng thấm và lau nhẹ nhàng vành tai.
- Dùng tăm bông sạch để lấy ráy tai.
- Thực hiện tương tự cho bên tai còn lại.
3. Lưu ý khi dùng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh
Ngoài tuân thủ cách sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh như hướng dẫn trên, bạn cũng đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây.
- Lựa chọn và sử dụng nước muối sinh lý của thương hiệu uy tín. Sản phẩm được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký và cho phép lưu hành trên thị trường. Không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tuyệt đối không dùng nước muối tự pha.
- Lưu ý đến công dụng của từng loại nước muối sinh lý bởi có loại dùng để nhỏ mắt, có loại dùng để vệ sinh mũi, tai. Tùy mục đích sử dụng mà bạn chọn sản phẩm có công dụng phù hợp.
- Để ý đến thành phần trong nước muối sinh lý. Tốt nhất là chọn nước muối sinh lý chỉ chứa nước tinh khiết và muối, không có thêm bất kỳ hoạt chất nào khác.
- Nước muối sinh lý được đóng trong chai, lọ nhỏ, bình xịt,… nói chung, có nhiều dạng thiết kế. Với trẻ sơ sinh, bạn nên chọn loại lọ nhỏ hoặc dạng ống đơn liều để thuận tiện khi sử dụng.
- Tần suất nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi là 3 lần/ ngày, lúc sáng ngủ dậy, sau khi đi tắm và trước khi đi ngủ. Trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi, chỉ cần thực hiện 2 – 3 lần/ tuần.
- Đối với vệ sinh mũi họng, bạn không được thực hiện khi bé ngủ vì nước muối có thể chảy ngược vào trong, khiến bé sặc, ho, hắt xì và tăng nguy cơ viêm nhiễm hô hấp.
- Đối với vệ sinh tai, bạn cần lau tai thật sạch sẽ và khô ráo để tránh làm tai ẩm ướt, tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây bệnh,
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo không được lạm dụng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh, nhất là khi vệ sinh mũi họng bởi các lý do sau.
- Nước muối sinh lý làm suy giảm chức năng của niêm mạc mũi, cụ thể là niêm mạc mũi không tiết dịch nhầy hoặc tiết dịch nhầy không đủ để làm ẩm không khí và lọc bụi bẩn khi không khí đi vào trong mũi, từ đó tiềm ẩn nhiều vấn đề cho hệ hô hấp.
- Nhỏ quá nhiều nước muối sinh lý khiến trẻ bị khó thở, tăng tiết dịch nhầy, chảy nước mũi,…
- Sử dụng nước muối sinh lý liên tục khiến trẻ phụ thuộc vào dung dịch này, khi không sử dụng, niêm mạc sẽ khô rát, dễ kích ứng, làm trẻ khó chịu hoặc gặp biến chứng chảy máu mũi.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.